Tiếp tục đảm bảo chất lượng, đa dạng hoá hình thức dạy học

Song song thực hiện CTGDPT 2018 và CTGDPT 2006 trong điều kiện phòng, chống dịch

Năm học 2020-2021 là năm học đặc biệt với ngành Giáo dục nói chung và giáo dục Tiểu học nói riêng, khi lần đầu tiên cả nước thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPT 2018) đối với lớp 1. Năm học diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến học sinh chỉ có thể trở lại trường học chính thức sau ngày khai giảng 5/9, học sinh lớp 1 không có 2 tuần làm quen nền nếp, môi trường học tập như các năm học trước.

Trước đó, suốt nhiều tháng kể từ học kỳ II năm học 2019-2020, không ít địa phương vì ảnh hưởng của dịch đã phải cho học sinh tạm dừng đến trường; thầy trò từng bước làm quen và chuyển dần sang dạy học trực tuyến.

Tiếp tục đảm bảo chất lượng, đa dạng hoá hình thức dạy học
Năm học 2020-2021 là năm học đặc biệt với ngành Giáo dục nói chung và giáo dục Tiểu học nói riêng. (Ảnh chụp trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát)

Triển khai nhiệm vụ năm học trong bối cảnh khó khăn và khác biệt, ngành Giáo dục cả nước đã chung ta nỗ lực thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa tích cực phòng, chống dịch Covid-19, vừa triển khai hiệu quả CTGDPT 2018 đối với lớp 1 và CTGDPT 2006 đối với các lớp 2, 3, 4, 5. Bộ GD&ĐT ban hành nhiều Thông tư, văn bản kế hoạch, công văn để kịp thời hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục Tiểu học.

Trong đó, tập trung triển khai chương trình, sách giáo khoa mới; có kế hoạch về công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy học lớp 1, cơ sở vật chất phục vụ năm học 2020-2021. Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch này nhằm đảm bảo tốt nhất các điều kiện về đội ngũ (đủ số lượng, được bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn), cơ sở vật chất, sự thống nhất trong chỉ đạo, triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện CTGDPT 2018.

Căn cứ các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các tỉnh/thành phố đã xây dựng kế hoạch dạy học bảo đảm hoàn thành CTGDPT cấp Tiểu học phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Ổn định trường lớp, tăng số lượng và chất lượng giáo viên

Thời gian qua, các địa phương đã tích cực sắp xếp mạng lưới, quy mô trường, lớp một cách phù hợp để tạo thuận lợi trong học tập và đảm bảo quyền lợi của học sinh. Số lượng lớp học được chú trọng duy trì, mở rộng, đồng thời bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố, giảm số phòng học tạm, mượn…

Năm học 2020-2021 toàn quốc có 14.786 cơ sở giáo dục thực hiện CTGDPT cấp Tiểu học với 16.323 điểm trường, giữ ổn định so với năm học trước. Tỷ lệ phòng học/lớp đạt trung bình cả nước là 0,98; trong đó phòng học kiên cố đạt 79,5%; phòng học bán kiên cố đạt 18,5%; phòng học tạm, mượn chiếm 2%; số phòng học còn thiếu và đang học nhờ, mượn là 2.081 (0,75%) phòng.

Cả nước có tổng số 8.736.033 học sinh Tiểu học, tăng 152.301 em so với năm học trước. Tổng số lớp là 280.274 (tăng 4.325 lớp so với năm học trước); tỷ lệ trung bình học sinh/lớp là 31,27. Để đạt được tỷ lệ này, hầu hết các địa phương đã thực hiện tốt công tác điều tra phổ cập, dự báo được tình hình tăng – giảm học sinh tại các địa bàn nên dù số học sinh tăng nhưng vẫn đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức dạy học với số lượng học sinh/lớp không quá 35. Riêng một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai… do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp cao hơn mức quy định trong Điều lệ trường Tiểu học.

Tiếp tục đảm bảo chất lượng, đa dạng hoá hình thức dạy học
Các địa phương đã tích cực sắp xếp mạng lưới, quy mô trường, lớp một cách phù hợp để tạo thuận lợi trong học tập và đảm bảo quyền lợi của học sinh. (Ảnh minh họa)

Năm học vừa qua, ngành Giáo dục và các địa phương đã chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đáp ứng yêu cầu về chất lượng, để triển khai hiệu quả CTGDPT cấp Tiểu học. Các giáo viên đang thực hiện chế độ hợp đồng lao động được tích cực xét tuyển vào biên chế. Giáo viên tuyển mới được tăng cường, trong đó chú trọng giáo viên các môn học mới ở cấp Tiểu học khi thực hiện CTGDPT 2018 như: Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ.

Hiện nay, toàn quốc có 406.636 giáo viên cấp Tiểu học, tăng 6.140 giáo viên so với năm học trước. Tỷ lệ trung bình giáo viên/lớp là 1,41, cơ bản đảm bảo thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.

Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên để đáp ứng các chuẩn nghề nghiệp và yêu cầu dạy học của CTGDPT 2018 được tăng cường triển khai. Trong đó giáo viên dạy lớp 1, lớp 2 được ưu tiên tham gia bồi dưỡng trước các khoá về thực hiện CTGDPT mới; cán bộ, giáo viên trường ngoài công lập cũng được tạo điều kiện tham gia. Đến nay, các địa phương đã hoàn thành bồi dưỡng 3 modul đầu về hướng dẫn thực hiện CTGDPT 2018, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá phát triển phẩm chất, năng lực học sinh cho giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cốt cán. 100% giáo viên dạy lớp 1 cũng hoàn thành bồi dưỡng một số nội dung trước năm học mới và tiếp tục triển khai trong năm để dạy học hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của chương trình.

Kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình thực tế triển khai chương trình ở một số địa phương trong năm học vừa qua, Bộ GD&ĐT nhận thấy các nhà trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phù hợp với điều kiện thực tiễn. Các giáo viên dạy lớp 1 đã bước đầu áp dụng hiệu quả các phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; giáo viên lớp trên cũng sôi nổi dạy học theo các phương pháp tích cực.

Nhiệm vụ mới với giáo dục Tiểu học

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, song năm học vừa qua cũng ghi nhận một số tồn tại, hạn chế của giáo dục Tiểu học. Trong đó, việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới lần đầu tiên được áp dụng nên gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện.

Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn chưa đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi. Số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn thừa thiếu cục bộ, đặc biệt là chưa đồng bộ về cơ cấu khi triển khai CTGDPT 2018. Một số địa phương dù đã rất cố gắng nhưng vẫn gặp khó về cơ chế chính sách hoặc điều kiện kinh phí để tuyển dụng, hợp đồng giáo viên; có nơi khó khăn về nguồn tuyển giáo viên.

Tiếp tục đảm bảo chất lượng, đa dạng hoá hình thức dạy học
Đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch Covid-19 đối với cấp Tiểu học. (Ảnh minh họa)

Cơ sở vật chất tại một số cơ sở giáo dục chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện để thực hiện chương trình và nhu cầu phục vụ học tập khác. Việc quy hoạch mạng lưới trường lớp ở một số nơi còn cơ học ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh. Số lượng các trường Tiểu học thực hiện CTGDPT 2018 lớn, trải rộng khắp cả nước, có vùng thuận lợi, khó khăn, đặc thù vùng dân tộc… dẫn đến cùng một chủ trương đổi mới nhưng có nơi thực hiện thuận lợi, có nơi lại khó khăn…

Kế thừa kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, khó khăn, giáo dục Tiểu học đã đặt ra 5 nhiệm vụ với nhiều giải pháp cụ thể cho năm học 2021-2022. Trong đó, cấp học này sẽ tiếp tục triển khai đảm bảo chất lượng CTGDPT 2018 đối với lớp 1, 2 và thực hiện hiệu quả CTGDPT 2006 từ lớp 3 đến lớp 5. Tiếp tục xây dựng kế hoạch, phương án tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình, đặc biệt là môn Tin học, môn Ngoại ngữ; đảm bảo 100% giáo viên dạy học lớp 3 được bồi dưỡng theo quy định của Bộ GD&ĐT và được hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa lớp 3 từ năm học 2022-2023.

Việc rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục và bố trí quỹ đất để xây dựng trường, điểm trường, lớp học phù hợp, thuận lợi và đáp ứng nhu cầu người học vẫn là nhiệm vụ vẫn được chú trọng thực hiện trong năm học này. Song song với đó là tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện CTGDPT cấp Tiểu học, khắc phục tình trạng trường lớp có quy mô lớp học và sĩ số học sinh vượt quá quy định.

Đặc biệt, năm học 2021-2022, giáo dục Tiểu học đặt ra 2 nhiệm vụ mới. Một là chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Nhiệm vụ mới thứ hai là đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch Covid-19 đối với cấp Tiểu học. Chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của người học. Tổ chức xây dựng kho học liệu điện tử phù hợp để sẵn sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp học sinh phải tạm dừng đến trường nhưng việc học vẫn không gián đoạn.

P.T

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích