Bộ Y tế sẽ triển khai thí điểm điều trị ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà
Sáng 13/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì Hội nghị tập huấn trực tuyến về quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, người bệnh Covid-19 theo phân tầng quản lý, điều trị và an toàn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Bài học sẵn sàng “4 tại chỗ”
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, ngoài công tác y tế dự phòng, một trong những trọng tâm ưu tiên đối với tất cả địa phương trong công tác phòng, chống dịch là vấn đề về điều trị, đặc biệt là làm thế nào để giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19.
Những tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương…, đã và đang rất nỗ lực cố gắng trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, dịch tại đây vẫn diễn biến rất phức tạp. Từ những bài học thực tiễn đó, Bộ trưởng nhấn mạnh một số bài học cần rút kinh nghiệm.
Thứ nhất, về vấn đề tổ chức hệ thống trong khám, chữa bệnh, đặc biệt trong điều trị đang thay đổi theo hướng để bảo đảm tiếp cận với bệnh nhân nhanh và thuận tiện nhất cũng như bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế tốt nhất cho F0.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Nguyễn Nhiên) |
Tại tuyến Trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khuyến nghị trong bối cảnh tình hình dịch phức tạp như hiện nay, Quốc hội và Chính phủ đã đồng ý cho phép thành lập các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực.
Các địa phương nên chia tầng điều trị thành 3 tầng khác nhau. Tầng 1, bao gồm các bệnh viện dã chiến, kể cả ở cộng đồng và gia đình, để quản lý và chăm sóc người nhiễm Covid-19 không triệu chứng.
Tầng điều trị thứ 2 là các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên. Các cơ sở y tế có giường bệnh ngay bây giờ phải chuẩn bị cho tình huống có nhiều ca nhiễm. Tầng điều trị này phục vụ những bệnh nhân có triệu chứng trung bình. 3 yếu tố cực kỳ quan trọng mà tầng điều trị này phải chuẩn bị là oxy, thuốc kháng đông và thuốc kháng viêm.
Đối với oxy, Bộ Y tế đã liên tục có những văn bản yêu cầu, nhắc nhở, đôn đốc và hướng dẫn cụ thể các địa phương phải bảo đảm oxy cho điều trị ở tầng này. Do đó, các địa phương phải ngay lập tức rà soát lại tất cả cơ sở y tế thuộc tầng điều trị này xem có bồn oxy chưa, có bình lớn chứa oxy chưa… Số lượng oxy có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị của bao nhiêu bệnh nhân.
Về thuốc kháng đông và thuốc kháng viêm, Bộ trưởng cho biết nếu làm tốt công tác điều trị ở tầng này, sẽ giảm nhẹ ca mắc và không làm tăng nặng ca nhiễm. Khả năng cứu sống bệnh nhân nhiều hơn, thực tế đã chứng minh điều đó.
Đối với tầng 2, Bộ Y tế khuyến cáo nên sử dụng máy HFNC trong điều trị, máy thở không xâm nhập… và một số trang thiết bị khác mà nhân viên y tế có thể kiểm soát được.
Về tầng thứ 3 là tầng điều trị hồi sức tích cực, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhắc lại yêu cầu của Bộ Y tế về việc tất cả địa phương phải chuẩn bị cả về nhân lực và trang thiết bị cho tầng điều trị này. Riêng nhân lực phải sử dụng được máy thở xâm nhập.
“Các địa phương cần rà soát lại tầng điều trị trên địa bàn, trên nguyên tắc tăng công suất tối đa của từng tầng điều trị. Ngay tại tầng 1 phải tăng khả năng, dung lượng điều trị. Tầng thứ 2 và 3 cũng vậy, để khi dịch xảy ra, các địa phương không bị ngỡ ngàng, không hoang mang, bị động”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Thứ hai, về chuẩn bị cho công tác điều trị, Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh, tại một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng lúng túng, chuẩn bị chưa chu đáo, đầy đủ cho công tác điều trị.
Nếu tất cả địa phương thực hiện theo đúng phương châm 4 tại chỗ thì phải chuẩn bị sẵn cho điều trị về giường bệnh, oxy, máy HFNC, máy thở cho tầng điều trị thứ 3 và trang thiết bị phòng hộ. Tại nhiều cơ sở y tế của tầng điều trị thứ 2 chỉ có vài họng oxy không thể đáp ứng nhu cầu điều trị, trong khi oxy đóng vai trò rất quan trọng trong giảm tăng nặng, giảm tử vong.
Thứ ba, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị về nhân lực cho phòng chống dịch, đặc biệt cho công tác điều trị. Các địa phương vẫn có tâm lý trông chờ vào nguồn nhân lực chi viện. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh các địa phương phải huy động tối đa nguồn lực tại chỗ kể cả y tế công lập và y tế tư nhân.
Sửa đổi các phác đồ về điều trị theo cách thức tiếp cận rộng rãi hơn
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã sửa đổi các phác đồ về điều trị theo cách thức tiếp cận mới, bảo đảm tiếp cận rộng rãi với tất cả các loại thuốc.
Tới đây, Bộ Y tế sẽ triển khai chương trình điều trị tại nhà thí điểm, sử dụng thuốc Molnupiravir – là một trong những thuốc được đánh giá là giảm nồng độ vi rút thấp nhất.
“Tới đây, chúng tôi sẽ triển khai chương trình điều trị thí điểm tại nhà đối với thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác khi có ca nhiễm tăng nhanh, vượt quá khả năng thu dung, điều trị của các cơ sở; để bảo đảm vấn đề quản lý và điều trị bệnh nhân Covid-19 ở tại nhà, ở các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu. Tầng điều trị này rất quan trọng để bệnh nhân được tiếp cận nhanh nhất với dịch vụ y tế”, Bộ trưởng nói.
Hiện nay, Hội đồng Đạo đức, khoa học của Bộ Y tế và chuyên gia đang tập hợp để sớm triển khai vấn đề này khi có thuốc Molnupiravir. Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở nhập thuốc, tăng vấn đề sản xuất thuốc này khi có điều kiện sẽ sử dụng.
Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp có thể sản xuất thuốc này có thể trao đổi với các doanh nghiệp có bản quyền để chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc này. Đây là vấn đề rất quan trọng trong điều trị tại cộng đồng.
Ngoài ra, với những thuốc cho bệnh nhân nặng hiện nay, chúng ta kêu gọi cộng đồng hỗ trợ, và hiện nay Việt Nam đã tiếp nhận một số lượng thuốc Remdesivir và một số thuốc kháng vi rút khác.
Nguồn: Báo lao động thủ đô