Giải vật Phùng Hưng: Khơi dậy nguồn văn hóa truyền thống xứ Đoài
(Xây dựng) – Trong 3 ngày từ ngày 1 – 3/4 tại Nhà văn hóa thị xã Sơn Tây đã diễn ra Giải vật dân tộc tranh cúp Phùng Hưng lần thứ nhất năm 2022. Đây là hoạt động trong chuỗi các sự kiện hướng tới kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822 – 2022). Hơn thế nữa, sẽ tạo đà để Sơn Tây “thức giấc” bằng nội lực bởi những sự kiện văn hóa, thể hiện bản sắc địa phương, là cơ sở để sáng tạo các giá trị văn hóa mới, là điều kiện giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế, đó là nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội.
Sơn Tây lần đầu tổ chức Giải vật dân tộc nhưng đã nhận được sự tham gia của vận động viên nhiều tỉnh thành. |
Thị xã Sơn Tây nổi tiếng với nhiều học sỹ, danh tướng như Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng – người lãnh đạo nhân dân ta lật đổ ách thống trị của nhà Đường, xây dựng nền độc lập quốc gia vào cuối thế kỷ thứ VIII. Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng còn nổi tiếng với giai thoại tay không giết hổ dữ cứu dân làng. Vì thế, đến nay, người dân xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây vẫn tự hào và duy trì tinh thần thượng võ được truyền từ vị anh hùng dân tộc. Vì thế, cứ đến ngày 3/3 (âm lịch) hàng năm, Hội vật truyền thống lại được tổ chức tại chùa Ón, xã Đường Lâm.
Nhận thấy, tinh thần thượng võ truyền thống của người Sơn Tây nói chung và xã Đường Lâm nói riêng có giá trị văn hóa cao, Đảng bộ và chính quyền thị xã Sơn Tây đã quyết tâm đưa môn vật dân tộc thành một hoạt động thường niên với quy mô toàn thị xã và mở rộng nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Giải đấu này có vật nam, vật nữ thu hút gần 200 vận động viên đến từ các tỉnh thành trong nước và 12 trọng tài đến từ Liên đoàn Vật Việt Nam. Sự kiện đặc biệt đã tạo niềm hứng khởi cho người dân Sơn Tây và các địa phương lân cận.
Ông Trần Đắc ngụ tại đường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây hào hứng chia sẻ: Chúng tôi rất vui khi Sơn Tây có những sự kiện văn hóa, thể thao như thế này để khích lệ tinh thần tự hào văn hóa dân tộc, khơi dậy tinh thần công hiến trong mỗi người dân. Từ đó tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển thị xã nói riêng và đất nước nói chung.
Nhận thức sâu sắc và toàn diện về vai trò của hệ thống di sản trong việc khẳng định bản sắc dân tộc, là cơ sở để sáng tạo các giá trị văn hóa mới, là điều kiện giao lưu và hợp tác, là nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội, Đảng bộ và chính quyền thị xã Sơn Tây đã và đang thực hiện kế hoạch đầu tư nhiều dự án bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di sản tại Sơn Tây.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung – Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sơn Tây cho biết: Sơn Tây sẽ có nhiều chương trình, hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh rộng rãi để bạn bè trong nước và quốc tế biết và đến với chúng tôi. Trước tiên là Giải vật truyền thống tranh cúp Phùng Hưng 2022, tiếp đến là tuyến phố đi bộ dự kiến sẽ khai trương vào dịp lễ 30/4 và 1/5/2022. Tuyến phố đi bộ thí điểm có chiều dài 820m gồm: Tuyến phố Phó Đức Chính, Phan Chu Trinh; đường dạo phía ngoài của Thành cổ Sơn Tây; vườn hoa trung tâm thị xã; quảng trường khu vực vườn hoa trung tâm; sân trước khu vực Trung tâm văn hóa thị xã; quảng trường sân vận động thị xã. Tại đây, người dân và du khách có thể trải nghiệm, thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật đương đại, ca nhạc đường phố, nhảy dân vũ, vẽ chân dung, ký họa, thư pháp, đua thuyền, câu cá, múa rối nước… Ngoài ra còn tổ chức triển lãm tranh, ảnh, giới thiệu sách, báo, tạp chí; hoạt động vui chơi của thanh niên, thiếu nhi. Bên cạnh đó, thị xã tổ chức các dịch vụ ẩm thực; giới thiệu hàng lưu niệm, sản phẩm đặc trưng của Sơn Tây. Các gia đình nằm trong khu vực này vẫn có thể mở cửa kinh doanh những mặt hàng hiện có.
Hệ thống di tích lịch sử và di tích cách mạng là tài sản vô giá của dân tộc. Thị xã Sơn Tây đang giữ nhiều “tài sản” vô giá này như Thành cổ Sơn Tây, Đền Và, Làng cổ Đường Lâm… Để có điều kiện gìn giữ và quảng bá hơn nữa, thị xã Sơn Tây đang tiến hành các thủ tục để các di tích này được nâng cấp là di tích quốc gia đặc biệt, góp phần hoàn thiện chuỗi du lịch tâm linh của Thành phố Hà Nội. Sắp tới, tại Sơn Tây sẽ có hội thảo về Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa xứ Đoài với sự tham gia của nhiều giáo sư, nhà sử học, nghiên cứu văn hóa, bảo tồn di tích… Các bài nghiên cứu sẽ hướng đến việc đề xuất công nhận di tích Thành cổ Sơn Tây là công trình di tích quốc gia đặc biệt bởi đây là công trình có yếu tố lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị và sinh thái.
Khán giả đến cổ vũ vận động viên với niềm vui và tinh thần tự hào về truyền thống xứ Đoài. |
Đây chỉ là các hoạt động đã và sắp diễn ra, Sơn Tây còn rất nhiều kế hoạch, chương trình đã được các cấp lãnh đạo thị xã xây dựng bằng cả tâm huyết mong đưa “nàng công chúa” thức giấc, khoe hết vẻ đẹp bởi thiên nhiên ban tặng, văn hóa truyền thống sâu sắc và niềm tự hào của người Sơn Tây.
Nguồn: Báo xây dựng