Bài 20: Hàng nghìn hộ dân ở Quảng Ninh bị ảnh hưởng bởi dự án nghìn tỷ dang dở

(Xây dựng) – Đó là thực trạng diễn ra với hơn 3.600 hộ dân ở Quảng Ninh trong diện giải phóng mặt bằng đường sắt Cái Lân – Kép, từ khi dự án có quy hoạch (2002) đến nay, công trình xây dựng dở dang rồi để đấy.

bai 20 hang nghin ho dan o quang ninh bi anh huong boi du an nghin ty dang do
Từ tháng 3/2020, nhà ga Hạ Long dừng hoạt động, chỉ để lại 5 người trông coi.

Đường sắt Cái Lân – Kép khởi công xây dựng năm 2004, dự kiến hoàn thành năm 2011, với tổng mức đầu tư 7.665 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Đến hạn định, công trình không hoàn thành mà lâm vào cảnh “đắp chiếu”. 4.300 tỷ đồng rải xuống đất cùng với khối lượng vật tư trị giá 742 tỷ đồng mua về nhập kho để lộ thiên đã 20 năm nay. Các thanh ray, tà vẹt sắt thép để ngoài trời mưa nắng hoen rỉ, hư hỏng, mất mát vừa phát sinh chi phí quản lý bảo quản.

Dự án dở dang, chậm tiến độ nhiều năm đã gây lãng phí tài nguyên đất, kìm hãm phát triển kinh tế – xã hội, ảnh hưởng đời sống dân sinh ở 4 địa phương ở Quảng Ninh gồm: Thành phố Hạ Long và Uông Bí; thị xã Quảng Yên và Đông Triều.

bai 20 hang nghin ho dan o quang ninh bi anh huong boi du an nghin ty dang do
Đường sắt bỏ hoang khiến đường dân sinh, kênh mương nội đồng bị chia cắt, ruộng đất manh mún…

Thị xã Đông Triều thuộc diện dự án mở rộng tuyến đường sắt này. Theo ông Lê Văn Lương – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất cho biết, dự án qua 13 phường xã, liên quan đến 1.372 hộ dân, trong đó: Đất nông nghiệp là 792 hộ, đất ở và đất vườn liền kề đất ở là 580 hộ; thu hồi 26,637ha đất, trong đó: 8,002ha đất ở; 18,635ha đất nông nghiệp. 902 hộ đã nhận tiền bồi thường, 236 hộ đã kiểm đếm xong nhưng chưa phê duyệt phương án bồi thường, 186 hộ chưa kiểm đếm, 48 hộ đã có quyết định phê duyệt phương án nhưng 21 hộ chưa có tiền để chi trả với số tiền là 4,057 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Đoàn – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Uông Bí cho biết: Tổng diện tích đất thu hồi trên địa bàn là 268.530m2 có 1.075 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB). 811 hộ đã kiểm đếm, 264 hộ chưa kiểm đếm lên phương án bồi thường. UBND thành phố phê duyệt phương án bồi thường cho 256 hộ và 2 tổ chức; trong đó 198 hộ và 2 tổ chức đã nhận tiền bồi thường, 58 hộ chưa nhận tiền bồi thường.

Thành phố Hạ Long có 15km đường sắt trên địa bàn 4 phường với 721 hộ và tổ chức tập thể bị ảnh hưởng với diện tích đất thu hồi 16,3ha. Thị xã Quảng Yên có 2 phường Dự án đường sắt Cái Lân – Kép đi qua là phường Minh Thành và phường Đông Mai. Phường Minh Thành 207 hộ, diện tích đất thu hồi 19.508,8m2; phường Đông Mai diện tích đất thu hồi, GPMB 10,2ha của 93hộ dân.

Theo ông Nguyễn Bình Thiên – Chủ tịch UBND phường Đại Yên, đất đai ở địa phương, trên là núi cao, dưới là bãi triều ngập mặn. Đất dân cư chủ yếu bám theo trục Quốc lộ 18 và đường sắt Cái Lân – Kép. Địa phương từng chỉnh trang đô thị, trồng hoa cây cảnh tạo mỹ quan đô thị cửa ngõ thành phố, nhưng nghịch lý đất bỏ hoang rêu phong cỏ rậm mà thay bằng hoa tươi tiểu cảnh, tức thời bị quy lỗi vi phạm hành lang bảo vệ đường sắt, đường bộ quốc gia.

Lật lại mục tiêu của dự án, trong 5 phương thức vận tải đường dài, phương thức vận tải đường sắt có lợi thứ nhì sau đường thủy. Dự án đường sắt Cái Lân – Kép có ý nghĩa liên vận quốc tế, lại khai thác lợi thế của cảng biển nước sâu Cái Lân (thời điểm đó) có lợi thế vượt trội hơn hệ thống cảng Hải Phòng, bởi cảng Hải Phòng vốn dĩ là cảng trên sông, cũ kỹ, manh mún, có xung đột giao thông.

Năm 2012, dự án đường sắt Cái Lân – Kép đang triển khai thì Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải có văn bản tạm dừng, do kinh tế gặp khó khăn nên không có nguồn để tiếp tục thực hiện. 10 năm qua, Bộ Giao thông vận tải cố gắng tìm hướng xử lý hàng nghìn tấn vật tư, thiết bị đang hoen rỉ, hư hỏng, mất mát… từng đề nghị Chính phủ cho sử dụng số vật tư này vào dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh. Song, liên Bộ Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư cho rằng, theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, thiết bị này là tài sản công chỉ được thanh lý sau khi dự án kết thúc.

Một diễn biến khác, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Chính phủ tái cấp vốn đầu tư cho công trình hoặc cho phép kêu gọi đầu tư các đoạn dang dở bằng nguồn vốn xã hội hóa. Bộ Giao thông vận tải chủ động kêu gọi nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư “giải cứu” đường sắt Cái Lân – Kép theo hình thức PPP, nhưng chưa có doanh nghiệp nào hưởng ứng. Quảng Ninh, địa phương được hưởng lợi từ dự án cũng không có cam kết về hỗ trợ tài chính.

Để hoàn thành nốt 3 tiểu dự án còn lại, sơ bộ cần phải bỏ thêm vào 6.000 tỷ đồng. Như vậy, sẽ đội tổng mức đầu tư lên trên 10.500 tỷ đồng, chưa tính những phát sinh về thay đổi đơn giá bồi thường, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và thời giá vật tư, xăng dầu, sắt thép… đang tăng ở cấp độ quốc tế, không kiểm soát được và những hạng mục đã xây dựng xong để lâu ngày tự hư hỏng cần phải thay thế.

Bộ Giao thông vận tải giao cho Viện Chiến lược giao thông vận tải và Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu, tính toán tổng nhu cầu vốn để đề nghị Chính phủ xem xét khả năng cân đối vốn, báo cáo Quốc hội xem xét có thể giao kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 để triển khai trở lại. Nhưng, Bộ Tài chính lo ngại, trên 6.000 tỷ đồng là khoản kinh phí rất lớn, vượt quá khả năng cân đối vốn đầu tư công trung hạn đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải đánh giá các yếu tố hiệu quả.

Chưa rõ ý kiến của Viện Chiến lược giao thông vận tải, nhưng sở thị khả thi tuyến đường sắt Cái Lân – Kép nay không còn phù hợp, hầu hết các yếu tố đầu vào đã thay đổi như: Xuất hiện thêm cao tốc đường bộ kết nối Quảng Ninh – Hải Phòng. Hơn thế, cảng Đình Vũ, Hải Phòng mới xây dựng lại vượt trội cảng Cái Lân về vùng nước sâu mà tàu viễn dương cập cảng, về dịch vụ logistics… 6 khu công nghiệp lớn ở thành phố Hạ Long và thị xã Quảng Yên, các doanh nghiệp kinh doanh phải căn cơ, đương nhiên sẽ chọn hướng xuôi đường về cảng Hải Phòng.

bai 20 hang nghin ho dan o quang ninh bi anh huong boi du an nghin ty dang do
Nhà cửa hư hỏng chỉ được dặm vá, không được phá ra xây dựng lại khang trang.

Quảng Ninh có chủ trương mở tuyến đường sắt quốc tế Móng Cái – Hạ Long kết nối với hệ thống hải cảng vùng biển vịnh Bái Tử Long gồm: Cảng biển Hải Hà, công suất 30-45 triệu tấn hàng hóa/năm; cụm cảng biển Con Ong – Hòn Nét (mớn nước sâu từng tiếp nhận tàu 180.000 tấn, chiều dài luồng hàng hải 11,2km, với 73 điểm neo đậu). Năm 2020, hàng hóa thông qua cụm cảng này đạt 76 triệu tấn, cao nhất Việt Nam.

Một hướng khác, nếu nghiên cứu lại đề án mà người Pháp đã khởi thảo mở đường sắt từ ga Lạng Sơn đến huyện Tiên Yên, đoạn ga Na Dương (đã có) đến cảng Mũi Chùa chỉ còn trên 30km, cho thấy tuyến đường sắt Cái Lân – Kép đã dài 126km, chưa kể tuyến Kép – Lạng Sơn dài 80km, tổng cộng tuyến đường sắt nối cảng Cái Lân đến ga Lạng Sơn để liên vận quốc tế dài 206km. Cảng Cái Lân theo thiết kế công suất tối đa 8 triệu tấn hàng hóa/năm, chưa kể những vấn đề về luồng tàu phải qua vịnh Hạ Long, Di sản thiên nhiên thế giới bất tiện và hàng năm lượng sa bồi cao do vùng thượng lưu khai thác khoáng sản và đô thị hóa nhanh. Nên vấn đề triển khai tiếp dự án đường sắt Cái Lân – Kép là bộn bề khó khăn.

bai 20 hang nghin ho dan o quang ninh bi anh huong boi du an nghin ty dang do
Công trình đường sắt Cái Lân – Kép bỏ hoang gây khó khăn cho quy hoạch phát triển đô thị.

Sự bế tắc của một dự án đường sắt lớn, hệ lụy về quy hoạch phát triển đô thị, mất an toàn giao thông, cảnh quan môi trường, lãng phí tài nguyên đất… Bất ổn dân sinh khi hệ thống đường sá nông thôn mới, kênh mương nội đồng bị chia cắt, ruộng đất manh mún… Người dân thì người được bồi thường, người chưa nhưng vẫn bị mất quyền sử dụng đất, con cái không được tách thửa, không được mua bán chuyển nhượng đất đai; nhà cửa cũ nát không được xây lại khang trang, đất đai phải giữ nguyên hiện trạng, khiến trên 3.600 hộ dân mắc kẹt như bị “giam lỏng” trên chính thổ đất của mình.

Dư luận đặt vấn đề về thất thoát, lãng phí, thậm chí có thể là tham nhũng ở đây? Tổ chức, cá nhân nào phủ nhận trách nhiệm trước “một đống” tiền của Nhà nước, mồ hôi nước mắt của nhân dân trong vụ việc này, các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương cần sớm vào cuộc làm rõ?

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích