Những nhà ga xa xôi nhất thế giới
Những điểm dừng đường sắt hẻo lánh nhất thế giới nằm ở Vòng Bắc Cực hay trên cao nguyên Tây Tạng, núi Alps… có ít chuyến tàu đến, đi nhưng sở hữu khung cảnh bình yên, tuyệt đẹp.
Ga đường sắt Dent, Cumbria, Anh: Nhà ga Dent nằm trên độ cao 351 m so với mực nước biển, là nhà ga tuyến chính cao nhất ở Anh. Thuộc tuyến Settle – Carlisle, một trong những tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới, nhà ga cách ngôi làng Dent bình dị 8 km. Khung cảnh ở nơi đây này đẹp nên thơ, du khách có thể khám phá nhà ga kiến trúc thế kỷ 12, những con đường rải sỏi giữa thảm xanh trải dài và các quán rượu lâu năm. Các chuyến tàu thường xuyên phục vụ đến Dent từ Leeds và Carlisle mỗi ngày. Ảnh: Kreuzschnabel.
Ga xe lửa Tanggula, Tây Tạng, Trung Quốc: Tanggula ở quận Amdo, Tây Tạng, là ga đường sắt cao nhất thế giới. Nằm ở độ cao 5.068 m, nhà ga nằm trên tuyến đường sắt Thanh – Tạng, kết nối các thành phố Thanh Hải và Thành Quan. Nhà ga không có người quản lý và khi chuyến tàu dừng ở đây, hành khách phải ở lại trên tàu vì khu vực xung quanh không có người ở. Ảnh: Baycrest.
Ga Okuoikojo, Shizuoka, Nhật Bản: Ga xe lửa này nằm trên một vách đá nhỏ nhô ra giữa hồ, nép mình giữa khung cảnh vùng núi ngoạn mục ở tỉnh Shizuoka. Okuoikojo nằm trên tuyến đường sắt dốc nhất ở Nhật Bản và là một điểm dừng chân khó quên với du khách vào bất kể mùa nào trong năm. Ảnh: Gempak.
Jungfraujoch, Valais, Thụy Sĩ: Ngoài là một nhà ga hẻo lánh nhất thế giới, Jungfraujoch ở Valais cũng là một trong những nhà ga đẹp nhất. Được đặt biệt danh “Top of Europe” (“Nóc nhà của châu Âu”), nhà ga này cao nhất ở châu lục và đã cung cấp dịch vụ từ năm 1912. Những ai đi tàu đến Jungfraujoch có thể đắm mình trong khung cảnh ngoạn mục của dãy núi Alps, từ sông băng Aletsch đến dãy núi Black Forest ở Đức. Ảnh: Victor Maschek.
Ga xe lửa quốc tế Canfranc, Huesca, Tây Ban Nha: Mở cửa lần đầu tiên vào năm 1929, Canfranc International từng là nhà ga xe lửa lớn nhất châu Âu. Ẩn mình trên dãy núi Pyrenees ở biên giới của Tây Ban Nha và Pháp, nhà ga này được biết đến với cái tên “Titanic of the Mountains”, mang vẻ đẹp vừa tráng lệ vừa gây ám ảnh. Ngày nay, du khách có thể trải nghiệm chuyến tham quan có hướng dẫn lịch sử về địa điểm này. Mặc dù công trình đã được cải tạo, tất cả chuyến tham quan hiện chỉ diễn ra ngoài trời. Ảnh: Loida Sanchez Real.
Nhà ga Banff, Alberta, Canada: Nhà ga Banff mang đến cho du khách cơ hội khám phá một trong những địa điểm ngoạn mục nhất thế giới. Mặc dù là điểm đến nổi tiếng với những người yêu thích du lịch, thị xã Banff lại nằm ở khu vực xa xôi và điều kiện giao thông hạn chế. Banff được biết đến với công viên quốc gia tuyệt đẹp, các đỉnh núi Rocky và đa dạng các loài động vật hoang dã cùng nhiều hoạt động phiêu lưu mạo hiểm. Ảnh: Bradley L. Grant.
Ga Karskaya, Vòng Bắc Cực, Nga: Vị trí nằm ở Vòng Bắc Cực đủ để biết nhà ga này xa xôi như thế nào. Ga Karskaya nằm ở cuối tuyến Obskaya – Bovanenkovo của Nga và là ga đường sắt xa nhất về phía bắc trên thế giới. Các tuyến đường sắt và nhà ga tại Karskaya được xây dựng vào năm 2011 bởi Gazprom, một tập đoàn năng lượng có trụ sở tại Saint Petersburg, vì Karskaya là nơi có mỏ khí đốt rất lớn. Ảnh: Grigorii Pisotsckii.
Ga Shimonada, Ehime, Nhật Bản: Được mệnh danh “nhà ga cô độc nhất thế giới”, trạm dừng Shimonada nằm bên rìa biển nội địa Seto ở tỉnh Ehime trên đảo Shikoku, Nhật Bản. Đây là một địa điểm nổi tiếng cho các nhiếp ảnh gia tác nghiệp vào lúc hoàng hôn và bình minh. Nhà ga được phục vụ bởi tuyến tàu chính hoạt động trên đảo và có khoảng 18 chuyến tàu hàng ngày. Tuy nhiên, bất chấp sự phổ biến với khách du lịch, số lượng hành khách sử dụng điểm dừng này đã giảm kể từ những năm 1980 do việc mở một tuyến đường nội địa mới. Ảnh: Zekkei Japan.
Ga Rannoch, Scotland, Vương quốc Anh: Nằm cách làng Kinloch Rannoch ở phía bắc Scotland 29 km, trạm dừng đường sắt nhỏ bé này nằm trên một cao nguyên tuyệt đẹp giữa vùng đất hoang dã Rannoch Moor. Là một trong những nhà ga xa xôi nhất của Vương quốc Anh, ga Rannoch thường xuyên có các chuyến tàu đến Glasgow, Fort William, Malliag và London Euston. Ảnh: Phil Seale.
Nguồn: Báo xây dựng