Hà Nội: Những công trình kiến trúc đẹp, dần bị “khai tử”
(Xây dựng) – Những ngày gần đây, dư luận lại xôn xao vì một khu nhà có kiến trúc đẹp bị phá dỡ ở Hà Nội. Quần thể kiến trúc này gây chú ý, do cách thiết kế “quay lưng ra đường” như một nhà tu kín với cổng vào tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình, Hà Nội), ẩn giấu bên trong là một trong những cấu trúc công nghiệp đẹp và gần như còn nguyên vẹn ở Hà Nội trong 100 năm qua. Khu nhà này hiện đang bị phá dỡ, để sắp tới xây một tòa nhà với 11 tầng nổi, 6 tầng hầm vào giữa trung tâm quận Ba Đình, khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Các khu nhà mặt phố Lê Trực, Nguyễn Thái Học đã tháo dỡ cơ bản phần mái nhà cổ. |
Tòa nhà 100 tuổi được thay thế bằng công trình cao 11 tầng
Gần đây, người dân Thủ đô bất ngờ, khi thấy dãy nhà 4 mặt phố có địa chỉ tại 61 Trần Phú, cách Quảng trường Ba Đình lịch sử vài trăm mét đang được phá dỡ để xây dựng tòa nhà với 11 tầng nổi và 6 tầng hầm.
Được biết, đây vốn là nhà máy cũ được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20, với những mái vì kèo bê tông đặc trưng, dấu ấn kiến trúc nhà xưởng còn nguyên vẹn. Công trình là trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần thiết bị Bưu điện (POSTEF). Công ty thuê đất của Nhà nước có thời hạn thuê là 50 năm, ngày hết hạn là 24/6/2067 với tổng diện tích đất là 7.523m2.
Ban đầu, POSTEF dự định xây dựng khu đất này trở thành Trung tâm công nghệ cao và Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên, sau đó POSTEF quyết định góp vốn với đối tác phát triển bất động sản, chuyển đổi thành Dự án đầu tư xây dựng công trình đa chức năng Postef.
Theo Quyết định 3841/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: Tổng diện tích ô đất nghiên cứu là 9.078m2, trong đó diện tích lập dự án 7.523m2, diện tích đất trong phạm vi mở đường theo quy hoạch khoảng 1.555m2, diện tích đất xây dựng công trình khoảng 3.757m2; mật độ xây dựng 50%; diện tích sân đường nội bộ, cây xanh, bãi xe khoảng 3.766m2.
Tầng cao công trình gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm. Tổng diện tích sàn tầng nổi khoảng 32.306,6m2, tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng 43.023,2m2; chiều cao công trình tính từ cao độ vỉa hè để đỉnh tum thang là 42,9m. Dự án có tổng mức đầu tư 1.574 tỷ đồng. Liên danh với Postef thực hiện dự án còn có Công ty Cổ phần Liên Việt Holdings và Công ty Cổ phần Him Lam.
Dãy nhà tại mặt đường Hùng Vương vẫn hiện còn được giữ nguyên. |
Ngày 12/3/2022, POSTEF ban hành báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Trong đó có nêu về Dự án Công trình đa chức năng 61 Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội.
Theo đó, ngày 1/2/2019 Công ty đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CQ335698. Đến ngày 4/5/2020, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1783/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Công trình Đa chức năng Postef. Đến ngày 8/12/2020 Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng số 83/GPXD có thời hạn 12 tháng. Công ty đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục khởi công dự án, để chuẩn bị khởi công dự án trong năm 2022.
Bên trong công trình 100 năm tuổi giờ chỉ còn đống gạch đá ngổn ngang. |
Sự ra đi của một di sản công nghiệp bị “lãng quên”
Thông tin một tòa nhà 11 tầng nổi và 6 tầng hầm sắp được xây dựng giữa trung tâm quận Ba Đình khiến cư dân xung quanh khu vực không khỏi bất ngờ.
Bà Nguyễn Thị Yến (phố Sơn Tây, phường Điện Biên) bức xúc: Việc phá dỡ các dãy nhà tại địa chỉ số 61 Trần Phú để nhường chỗ cho tòa nhà cao tầng phải chăng vì lợi ích mà đi ngược lại với chủ trương của Thành phố Hà Nội. Bởi công trình này có kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử, nhưng giờ lại phá dỡ như vậy, có hợp lý không? Sao Hà Nội không bảo tồn những kiến trúc xưa cũ, biến những nơi này thành điểm du lịch, mà lại cho phá dỡ hết vậy?
Chia sẻ về công trình số 61 Trần Phú, ông Trương Ngọc Lân – Giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho biết: Công trình này là xưởng cơ khí và kho bưu điện Trung ương do người Pháp xây dựng vào năm 1925 trên nền cũ của pháo đài góc Tây Nam thành Hà Nội thời Nguyễn, nay là Công ty Cổ phần thiết bị Bưu điện. Nét đặc sắc nhất của khối lõi là hệ thống mái hình răng cưa với dàn bê tông cốt thép đỡ mái lượn cong ở các góc. Cách xử lý đó giúp chống nứt ở cho cấu kiện tốt hơn, đồng thời làm hình thức dàn trở nên mềm mại. Vẻ đẹp và hiệu quả chức năng của hệ thống mái còn được thể hiện qua những cửa mái bằng kính lớn gợi nhớ các kiến trúc Modernism đương thời trên thế giới. Không những thế, cấu tạo mái có consol cho phép diềm mái đua ra khỏi dàn bê tông khá nhiều để chống mưa hắt và che bớt nắng, chứng tỏ người thiết kế đã có nghiên cứu nhất định, nhằm thích với khí hậu địa phương. Tất cả tạo nên vẻ đẹp nhẹ nhàng đầy tính hiện đại nhiệt đới hầu như không thấy ở các nhà máy khác tại Hà Nội. Nhìn bề ngoài, nó giống như nhà triển lãm, bảo tàng hay một hội trường đa năng hơn là cơ sở công nghiệp.
Xưởng cơ khí bưu điện trong bản đồ Hà Nội năm 1925. |
Xưởng cơ khí bưu điện trong google map năm 2022 gần như giữ nguyên các khối nhà (ảnh chụp màn hình). |
Không những vậy, nếu so sánh hình ảnh nhà máy trên bản đồ Hà Nội năm 1925 với Google map năm 2022 sẽ thấy hình dáng xưởng không hề thay đổi qua gần 1 thế kỉ, đây là trường hợp vô cùng hiếm.
Có lẽ rất ít nhà máy cổ ở Việt Nam hiện nay sánh được với công trình này đồng thời ở cả 2 yếu tố: Sự nguyên bản và tính độc đáo trong kiến trúc. Về mặt đô thị, xưởng cơ khí bưu điện cùng với các công trình liền kề trên đường Trần Phú là Tu viện Carmel (nay là 1 phần bệnh viện St Paul), bệnh viện St Paul, trường nữ sinh (nay là Bộ Tư pháp) đã tạo nên vẻ đẹp đồng bộ cho khu vực về tỷ lệ, chiều cao, phong cách kiến trúc.
Dù không mang dấu ấn lịch sử đặc biệt, nhưng với vai trò là một bộ phận không thể tách rời của hình ảnh đô thị tổng thể khu phố Pháp và giá trị độc đáo của kiến trúc cùng tình trạng nguyên bản có một không hai của mình, xưởng cơ khí bưu điện có lẽ xứng đáng được bảo tồn ít nhất là một phần. Cùng với những cây xanh gắn với nó để trở thành một trung tâm văn hóa sáng tạo, một không gian cộng đồng giữa một đô thị mật độ quá cao, thay vì trở thành một phức hợp thương mại. Nếu làm được thế Hà Nội “thành phố sáng tạo” sẽ có một không gian đẹp không kém không gian sáng tạo nổi tiếng 798 Bắc Kinh ở ngay giữa lòng nội thành. Tuy nhiên, sau 100 năm tồn tại, cấu trúc đẹp của khu nhà sắp bị “xóa sổ” trong nay mai.
Đáng tiếc, di sản công nghiệp vẫn còn là điều quá xa lạ ở Việt Nam. Các nhà máy cổ chưa bao giờ được đánh giá nghiêm túc về giá trị di sản kiến trúc đô thị và xem như những thứ đáng phải cân nhắc giữ gìn.
Trao đổi thêm với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Trương Ngọc Lân cho biết: UBND Thành phố Hà Nội có quyết định phê duyệt là không sai luật, cũng nghĩ đến sự phát triển của thành phố, nhưng cách nghĩ hơi đơn giản, có phần máy móc theo các chỉ tiêu quy hoạch. Khu vực này cảnh quan đặc trưng của khu phố cũ lại gần với quảng trường Ba Đình, ngay trên trục Hùng Vương. Cần thận trọng xem xét đến việc bảo vệ cảnh quan đô thị trong đó có các công trình cổ (dù không có giá trị lịch sử quá cao) để giữ gìn bản sắc khu trung tâm đô thị Hà Nội, cũng như giữ được tỷ lệ hài hòa, vẻ đẹp tổng thể của khu vực. Theo tôi vẫn có thể giữ gìn được một phần đáng kể vành ngoài mà không ảnh hưởng đến việc phát triển khu đất.
Từ những phân tích như đã nêu ở trên, dư luận đang đặt ra một số vấn đề:
Thứ nhất, liệu có phải chỉ vì suy nghĩ “đơn giản” của những người có thẩm quyền Hà Nội như ý kiến của một chuyên gia nào đó đã phát biểu, hay đằng sau đó còn có một lợi ích nào khác mà chính quyền Hà Nội lại cho phép phá đi một công trình có giá trị về di tích lịch sử, trong khi không xin ý kiến của các chuyên gia về kiến trúc, di tích, bảo tồn…Đây là một điều hết sức đáng tiếc.
Thứ hai, lại là câu chuyện liên danh, lại một câu chuyện cổ phần hóa, họ đã “hô biến” một công trình có tính chất di tích, nằm trên vị trí vàng của thành phố, có giá trị bảo tồn du lịch thành công trình của các cá nhân. Dư luận cho rằng, các ngành Tư pháp cần sớm xem xét, và làm rõ vấn đề chuyển đổi đất từ Nhà nước sang tư nhân để tránh thất thoát cho Nhà nước.
Thứ 3, với công trình có 6 tầng hầm, đây là việc chưa có tiền lệ trong các dự án đầu tư xây dựng tại Hà Nội, đặc biệt là các khu phố cổ. Trong điều kiện nền đất Hà Nội là rất yếu, có khả năng ảnh hưởng đến rất nhiều công trình lân cận; không biết việc này chính quyền Hà Nội đã tính đến chưa? Mặt khác, quy hoạch không gian ngầm đã được cấp thẩm quyền phê duyệt chưa, vị trí này có quy định 6 tầng hầm không, công trình này có được thi tuyển kiến trúc theo quy định không, những vấn đề này cần được làm rõ?
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần sớm trả lời sớm những vấn đề nêu trên?
UBND quận Ba Đình vừa có văn bản đề nghị Cty Cổ phần Thiết bị Bưu điện bảo vệ nguyên trạng bức phù điêu ghi dấu sự kiện ngày 19/5/1967 tại địa chỉ 61 phố Trần Phú, quận Ba Đình. Theo đó, để bảo tồn và phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến, ngày 04/4/2022 UBND quận Ba Đình đã có văn bản số 517/UBND-VHTT gửi Cty Cổ phần Thiết bị Bưu điện với nội dung đề nghị Cty và các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung: Đề nghị Cty Cổ phần Thiết bị Bưu điện – Bảo vệ nguyên trạng Bức phù điêu tại địa chỉ số 61 phố Trần Phú, phường Điện Biên, quận Ba Đình. Báo cáo UBND thành phố Hà Nội, Sở Văn hoá và Thể thao, UBND quận Ba Đình phương án di chuyển, bảo vệ và khôi phục Bức phù điêu tại vị trí ban đầu trước khi công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng. Thời gian gửi báo cáo trước 17h00 ngày 07/4/2022. Giao phòng Văn hoá và Thông tin, UBND phường Điện Biên – Phối hợp với Cty Cổ phần Thiết bị Bưu điện, các phòng chuyên môn của Sở Văn hoá và Thể thao thực hiện các nhiệm vụ nhằm giữ gìn, bảo vệ bức phù điêu nơi ghi dấu sự kiện ngày 19/5/1967 của Thủ đô Hà Nội. UBND quận Ba Đình đề nghị Cty Cổ phần Thiết bị Bưu điện, yêu cầu các đơn vị thuộc quận nghiêm túc thực hiện. |
Nguồn: Báo xây dựng