“Tăng liều thuốc” chống phân lô, tách thửa: Có chặn được đầu cơ, sốt đất?
(TN&MT) – Từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương đã có những văn bản chỉ đạo để điều chỉnh việc phân lô, tách thửa. Động thái này có hạn chế được sốt đất ảo, đầu cơ đất và phân khúc đất nền có bị kìm hãm phát triển hay không là điều mà nhiều người quan tâm.
Nhiều địa phương “mạnh tay” chống phân lô, tách thửa
Trước thực trạng phân lô, tách thửa diễn ra rầm rộ, nhằm chống lũng đoạn thị trường bất động sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội mới đây đã ban hành văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng phân lô, tách thửa đối với đất nông nghiệp, trừ một số trường hợp cụ thể.
Sở yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát, báo cáo về việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/1/2022 đối với các thửa đất có diện tích lớn hơn 500 m2 (bao gồm thửa đất nông nghiệp, thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất) đã được UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Nhiều tỉnh thành trên cả nước đã có những cách làm quyết liệt trong thời gian qua để “mạnh tay” chặn tình trạng sốt đất ảo, gây hệ lụy cho người dân và khó khăn trong công tác quản lý. Bình Phước đề nghị các địa phương ngăn chặn việc tự ý mở đường, phân lô tách thửa đất nông nghiệp trái quy định.
Tại Lâm Đồng, tháng 1/2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng toàn bộ việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc tách thửa đất để chuyển nhượng, xây dựng nhà ở hình thành các khu, điểm dân cư mới tại nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Việc tạm dừng đã được thực hiện cho đến ngày 1/3/2022.
Tại Bình Phước, cuối tháng 3, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương quản lý chặt chẽ việc phân lô, tách thửa, xây dựng nhà ở, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm về lĩnh vực đất đai. Ngay sau khi tiếp nhận chỉ đạo, UBND các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Bình Phước có văn bản khẩn gửi đến các xã, phường, thị trấn, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai. Theo đó, các đơn vị tổng hợp báo cáo các trường hợp người sử dụng đất tự ý mở đường đi không theo quy hoạch; các trường hợp đã lập hồ sơ, thủ tục tách thửa đất nông nghiệp (diện tích dưới 1.000m2) để có hướng xử lý.
Cũng trong tháng 3, UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản chỉ đạo các sở ngành, địa phương về vấn đề tăng cường công tác chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; yêu cầu các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn phải báo cáo định kỳ hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản qua sàn và chịu trách nhiệm về hồ sơ, thông tin cung cấp.
Chính sách siết chặt sẽ không ảnh hưởng tới phân khúc đất nền
Ông Nguyễn Chí Thanh – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá: “Đã đến lúc cần có các chính sách để giải quyết vấn nạn phân lô, bán nền tràn lan, tùy tiện trên thị trường hiện nay. Công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hay các địa bàn tỉnh khác trong việc siết chặn tình trạng này ở thời điểm hiện tại là rất hợp lý. Và điều này sẽ không làm ảnh hưởng xấu đến thị trường bất động sản”.
Tình trạng phân lô, tách thửa nhằm giao dịch, thổi giá đất nền khiến “bong bóng” bất động sản ngày càng lớn. Nhiều năm trở lại đây, thị trường bất động sản tại nhiều địa phương liên tục ghi nhận nhiều đợt sốt đất. Việc gom đất tràn lan rồi phân lô, tách thửa là những hành động gây cản trở lớn cho sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, phục vụ cho việc đầu cơ, tích trữ mua bán đất đai, kinh doanh tài chính trên nền tảng đất chứ không phải đầu tư để sử dụng đất lâu dài.
Trước lo ngại về việc siết chặt phân lô, tách thửa có ảnh hưởng đến sự phát triển của phân khúc đất nền, nhiều chuyên gia phân tích, các trường hợp phân lô, tách thửa đúng mục đích sử dụng hoàn toàn không bị cấm, vì thế phân khúc đất nền sẽ không bị ảnh hưởng bởi các chính sách siết chặt của các địa phương. Giao dịch có thể sẽ trầm lắng hơn nên trước mắt giúp giảm cơn sốt đất ngắn hạn trên thị trường. Các chuyên gia cũng cho rằng, các địa phương cần sớm có báo cáo và hoàn chỉnh các quy định về phân lô, tách thửa.
“Các nhà quản lý cần phát hiện về thể chế, pháp lý và xây dựng thị trường bất động sản thực sự chuyên nghiêp, vận hành theo đúng cơ chế thị trường… Chúng ta đã bỏ lỡ, gây thất thoát nguồn lực đất đai trong một thời gian khá dài. Nếu có thể giữ vững nguồn lực đất đai ngay từ đầu thì hoàn toàn thừa tiềm lực về tài chính để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Vì vậy cần nhanh chóng chấn chỉnh những điểm còn chưa minh bạch, bình đẳng trong lĩnh vực đất đai để phát huy đúng nguồn lực của nó, tạo đà cho sự phát triển của thị trường BĐS”, ông Bùi Văn Doanh – Viện trưởng viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam chia sẻ.