Bài 7: Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc hơn 300 tỷ chưa sử dụng đã xuống cấp

(Xây dựng) – Được khởi công xây dựng từ năm 2012, tuy nhiên đến nay công trình Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc vẫn chưa thể đưa vào sử dụng; trong khi nhiều hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp, nhếch nhác giữa trung tâm thành phố Thái Nguyên.

bai 7 nha hat ca mua nhac dan gian viet bac hon 300 ty chua su dung da xuong cap
Được kỳ vọng là thiết chế văn hóa tiêu biểu, nhưng nhiều năm nay công trình này lại là điểm nhếch nhác nhất giữa trung tâm thành phố Thái Nguyên.

Công trình nhiều kỳ vọng

Dự án xây dựng công trình Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư là 319 tỷ đồng, được kỳ vọng là thiết chế văn hóa tiêu biểu của vùng trung du, miền núi phía Bắc và tỉnh Thái Nguyên. Đây là một trong số rất ít tỉnh, thành trong cả nước (như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh) có công trình nhà hát.

Qua 3 lần thi tuyển, lựa chọn các phương án kiến trúc, phương án thiết kế nhà hát của Công ty Cổ phần tư vấn Công nghệ xây dựng và Kiến trúc Á Châu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn, phê duyệt đầu tư.

Theo các nhà chuyên môn, phương án kiến trúc này thể hiện được giá trị truyền thống và tính hiện đại, phù hợp với các mục tiêu chủ đầu tư đặt ra. Khi hoàn thành, nhà hát mang tầm vóc của một công trình kiến trúc văn hóa cấp vùng, đồng thời là một công trình kiến trúc văn hóa đa năng, có phòng biểu diễn chính, 2 phòng biểu diễn nhỏ và không gian cho việc trưng bày các đặc trưng văn hóa vật thể và biểu diễn các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian vùng miền.

Theo thiết kế được giới thiệu: Điểm nhấn của công trình là những hình ảnh của ruộng bậc thang, cọn nước, vòm mái cong uốn lượn tượng trưng cho dòng suối mát lành của thượng nguồn Việt Bắc chảy mãi với thời gian.

Với mật độ xây dựng 45% trên tổng số 10.097m2 đất được cấp, công trình là một thiết chế văn hóa hoành tráng, có kết cấu phức tạp và hình thức kiến trúc nổi bật đặc trưng. Hệ vách kính nghiêng tạo điểm nhấn khác biệt cho công trình đã được các kỹ sư thiết kế và thi công với những kỹ thuật rất phức tạp, chính xác, đặc biệt là hình tượng cọn nước được đặt trên Thiên kiều (khoang treo) có cấu trúc bằng thép ống. Cọn nước là một phần biểu tượng đặc trưng cho vùng Việt Bắc, với vòm mái lượn cong tượng trưng cho dòng suối của vùng cao.

Bên ngoài, bậc thang lên xuống cho khán giả cũng được thiết kế lấy cảm hứng từ những thửa ruộng bậc thang của vùng núi. Bao quanh, phía ngoài sân khấu biểu diễn chính là khu làm việc gồm 3 tầng dành cho việc quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống nhà hát với các phòng, kho trang phục, khu hóa trang diễn viên, khu tiếp khách trước giờ biểu diễn, cùng đại sảnh có thể chứa hàng nghìn người cùng lúc. Tầng hầm, dưới khu đại sảnh được thiết kế xây dựng làm một khu vực rộng có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

Tòa nhà gồm phòng biểu diễn chính 1.200 chỗ, 2 phòng hội nghị, hội thảo mỗi phòng 200 chỗ, cùng với khán phòng sân khấu lớn, các dầm dự ứng lực được áp dụng cho việc thi công theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Hệ thống điều hòa, thông gió gồm một tổ hợp phức tạp trong thiết kế, thi công, với những trang thiết bị hiện đại được nhập khẩu từ Malaysia. Có tổng cộng 4 tổ máy với 48 máy nén khí công suất lớn cung cấp không khí lạnh cho 3 khu vực chính của nhà hát, trên 40 máy điều hòa cục bộ cho các phòng, khu làm việc khác của rạp. Hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại của Nhà hát được sản xuất từ Italia, với những trang bị kỹ thuật tiên tiến. Chính bởi vậy, công trình được xây dựng ngay đường Hoàng Văn Thụ, tuyến đường trung tâm, rộng nhất, đông người dân qua lại ở trung tâm thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2013.

Còn nhớ, năm 2014, khi phản ánh về những vấn đề liên quan đến chậm tiến độ, lãng phí trong xây dựng công trình văn hóa này, ông Dương Ngọc Long – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên lúc bấy giờ đã điện thoại trực tiếp cho phóng viên Báo điện tử Xây dựng thể hiện mối quan tâm, chia sẻ với kỳ vọng của địa phương về một công trình mang lại sự tươi mới, điểm nhấn kiến trúc – văn hóa cho thành phố và tỉnh Thái Nguyên.

Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều lần gia hạn kể cả việc chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng, đổi nhà thầu, công trình Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc vẫn chưa hoàn thành, hàng ngày qua lại vẫn chỉ thấy hàng rào tôn quây kín chung quanh trông nhếch nhác.

bai 7 nha hat ca mua nhac dan gian viet bac hon 300 ty chua su dung da xuong cap
Cổng, rào đã hoàn tất xây dựng nhưng nhiều năm nay vẫn be bịt bằng những miếng tôn rẻ tiền.

Chưa sử dụng đã có dấu hiệu xuống cấp

Tìm hiểu, chúng tôi được biết: Dự án xây dựng Nhà hát dân gian Việt Bắc do Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2012, với tổng số 21 gói thầu. Do không có chuyên môn và kinh nghiệm quản lý đầu tư xây dựng cơ bản nên Nhà hát dân gian Việt Bắc ủy quyền cho Công ty Cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng Conico làm đại diện chủ đầu tư quản lý dự án.

Mặc dù đã cơ bản hoàn thành xây dựng, nhưng đến thời điểm chúng tôi thực hiện bài viết này (tháng 3/2022) công trình văn hóa giữa trung tâm thành phố Thái Nguyên vẫn bị quây kín bằng những tấm tôn rẻ tiền, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân trong khu vực và mất mỹ quan đô thị khu trung tâm thành phố Thái Nguyên.

bai 7 nha hat ca mua nhac dan gian viet bac hon 300 ty chua su dung da xuong cap
Công trình xuống cấp ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân trong khu vực và mất mỹ quan đô thị khu trung tâm thành phố Thái Nguyên.

Trong khi đó, tiếp cận phía bên trong công trình nhìn bằng mắt thường, phóng viên Báo điện tử Xây dựng cũng đã có thể nhận ra sự thiếu quan tâm, chăm sóc công trình của chủ đầu tư; đặc biệt là dấu hiệu xuống cấp của nhiều hạng mục xây dựng như cỏ mọc khắp khuôn viên, sơn tường bên ngoài phần lớn đã bị phồng rộp. Một số mảng tưởng đã có dấu hiệu nứt… Hệ thống hàng rào, cổng inox bị cỏ mọc lấn át. Các thiết bị như màn hình ngoài trời, hệ thống âm thanh, ánh sáng trong nhà, mô tơ cổng nhiều năm không được sử dụng nhiều loại đã hỏng.

bai 7 nha hat ca mua nhac dan gian viet bac hon 300 ty chua su dung da xuong cap
Cỏ mọc lút đầu người ngay lối vào của cổng chính.

Chia sẻ với báo chí, đại diện Nhà hát dân gian Việt Bắc cho biết: Đến cuối năm 2020, dự án cơ bản hoàn thành toàn bộ khối công trình và giải ngân vốn đầu tư theo quy định. Nguyên nhân chủ yếu khiến công trình kéo dài thời gian thi công là do nhà thầu xây lắp tòa nhà không đủ năng lực và giải phóng mặt bằng chậm, đầu năm 2020 mới hoàn thành toàn bộ khâu giải phóng mặt bằng.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Hoàng Đức Khánh – Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên thông tin: Theo quy định, sau khi dự án hoàn thành, chủ đầu tư phải hoàn thiện hồ sơ để Sở nghiệm thu và cấp phép cho phép đưa vào khai thác, sử dụng. Đến nay, Sở Xây dựng vẫn chưa nhận được hồ sơ của chủ đầu tư dự án.

Trước thực tế trên, chúng tôi cho rằng: Kể cả khi nhận được hồ sơ xin cấp phép của chủ đầu tư dự án thì Sở Xây dựng cũng chưa thể đồng ý đưa Nhà hát dân gian Việt Bắc vào sử dụng ngay được nếu như các hạng mục công trình đã, đang xuống cấp, hỏng hóc không được sửa chữa. Vấn đề buộc phải giải quyết là: Kinh phí ở đâu? Trách nhiệm thuộc về ai bởi sự lãng phí này?

bai 7 nha hat ca mua nhac dan gian viet bac hon 300 ty chua su dung da xuong cap
Dấu hiệu xuống cấp của nhiều hạng mục xây dựng như cỏ mọc khắp khuôn viên, sơn tường bên ngoài phần lớn đã bị phồng rộp.

Bên cạnh đó, cũng cần nói thêm đến vấn đề mà từ lâu dư luận đang quan tâm là khi Nhà hát dân gian Việt Bắc có quy mô lớn được đưa vào sử dụng với hệ thống âm thanh, ánh sáng, điều hòa nhiệt độ, trang thiết bị hiện đại, phức tạp, mỗi khi vận hành là rất tốn kém được phát huy như thế nào, mỗi tháng “đỏ đèn” được mấy buổi trong bối cảnh hiện nay người dân không mặn mà với văn hóa dân gian. Liệu công trình văn hóa vốn được kỳ vọng này sẽ trở thành điểm cho thuê cho các sự kiện ca nhạc, cưới hỏi…?

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích