Bài 15: Dự án mô hình lò đốt rác tại Quảng Trị “đắp chiếu” đến bao giờ?
(Xây dựng) – Dự án mô hình lò đốt rác cụm xã huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị vận hành chạy thử từ tháng 8/2021, chỉ sau thời gian ngắn đã ngừng hoạt động để lại nhiều núi rác khổng lồ đang chờ được xử lý.
Dự án mô hình lò đốt rác cụm xã huyện Cam Lộ đang dừng hoạt động giữa những núi rác thải. |
Dự án mô hình lò đốt rác cụm xã huyện Cam Lộ được đầu tư tại vùng đất đồi thuộc xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ) với tổng mức vốn đầu tư 7,7 tỷ đồng bằng nhiều nguồn khác nhau, trong đó nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia là 7 tỷ, vốn ngân sách huyện và nhân dân đóng góp là 0,7 tỷ đồng và được khởi công từ năm 2019, do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Cam Lộ làm chủ đầu tư. Công trình gồm có các hạng mục như: 1 thiết bị lò đốt rác, hạ tầng kỹ thuật điện, giao thông, bảo vệ, thu gom xử lý nước thải, một thiết bị lò đốt rác tái sinh hoạt động có công suất 1000kg/h… do Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam cung cấp.
Ông Hoàng Tân Cương – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Cam Lộ cho biết: Công trình mô hình lò đốt rác cụm xã huyện Cam Lộ được xây dựng trên khu vực bãi rác đã có từ lâu của huyện. Toàn bộ rác thải trên địa bàn huyện Cam Lộ được thu gom tập kết đến xử lý tại đây. Trước đây, bãi rác này chủ yếu xử lý theo cách phổ thông đó là chôn lấp. Với cách xử lý này vừa không triệt để, đặc biệt là chiếm thêm nhiều diện tích đất, vì cứ chôn lấp hết khu đất này thì phải chôn lấp rác đến khu đất khác… Do đó, Dự án mô hình lò đốt rác cụm xã huyện Cam Lộ ra đời sẽ giải quyết những vấn đề tồn tại lâu nay của bãi rác cũ. Tuy nhiên, sau khi chạy thử, đến nay gần 9 tháng trời, dự án này phải tạm dừng, trong khi những đống rác thải ngày càng khổng lồ hơn.
Nguyên nhân Dự án mô hình lò đốt rác cụm xã huyện Cam Lộ xây xong nhưng chưa thể đưa vào vận hành, được ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị (đơn vị quản lý về chuyên môn) cho biết: Ngân sách của huyện Cam Lộ hạn chế nên chưa có nguồn kinh phí để bố trí cho công tác lò đốt rác, đồng thời theo cách tính toán cụ thể, một năm cần chi phí vào khoản này là khoảng 1,4 tỷ đồng. Quá trình vận hành thử còn gặp phải một số khó khăn như: Rác chưa được phân loại, nhiều loại rác lẫn lộn không đốt được, chưa có mái che khu phơi rác và khu chứa củi nên rác ướt rất khó đốt, một số hạng mục dự kiến đầu tư bao gồm nhà mái che phơi rác, ô chôn lấp mới để giảm tải cho ô chôn lấp cũ nhưng do thiếu kinh phí nên chưa làm được…
Trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tế về Dự án mô hình lò đốt rác cụm xã huyện Cam Lộ, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị với UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo UBND huyện Cam Lộ bố trí nguồn kinh phí để tiếp tục đầu một số hạng mục, bố trí cho công tác vận hành, vận động nhân dân thực hiện các giải pháp phân loại rác tại nguồn để thuận lợi hơn trong xử lý rác.
Về phía chủ đầu tư, ông Hoàng Tân Cương – Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Cam Lộ tâm tư: Trước mắt, huyện đang cố gắng bố trí ngân sách để đưa dự án vào hoạt động, tuy nhiên do nguồn kinh phí của huyện nhà hạn hẹp, lại bố trí bằng nguồn sự nghiệp nên rất hạn chế, do đó về lâu dài huyện phải huy động thêm nhiều nguồn như xin nguồn hỗ trợ từ UBND tỉnh Quảng Trị, huy động theo phương châm xã hội hóa.
Như vậy, với cách bố trí nguồn vốn để cho dự án đi vào hoạt động như trên theo kiểu “giật gấu vá vai”, nếu trong trường hợp không huy động được nguồn vốn từ bên ngoài chắc rằng Dự án mô hình lò đốt rác cụm xã huyện Cam Lộ lại rơi vào tình cảnh “đắp chiếu nằm chờ”.
Dự án mô hình lò đốt rác cụm xã huyện Cam Lộ đầu tư hàng tỷ đồng, nhưng phải “đắp chiếu nằm chờ” gây lãng phí tiền của Nhà nước, trong khi rác thải xung quanh lò đốt ngày cứ dày thêm. Huyện Cam Lộ cũng như người dân đang cần đến sự hỗ trợ của tỉnh cũng như từ nhiều phía bằng phương châm, xã hội hóa, một lãnh đạo huyện đã bộc bạch.
Chúng tôi cho rằng, xử lý rác thải là một nhu cầu bức thiết mang tính xã hội, việc quan tâm, đầu tư xây dựng công trình này là đúng và cần thiết. Quảng Trị là một tỉnh nghèo, vì vậy việc đầu tư xây dựng cần tập trung để đảm bảo tính hiệu quả. Chỉ vì thiếu khoảng 1,4 tỷ đồng mà để một công trình hơn 7 tỷ đồng “đắp chiếu” và nguy cơ trở thành phế liệu? UBND tỉnh Quảng Trị cần sớm quan tâm vấn đề này, tránh lãng phí tiền của của Nhà nước và nhân dân.
Nguồn: Báo xây dựng