“Sếu đầu đàn” về đầu tư bất động sản đang đổ bộ vào TP. Tam Kỳ
Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành của tỉnh đã làm việc với lãnh đạo tập đoàn được ví như “sếu đầu đàn” trong lĩnh vực đầu tư đô thị, đô thị du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại miền Trung nói riêng và cả nước nói chung, về chương trình hợp tác, đầu tư các dự án trọng điểm tại tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025.
Điểm nhấn đô thị dọc đường Điện Biên Phủ, TP. Tam Kỳ
Sau khi nghe báo cáo, đề xuất của các đơn vị liên quan và chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng các đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã cơ bản đảm bảo các điều kiện cần thiết để thực hiện các quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư triển khai thực hiện. Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ hạn chế thấp nhất việc phát triển các dự án khu dân cư, khu đô thị có quy mô nhỏ; tập trung kêu gọi các dự án có quy mô lớn, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, tạo điểm nhấn cho đô thị và tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
“Đối với đề xuất nghiên cứu đầu tư các dự án Khu đô thị và cảnh quan hai bên đường Điện Biên Phủ, TP. Tam Kỳ (đoạn từ sông Kỳ Phú đến quảng trường biển Tam Thanh) và Khu đô thị ven sông Vĩnh Điện, TX. Điện Bàn, là các dự án đầu tư trọng điểm, tạo điểm nhấn phát triển của đô thị Tam Kỳ và Điện Bàn; do đó, phải thực hiện theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3826/UBND-KTN ngày 25/6/2021 về việc tăng cường quản lý công tác lập quy hoạch và triển khai thực hiện các khu đô thị, khu dân cư, chỉnh trang, sắp xếp dân cư”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.
Ông Lê Trí Thanh cũng yêu cầu các bên sớm hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và đặt tên Khu đô thị hỗn hợp trục Điện Biên Phủ, để phát triển hạ tầng đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại; trong đó, việc phát triển nhà ở là một nội dung trong phát triển khu đô thị.
“Khu vực cánh đồng Nhong có vị trí và địa hình tự nhiên đặc biệt, quan trọng, tạo điểm nhấn sinh thái kiến trúc và là không gian chứa lũ của đô thị Tam Kỳ, định hướng sẽ quy hoạch phát triển thành công viên chuyên đề với mật độ xây dựng không quá 25% và thực hiện phương án thi tuyển ý tưởng kiến trúc để tạo điểm nhấn tại khu vực này”, ông Lê Trí Thanh yêu cầu và giao nghiên cứu lại vị trí Quảng trường biển Tam Thanh theo hướng thuận lợi trong việc kết nối giao thông khu vực, đảm bảo tổ chức các sự kiện biển quy mô lớn mang tầm quốc gia, khu vực, đảm bảo khả năng thoát nạn khi tổ chức các sự kiện tập trung đông người.
Về chuẩn bị quỹ đất tái định cư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND TP. Tam Kỳ căn cứ quy mô, tiến độ đầu tư, tổ chức khảo sát hiện trạng đất đai, dân cư tại khu vực nghiên cứu dự án, chủ động xây dựng kế hoạch, lựa chọn địa điểm xây dựng khu tái định cư để di dời các hộ dân bị ảnh hưởng tại các khu vực dân cư sống phân tán và di dời các hộ dân tại khu vực quy hoạch bố trí các khu chức năng đô thị, đảm bảo kịp thời phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi triển khai thực hiện dự án.
“Tại các khu vực dân cư sống tập trung đông đúc và không phải vị trí đầu tư các khu chức năng chính của đô thị thì khoanh vùng, giữ lại và đầu tư hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang đô thị đồng bộ với khu vực quy hoạch xây dựng mới theo định hướng phát triển hạ tầng đô thị đạt tiêu chí đô thị loại 1”, ông Lê Trí Thanh nói thêm.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cũng chỉ đạo: “Đối với khu vực rừng phòng hộ, khu vực cần chuyển đổi đất lúa: UBND TP. Tam Kỳ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai và các sở, ngành liên quan đề xuất quy mô, phạm vi, tiến độ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa tại các vị trí phù hợp với tiến độ đầu tư; đề xuất phạm vi, quy mô, diện tích cần chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ, vị trí trồng rừng thay thế và làm việc với nhà đầu tư để trồng lại rừng phòng hộ với các loại cây trồng phù hợp, vừa đảm bảo chức năng phòng hộ và vừa đảm bảo chức năng cây xanh cảnh quan, cây xanh công viên”.
“Tam Ky Central City” và cơ hội đầu tư trên trục đường Điện Biên Phủ
Riêng trục đường Điện Biên Phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh xác định đây là trục cảnh quan chính của đô thị Tam Kỳ, kết nối trung tâm TP. Tam Kỳ hiện hữu đến biển nên quá trình nghiên cứu, đầu tư phải có các công trình điểm nhấn về chiều cao, kiến trúc, vật liệu xây dựng, hiệu ứng ánh sáng… phù hợp, tạo bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại, nhưng phải khác biệt với các trục đô thị tương tự trên cả nước.
Cũng giống như Khu đô thị hỗn hợp trục Điện Biên Phủ (đoạn từ sông Kỳ Phú đến Quảng trường biển Tam Thanh), Khu dân cư phố chợ Trường Xuân – Tam Ky Central City nổi bật và chiếm trọn sự quan tâm của nhà đầu tư với vị trí kim cương khi tiếp xúc với 2 tuyến đường huyết mạch – Đại lộ kết nối Đông – Tây: Điện Biên Phủ, là tuyến đường định hướng sẽ xây dựng trung tâm tài chính – thương mại. Nơi đây tập trung nhiều văn phòng, officetel, shophouse… kết nối lên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Tuyến Quốc lộ 40B kết nối cảng Kỳ Hà và Cửa khẩu Bờ Y là nơi mở rộng giao thông liên vùng và sẽ là trục đường huyết mạch của vùng nội đô Tam Kỳ đến vùng bờ biển phía Đông TP. Tam Kỳ.
Khu dân cư phố chợ Trường Xuân – Tam Ky Central City được ký Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 6035/UBND-KTN ngày 23/10/2018, hiện do Công ty Cổ phần Vietgroup Capital (Vietgroup) đầu tư, phát triển dự án theo hướng khu đô thị cao cấp, đầy đủ tiện ích nội khu, mang phong cách “tân cổ điển sang trọng”. Dự án góp phần đưa TP. Tam Kỳ trở thành điểm sáng trên thị trường bất động sản miền Trung.
Sự hiện diện của các tập đoàn đầu tư đô thị, đô thị du lịch tầm cỡ như Vingroup, FVG, Sun Group, BRG và hàng loạt các ông lớn trong lĩnh vực bất động sản, đô thị công nghiệp… đang đổ bộ vào vùng Đông Quảng Nam cho thấy tín hiệu lạc quan về tiềm năng phát triển đô thị ở Quảng Nam nói chung và TP. Tam Kỳ nói riêng trong thời gian tới. Và với sự xuất hiện của Tam Ky Central City, cộng đồng dân cư nơi đây đang chứng kiến sự đổi thay từng ngày trên vùng đất Tam Kỳ – vùng đất được định hình để phát triển thành “Trái tim xứ Quảng” – thủ phủ tỉnh Quảng Nam./.