Bài 19: Công trình nhiều năm không xử lý, cả Nhà nước và doanh nghiệp thua thiệt?
(Xây dựng) – Tính đến nay, đã hơn 9 năm tỉnh Thái Nguyên ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư 2 dự án do Công ty Cổ phần Trung Tín làm nhà đầu tư, nhưng vẫn chưa thể thực hiện được khiến cả Nhà nước và doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng thua – thiệt.
Được triển khai từ năm 2009 đến nay, 2 dự án có tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Trung Tín vẫn dang dở, quây kín rào tôn, cỏ dại mọc kín mặt bằng dự án… |
9 năm chưa thu hồi được dự án
Ngày 16/12/2013, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 2755/QĐ-UBND và Quyết định số 2756/QĐ-UBND về việc thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư 2 dự án: Dự án Trung tâm hội nghị, dịch vụ cao cấp, khách sạn 5 sao và Dự án tòa nhà hội chợ triển lãm dịch vụ trung tâm do Công ty Cổ phần Trung Tín (có địa chỉ tại tòa nhà Trung Tín, lô đất số 7 đường Hàm Nghi, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liên, Hà Nội) là nhà đầu tư.
Thế nhưng, đã hơn 9 năm trôi qua, Công ty Cổ phần Trung Tín vẫn không chấp hành thực hiện các Quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên; không thanh lý dự án đầu tư theo quy định tại Điều 69 của Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, vẫn tiếp tục thi công đến tháng 5/2014.
Tại Kết luận Thanh tra ban hành ngày 5/10/2017, Chánh Thanh tra tỉnh Thái Nguyên chỉ rõ: Hai dự án nói trên của Công ty Cổ phần Trung Tín không thuộc đối tượng để áp dụng Luật Đất đai năm 2013, Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ bởi quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành trước khi có Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định 01/2017/NĐ-CP.
Không những thế, đến thời điểm thanh tra (tháng 12/2016) đã hết hạn 24 tháng cho việc gia hạn đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư năm 2005, Luật Đất đai năm 2013 và các nghị định hướng dẫn thi hành. Theo trình bày của Công ty Cổ phần Trung Tín, thời điểm đầu tư dự án tình hình khủng hoảng kinh tế, Công ty gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, theo Thanh tra tỉnh Thái Nguyên, tại thời điểm tháng 12/2015, năng lực tài chính của công ty cũng không đáp ứng được quy định chi tiết về điều kiện đối với người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư tại Điểm a Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013.
Cụ thể, tổng mức đầu tư theo Giấy chứng nhận đầu tư của 2 dự án là 895 tỷ đồng, trong đó Dự án trung tâm hội nghị, dịch vụ cao cấp, khách sạn 5 sao là 623 tỷ đồng và Dự án tòa nhà hội chợ triển lãm dịch vụ trung tâm là 272 tỷ đồng (giá năm 2009, đến thời điểm 2015 chưa tính trượt giá vật liệu xây dựng và nhân công). Theo quy định, công ty phải có nguồn vốn chủ sở hữu là 179 tỷ đồng (20%), nhưng theo báo cáo tài chính của Công ty đến 31/12/2015, tổng nguồn vốn chủ sở hữu (vốn điều lệ) của Công ty Cổ phần Trung Tín là 100 tỷ đồng.
Trong văn bản gửi tỉnh Thái Nguyên, đại diện của Công ty Cổ phần Trung Tín cho biết: “Nếu UBND tỉnh và các Sở, ngành tỉnh Thái Nguyên vẫn giải quyết trên quan điểm áp đặt để ban hành quyết định thu hồi đất thì Công ty Cổ phần Trung Tín sẽ khởi kiện sự việc ra tòa”. Sau đó, Công ty Cổ phần Trung Tín đã khởi kiện UBND tỉnh Thái Nguyên ra tòa yêu cầu hủy toàn bộ Quyết định số 2755/QĐ-UBND, Quyết định số 2756/QĐ-UBND và Quyết định số 2414/QĐ-UBND. Ngày 26/6/2020, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đưa vụ kiện trên ra xét xử và bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần Trung Tín.
Gần 8.000m2 “đất vàng” giữa trung tâm thành phố Thái Nguyên mà tỉnh giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án, nhiều năm qua không đóng góp bất kỳ đồng thuế nào gây lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách. |
Nhà nước và doanh nghiệp đều thua – thiệt
Mặc dù đã có phán quyết của Tòa án nhưng đến thời điểm này (tháng 4/2022), Công ty Cổ phần Trung Tín vẫn không chấp hành các quyết định thu hồi; trong khi đó tỉnh Thái Nguyên cũng không có thêm động thái nào ngoài việc “chờ” phán quyết từ tòa án phúc thẩm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – thành viên Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng: Dù kết quả nghiêng về bên nào thì vụ việc cũng đã đều gây nên hậu quả. Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế: Rõ ràng, việc không xử lý dứt điểm vụ việc trong nhiều năm qua đối với 2 dự án do Công ty Cổ phần Trung Tín làm chủ đầu tư đã khiến cả phía tỉnh Thái Nguyên và doanh nghiệp đều phải chịu thiệt thòi.
Đối với địa phương, đó là việc không phát huy được hiệu quả của khu đất “vàng” giữa trung tâm thành phố Thái Nguyên. Đó cũng là việc khiến cho đô thị Thái Nguyên “nhếch nhác” bởi dự án “đắp chiếu”. Không những thế, đó còn là sự thể hiện uy tín, năng lực của chính quyền đối với sai phạm của doanh nghiệp đã được các cơ quan chức năng khẳng định; tạo tiền lệ không tốt cho hoạt động thu hút đầu tư và nhiều hệ lụy môi trường đầu tư tại địa phương…
Đối với doanh nghiệp thì thiệt hại lớn nhất là vốn đã phải bỏ ra nhiều năm mà chưa thu lại bất kỳ hiệu quả nào. Để làm trong sạch môi trường đầu tư, đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị, tránh thất thu ngân sách, tỉnh Thái Nguyên cần kiên quyết hơn trong việc thu hồi các giấy phép, thủ tục hành chính đã cấp cho nhà đầu tư liên quan đến dự án Trung Tín Hotel và Thái Nguyên Building, thu hồi khoản bồi thường giá trị tài sản có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước; đồng thời tránh sự thua thiệt kéo dài cho cả Nhà nước và doanh nghiệp.
Nguồn: Báo xây dựng