Xử lý sạt lở đá khẩn cấp ở Hoa Lư (Ninh Bình): Hai năm vẫn chưa xong

(Xây dựng) – Từ ngày xảy ra sạt lở đá trong khu dân cư tại núi Vườn Già thuộc thôn Đông, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình), 22 hộ dân đã phải di dời khẩn cấp đi nơi khác, nhiều hộ đã được trở về nơi ở cũ, nhưng không ít hộ vẫn phải tha hương chờ chính quyền xử lý sạt lở trong suốt 2 năm qua.

xu ly sat lo da khan cap o hoa lu ninh binh hai nam van chua xong
Đường quanh chân núi bị rào chắn để hạn chế người qua lại.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bà Đinh Thị Vàn ở thôn Đông, xã Trường Yên bàng hoàng nhớ lại: “Khoảng giữa tháng 10/2020, khi chúng tôi đang làm vườn tại chân núi Vườn Già thì bỗng dưng thấy một khối đá to lăn từ trên đỉnh núi xuống khiến chúng tôi vô cùng hoảng sợ. Sau đó ít hôm, phát hiện có tiếng động, tiếng nứt tách trên đỉnh núi, người dân kiểm tra thì thấy mỏm núi đá nứt cả vài mét chỉ chực chờ rơi xuống. Phía dưới chân núi thì có đến 22 hộ sinh sống nên chúng tôi đã báo cáo ngay với xã và khẩn cấp phải di dời đi từ đó”.

“Thời điểm đầu năm 2021, sau nhiều đoàn kiểm tra mức độ an toàn thì nhà tôi là một trong 15 hộ được trở về nơi ở cũ, kết thúc ròng rã 4 tháng đi ở nhờ. Tuy được quay trở về nơi ở cũ nhưng do mỏm núi luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bất kỳ lúc nào nên chúng tôi vẫn chưa thể yên tâm tuyệt đối”, bà Vàn cho biết thêm.

xu ly sat lo da khan cap o hoa lu ninh binh hai nam van chua xong
Bà Vàn chỉ vị trí đỉnh núi Vườn Già, nơi có nguy cơ sạt lở rất cao.

Hộ anh Nguyễn Trung Cộng thôn Đông, một trong những hộ dân đang phải tha hương trong suốt thời gian dài cho biết: “Gia đình tôi có 5 nhân khẩu và phải di dời đi ở nhờ nơi khác từ tháng 10/2020, do chưa ổn định chỗ ở, phải di chuyển khắp nơi để sinh sống khiến cả gia đình mệt mỏi. Thậm chí, cả gia đình có thời điểm còn phải ở nhờ tại một gian nhà cấp 4 tầm 9m2 của Nhà văn hóa thôn Đông”.

Theo anh Cộng, việc ở nhờ tạm bợ, không ổn định chỗ ở đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của gia đình, nhất là việc học hành, sinh hoạt của các cháu. “Mỗi tháng gia đình tôi được hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng để đi thuê nhà, tuy nhiên việc thuê nhà gặp nhiều khó khăn vì phải đi xa, ảnh hưởng đến việc học tập của các cháu”.

Đại diện lãnh đạo xã Trường Yên cho biết: Địa phương cũng rất mong muốn xử lý sớm khu vực mỏm đá sạt lở, đưa về an toàn để người dân sớm ổn định cuộc sống hoặc nhanh chóng bố trí tái định cư cho các hộ dân, nhưng việc này phải chờ quyết định của cấp trên vì kinh phí xử lý quá lớn đối với xã.

Được biết, UBND tỉnh Ninh Bình đã có Công văn hỏa tốc số 172/UBND-VP2 ngày 18/10/2020 yêu cầu UBND huyện Hoa Lư khảo sát, xây dựng phương án xử lý các khối đá đang và có nguy cơ sạt trượt, lở tại khu vực núi Vườn Già để đảm bảo an toàn tính mạng và bảo vệ tài sản cho người dân, xong trước ngày 23/10/2020.

Đến ngày 28/01/2021, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục có Văn bản số 40/UBND-VP3 yêu cầu UBND huyện Hoa Lư chủ động, có biện pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các hộ gia đình tại khu vực Vườn Già. Đồng thời, khẩn trương hoàn chỉnh phương án và tổ chức thực hiện việc xử lý sạt lở đá tại khu vực núi Vườn Già.

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình có Tờ trình số 25/TTr-UBND ngày 25/3/2022 trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xử lý khắc phục nguy cơ sạt lở đá đe dọa đến tính mạng con người tại khu vực núi Vườn Già.

xu ly sat lo da khan cap o hoa lu ninh binh hai nam van chua xong
Một trong những ngôi nhà dưới chân núi Vườn Già đã bị chủ nhân bỏ lại di dời đến nơi khác tránh sạt lở đá.

Trong đó, điều chỉnh hạng mục đào hồ có diện tích 15.900m2, cao độ đáy hồ thiết kế (-1.50m), kè xung quanh hồ chiều dài 630m, kết hợp lan can đá; Hoàn trả kết hợp xây mới để hoàn thiện tuyến đường quanh hồ có chiều dài khoảng 460m, kết hợp trồng cây tạo cảnh quan; Các công trình cống trên tuyến đường quanh hồ. Tổng mức đầu tư 47 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện 2021-2023.

Như vậy, nếu theo đúng kế hoạch thì ít nhất cũng phải hơn 1 năm nữa việc xử lý sạt lở đá tại núi Vườn Già mới hoàn thành và đó cũng là thời gian mà nhiều hộ dân tại đây thấp thỏm, lo sợ, đặc biệt là khi mùa mưa bão đã đến rất gần.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích