M&A bất động sản “nóng” với các thương vụ triệu đô
(TN&MT) – Thị trường M&A bất động sản (BĐS) năm 2021 và quý 1/2022 vẫn diễn ra sôi động với hàng loạt thương vụ lớn, các BĐS liên tục thâu tóm thêm nhiều quỹ đất lớn.
Theo Cushman & Wakefield Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2022, GDP Việt Nam đạt mức tăng trưởng là 5,03%. Vốn đăng ký đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào thị trường Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD. Vốn FDI giải ngân lên đến 4,42 tỷ USD. Đây là mức tăng cao nhất trong nửa thập kỷ qua và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, BĐS nhận được nguồn vốn FDI lớn thứ 2 liên tiếp trong 10 năm qua. Trái ngược với dự kiến của một số chuyên gia về nguy cơ xảy ra “bong bóng” BĐS, thị trường M&A BĐS 2021 và quý 1/2022 vẫn diễn ra sôi động với hàng loạt thương vụ lớn, các doanh nghiệp BĐS liên tục thâu tóm thêm nhiều quỹ đất lớn.
Đầu năm 2021, tại Đồng Nai, Công ty CP Đầu tư Nam Long đã hoàn tất mua lại 100% tại công ty sở hữu dự án 170 ha ở Đồng Nai từ Keppel Land. Sau khi về với Nam Long, dự án có tên gọi mới là Izumi do Nam Long cùng đối tác Nhật Hankyu Hanshin Properties phát triển với tổng mức đầu tư 18.600 tỷ đồng. Thị trường cũng vừa có thêm thương vụ nổi bật ở TP.HCM như ở khu vực quận 1, tòa nhà Saigon One Tower đã được đổi tên thành IFC One Tower do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển VivaLand quản lý… Tổng giá trị các giao dịch M&A trong quý 1/2022 cao hơn cả tổng giá trị từng năm 2019-2021.
Bà Trang Bùi – Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, khẩu vị của các nhà đầu tư chủ yếu vẫn nhắm đến các loại tài sản truyền thống, bao gồm: nhà ở, khu đất phát triển, công nghiệp, văn phòng và bán lẻ; trong đó, 76% các giao dịch nhà ở tập trung ở TP.HCM; trong khi Đồng Nai và Bình Dương chiếm hơn 50% tỷ trọng đầu tư BĐS công nghiệp. Ngoài ra, thị trường sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ ở các mảng du lịch nghỉ dưỡng và bán lẻ, vốn đã bị kìm hãm trong thời gian qua, nhờ mở cửa các đường bay quốc tế trở lại. Thị trường BĐS nhà ở cũng được kỳ vọng sẽ tích cực nhờ vào gói đầu tư hạ tầng 114 nghìn tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua.
“Lĩnh vực M&A vẫn thống trị bởi nhà đầu tư nội địa, nhiều nhà đầu tư quốc tế chuộng tham gia liên doanh với các đối tác trong nước. Hầu hết các nhà đầu tư tham gia vào các thương vụ liên doanh và M&A chứ không phải là các giao dịch BĐS thuần túy. Nguồn tiền đầu tư không hề thiếu, nhưng khó khăn lại nằm ở cơ hội. Rào cản lớn nhất là việc khan hiếm quỹ đất phù hợp trong các thành phố lớn như: TP.HCM, Hà Nội để phát triển dự án”, bà Trang phân tích.
Cũng theo bà Trang, một trong những điều quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế là tính minh bạch. Thị trường càng minh bạch thì nhà đầu tư nước ngoài càng quan tâm. Nếu thị trường không đủ minh bạch, không có đủ thông tin và dữ liệu, giao dịch chậm và quyền sở hữu đất đai không rõ ràng, tất cả đều đặt ra thách thức cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều vốn, đang chờ được đầu tư vào BĐS. Họ muốn hợp tác với các nhà đầu tư địa phương, nhưng họ cần giao dịch diễn ra nhanh chóng.