Doanh nghiệp địa ốc phía Nam chuẩn bị cho “bình thường mới”

Một lượng lớn sản phẩm bất động sản chuẩn bị được tung ra thị trường
Một lượng lớn sản phẩm bất động sản chuẩn bị được tung ra thị trường. Ảnh: Dũng Minh

Nguồn cung lớn chờ “bấm nút”

Việc TP.HCM và nhiều địa phương lân cận thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19 lây lan đã ảnh hưởng tới công tác bán hàng của nhiều doanh nghiệp địa ốc phía Nam suốt thời gian qua. Tuy nhiên, đây cũng là thời gian để doanh nghiệp hoàn thiện một lượng không nhỏ sản phẩm đã chuẩn bị từ trước đó, chờ khi dịch bệnh được kiểm soát để đưa ra thị trường.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Danh Khôi cho biết, theo kế hoạch, đầu quý IV/2021, Tập đoàn sẽ công bố ra thị trường một đại dự án mang tên Takashi Ocean Suite Kỳ Co. Đây là dự án được Danh Khôi đặt nhiều tâm huyết với kỳ vọng trở thành điểm đến du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng hàng đầu theo phong cách Nhật Bản tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Với quy mô diện tích 8,2ha, Takashi Ocean Suite Kỳ Co có 17 block căn hộ và 1 block khách sạn, cao 39 tầng được chia làm 4 phân khu, lấy cảm hứng theo phong cách các thành phố nổi tiếng của Nhật là Sapporo, Kyoto, Osaka, Tokyo.

Tại dự án này, Danh Khôi đặc biệt chú trọng phần thiết kế kiến trúc cảnh quan, hợp tác với đơn vị thiết kế Kume danh tiếng để tạo nên không gian độc đáo, mang đậm bản sắc Nhật với một loạt tiện ích đặc sắc, mô phỏng nét tinh hoa của “xứ sở mặt trời mọc”.

Điểm nổi bật của dự án là các con đường trải nghiệm văn hóa đất nước Phù Tang tại các khu công viên, các tuyến phố đi bộ. Được biết, giá bán dự kiến các sản phẩm của dự án này dao động quanh mức 1,2 – 1,7 tỷ đồng/căn hộ biển sở hữu vĩnh viễn và theo chủ đầu tư, mức giá mềm này khiến hàng ngàn khách hàng nhanh chân “giữ chỗ”, dù chưa chính thức mở bán.

Một đại dự án khác tại bán đảo Phương Mai, TP. Quy Nhơn chuẩn bị “trình làng” thời gian tới là dự án Khu du lịch Hải Giang Merry Land do Tập đoàn Hưng Thịnh làm chủ đầu tư. Với tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, Hải Giang Merry Land có quy mô hơn 623ha, thuộc một phần phân khu 4 và 5, Khu kinh tế Nhơn Hội, xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn. Mục tiêu dự án là xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng trung – cao cấp với phong cách hiện đại, đa dạng và đầy đủ tiện nghi. Dự án bao gồm các khu biệt thự trên đồi, khu căn hộ, nhà hàng chính, khách sạn, trung tâm hội nghị, nhà hàng trên núi, trung tâm giải trí về đêm, công viên văn hóa… và khu sân tập golf 12 lỗ để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước.

Ngoài những cái tên kể trên, theo tìm hiểu còn khá nhiều dự án chỉ chờ ngày kết thúc giãn cách xã hội là đưa hàng ra thị trường, chẳng hạn như Phúc Điền Land đang triển khai một dự án nhà phố tại Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện đã hoàn thiện thủ tục và trong giai đoạn đầu tư xây dựng hạ tầng, dự kiến sẽ sớm chính thức công bố sản phẩm ra thị trường.

Tại Đồng Nai, có khá nhiều dự án lớn đang được đầu tư xây dựng dọc theo các sông Đồng Nai, sông Buông, Sông Trong, trong đó chỉ tính riêng Aqua City do Tập đoàn Novaland đầu tư đã có quy mô lên đến hơn 1.000 ha với hàng ngàn sản phẩm nhà phố, biệt thự thuộc các giai đoạn tiếp theo của dự án sẽ sớm ra mắt thị trường… Hay tại Bình Thuận, nhiều dự án đã hoàn thành thủ tục, đủ điều kiện để chào bán sản phẩm ra thị trường với nguồn cung dự kiến lên đến hàng chục ngàn sản phẩm.

Bất động sản nghỉ dưỡng được dự báo sẽ sớm trở lại
Bất động sản nghỉ dưỡng được dự báo sẽ sớm trở lại. Ảnh: Dũng Minh

Thay đổi để thích ứng

Trao đổi với phóng viên, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cả chủ đầu tư lẫn khách hàng đều thận trọng, song thay vì ngồi chờ, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thay đổi để thích ứng với “bình thường mới”.

Ở góc độ đơn vị môi giới, theo ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Asia New Time, trong giai đoạn giãn cách xã hội, công ty đã tập trung phát triển các công cụ hỗ trợ nhân viên kinh doanh tiếp thị và bán hàng qua kênh online như video, zoom, livestream… Hàng tuần, công ty tổ chức livestream vào khung giờ cố định để chia sẻ thông tin dự án, quy hoạch hạ tầng, cũng như phân tích các cơ hội cũng như rủi ro trong đầu tư để khách hàng nắm bắt.

“Dù chưa đạt kết quả cao như bán hàng trực tiếp, nhưng hình thức bán bất động sản online cũng bắt đầu được đón nhận, nhiều khách hàng sẵn sàng chuyển tiền giữ chỗ chờ đến sau giãn cách sẽ tiến hành giao dịch”, ông Tiến nói và cho rằng, trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, kênh bán hàng online được xem là giải pháp tối ưu và sự quan tâm của khách hàng ngày một tăng qua kênh này cho thấy sức hút của thị trường bất động sản vẫn rất lớn.

Theo đại diện các doanh nghiệp, bên cạnh việc thay đổi cách tiếp cận khách hàng, dịch bệnh cũng làm thay đổi xu hướng thụ hưởng và phát triển sản phẩm bất động sản, trong đó bất động sản nghỉ dưỡng, các mô hình dự án có hệ sinh thái khép kín hay những ngôi nhà vườn ven sông, ven hồ, ven biển… được dự báo sẽ “lên ngôi” trong thời gian tới.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, sau đợt bùng phát dịch lần này, hành vi tiêu dùng trên thị trường bất động sản sẽ có nhiều thay đổi.

“Ở Việt Nam, những người thành đạt thường có ít nhất một tài sản là bất động sản ở các thành phố lớn, song tình trạng quá tải dân số và ô nhiễm môi trường khiến cho ngày càng nhiều người có nhu cầu đi du lịch, nghỉ dưỡng ra ngoài thành phố vào cuối tuần, đặc biệt khi hệ thống đường cao tốc liên tục được mở rộng sẽ giúp việc di chuyển trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn, phù hợp với những kỳ nghỉ ngắn ngày”, ông Tuấn nói và cho rằng, nhu cầu này đang trở nên ngày một thịnh hành, không chỉ đối với những người có kinh tế khá giả, người trẻ thành đạt sớm, mà còn với tầng lớp trung lưu và cả tầng lớp nghỉ hưu có nhu cầu hưởng thụ một lối sống tốt hơn cho sức khỏe./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích