Bài 12: Người dân ngán ngẩm, chính quyền mệt mỏi vì dự án “khủng” gần 15 năm vẫn “nằm” trên giấy tại Bắc Giang
(Xây dựng) – Gần 15 năm qua, Dự án Trung tâm thử nghiệm ôtô Việt Nam do Cục đăng kiểm Việt Nam làm chủ đầu tư tại xã Hùng Sơn (Hiệp Hòa, Bắc Giang) vẫn “nằm trên giấy”. Việc dự án đã được phê duyệt sử dụng đất, nhưng chậm triển khai không chỉ gây lãng phí mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho địa phương thực hiện quy hoạch.
Cánh đồng thôn Hòa Tiến, xã Hùng Sơn – nơi thực hiện dự án. |
Gần 15 năm vẫn… “treo” trên giấy
Theo tìm hiểu được biết, Dự án Trung tâm thử nghiệm ôtô Việt Nam được Bộ Giao thông Vận tải cho phép lập dự án tại Quyết định số 1745/QĐ-BGTVT ngày 18/6/2008, có quy mô đầu tư các tòa nhà thử nghiệm, khu vực đường thử, khu vực đường đua để thực hiện công tác thử nghiệm; UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 tại Quyết định số 2463/QĐ-UBND ngày 31/12/2009.
Theo quy hoạch ban đầu, dự án sẽ giải phóng khoảng 89,9ha diện tích đất tại thôn Hòa Tiến và thôn Trung Thành thuộc xã Hùng Sơn. Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm Việt Nam sau đó đã tổ chức rà soát, xác định lại quy mô đầu tư thực sự cấp thiết của dự án trên cơ sở phù hợp chức năng quản lý Nhà nước về đăng kiểm… Đến nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã điều chỉnh lại quy mô dự án xuống còn 53,48ha và đã được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 1506/QĐ-UBND ngày 30/8/2017.
Tiếp đó, ngày 29/12/2017, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có Công văn số 8414/ĐKVN-KHĐT gửi UBND huyện Hiệp Hòa về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án đầu tư Trung tâm thử nghiệm ôtô Việt Nam. Ngày 9/01/2018, UBND huyện Hiệp Hòa đã có Công văn số 04/UBND-TNMT UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị có báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất khoảng 27,86ha đất trồng lúa (trên tổng số 53,48ha) tại xã Hùng Sơn để huyện có cơ sở chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định. Đến ngày 17/4/2018, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Văn bản số 48/UBND-TN về việc đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thực hiện dự án Trung tâm thử nghiệm ôtô Việt Nam. Ngày 7/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 1008/TTg-NN về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Theo thông tin phóng viên tìm hiểu, dự án này được đơn vị tư vấn EGIS International của Pháp thực hiện, trên cơ sở các mô hình trung tâm thử nghiệm ôtô hiện đại trên thế giới. Theo thiết kế, dự án gồm các hạng mục chính: 5 tòa nhà thử nghiệm; 10 đường thử xe các loại (thử dốc, tốc độ cao, thử gia tốc…); các công trình phụ trợ (trạm điện, bãi đỗ xe…).
Dự án sẽ được đầu tư trang bị đồng bộ các chủng loại thiết bị thử nghiệm hiện đại để thực hiện các thử nghiệm phương tiện, thiết bị ôtô theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia và thông lệ quốc tế, phục vụ sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và xuất khẩu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Ban đầu dự án có tổng mức đầu tư xấp xỉ 1.400 tỷ đồng, tuy nhiên sau đó giảm xuống còn hơn 700 tỷ.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, nhiều người dân có đất nằm trong diện thu hồi tỏ ra ngạc nhiên vì dự án vẫn được triển khai. “Ngày trước họ cũng mới chỉ thực hiện kiểm, đo đạc chứ chưa thu hồi, đền bù gì. Tôi cứ tưởng dự án đã chuyển đi đâu rồi chứ không biết là vẫn thực hiện, vì gần 15 năm rồi”, một người dân chia sẻ.
Cũng theo người dân, việc dự án “nằm” trên giấy gần 15 năm đã khiến cho người dân gặp không ít hệ lụy. Bà N.T.H, người dân thôn Hòa Tiến cho biết: “Gần 15 năm trước có người về đo đạc, kiểm đếm chỗ đất ở đồng Nương và Gò Vai, thế nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa thấy họ làm. Tốt nhất nếu không làm thì bỏ đi để doanh nghiệp khác họ vào làm, rất nhiều đơn vị họ muốn mua nhưng vì là đất của dự án Trung tâm đăng kiểm nên không bán được, nếu không dân chúng tôi đã bán lâu rồi”.
Dự án gây khó cho địa phương trong thực hiện quy hoạch
Theo tìm hiểu được biết, trên cơ sở các căn cứ pháp lý để thực hiện dự án, năm 2013, UBND huyện Hiệp Hòa đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Tuy nhiên, do nhân dân không đồng thuận thực hiện dự án nên chưa thực hiện được việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Việc dự án “đắp chiếu” quá lâu đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quy hoạch, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Để tìm hiểu về những bất cập nêu trên, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã buổi làm việc với ông Mẫn Xuân Thích – Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn. Khi phóng viên nhắc tới dự án trên, Chủ tịch xã Hùng Sơn tỏ ra ngán ngẩm: “Dự án đấy quá chậm, đến bây giờ vẫn chưa thực hiện gì. Trước là mới lập phương án thu hồi đất nhưng sự đồng thuận của nhân dân là không cao nên họ dừng lại”.
Cũng theo ông Thích, việc dự án “dậm chân tại chỗ” đã gây nhiều khó khăn cho địa phương. “Địa phương muốn xây dựng một số vùng sản xuất hoặc một số doanh nghiệp họ muốn vào đầu tư thì vướng quy hoạch nên không thể thực hiện được. Kể cả thôn muốn đầu tư đường giao thông hay mương nước cũng rất khó vì đã vướng quy hoạch của dự án. Tôi nghĩ rằng, nếu không làm thì chấm dứt luôn để chúng tôi có phương án phát triển sản xuất cho người dân, còn nếu làm thì phải triển khai nhanh”, ông Thích chia sẻ.
Về phía UBND huyện Hiệp Hòa, ông Nguyễn Công Bộ – Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết, ngày 11/3/2020, UBND huyện đã mời Cục Đăng kiểm Việt Nam về làm việc để thống nhất việc triển khai dự án và điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 dự án để phù hợp mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Đến ngày 21/5/2020, Cục Đăng kiểm Việt Nam có Văn bản số 1501/DKVN-TCKHĐT về việc phối hợp điều chỉnh quy hoạch chi tiết (1/500) dự án và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Thế nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa phối hợp với UBND huyện Hiệp Hòa để triển khai công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng dự án.
Cũng theo ông Bộ, UBND huyện cũng đã nhận được nhiều ý kiến của nhân dân xã Hùng Sơn về việc dự án chậm tiến độ. Việc dự án đã được phê duyệt sử dụng đất, nhưng doanh nghiệp chưa triển khai, đã gây khó khăn cho địa phương trong thực hiện quy hoạch. Do đó, UBND huyện Hiệp Hòa đã có ý kiến đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo cụ thể về triển khai dự án, sớm triển khai hoặc điều chỉnh quy hoạch đất khu vực này để sử dụng hiệu quả. “Trong đầu tháng 4, chúng tôi sẽ cho mời Cục Đăng kiểm về để làm việc xem có triển khai dự án hay không. Sau đó sẽ có phương án cụ thể”, ông Bộ cho biết.
Dự án đã “lâm sàng” gần 15 năm mà cho đến tận hiện nay chủ đầu tư vẫn “chưa phối hợp với UBND huyện Hiệp Hòa để triển khai công tác thu hồi đất”, chúng tôi cho rằng UBND tỉnh Bắc Giang cần xem lại có nên cho chủ đầu tư tiếp tục dự án này hay không? Bởi chủ đầu tư không “mặn mà” thì cũng nên “dẹp bỏ”, hơn nữa gần 28ha đất trồng lúa bị thu hồi không phải là nhỏ, trong khi tỉnh Bắc Giang có nhiều khu công nghiệp, lực lượng công nhân đông đảo thì vấn đề dành đất phục vụ an ninh lương thực cũng cần được đặt lên hàng đầu.
Nguồn: Báo xây dựng