Đề xuất thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa

(Xây dựng) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

de xuat thi diem co che chinh sach dac thu phat trien tinh khanh hoa
Ảnh minh hoạ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xác định Khánh Hòa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra yêu cầu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Khánh Hòa nhanh và bền vững, để đến năm 2030 “là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao…”.

Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là cần thiết, nhằm thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển nêu trong Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, khắc phục những hạn chế, yếu kém và tạo cơ chế đột phá để huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần đạt được các mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra.

Cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước

Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa (gọi là Tỉnh) về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, môi trường, đầu tư; tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế Vân Phong và phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tại tỉnh Khánh Hòa.

Về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, dự thảo Nghị quyết đề xuất:

Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Tỉnh không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Tỉnh so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (phần còn lại sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định tại khoản 4 Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 59/2020/QH14) và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% quy định tại các điểm b, c, d, g, h, i, và q khoản 1 Điều 35 của Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 59/2020/QH14 so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu. Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu.

Tỉnh Khánh Hòa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Tỉnh Khánh Hòa được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.

Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tại tỉnh Khánh Hòa

Dự thảo Nghị quyết nêu rõ: UBND tỉnh Khánh Hòa giao khu vực biển để nuôi trồng thuỷ sản trên biển (gọi là nuôi biển) và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam trong khu vực biển ngoài 6 hải lý, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý, thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Khánh Hòa.

Miễn tiền sử dụng khu vực biển cho hoạt động nuôi biển của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động nuôi biển ngoài vùng biển 6 hải lý, vùng biển nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động nuôi biển của tổ chức có hoạt động nuôi biển ngoài vùng biển 6 hải lý, vùng biển nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý.

Miễn tiền sử dụng khu vực biển cho hoạt động nuôi biển 10 năm đầu và giảm 50% cho thời gian còn lại đối với hoạt động nuôi biển của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động nuôi biển trong vùng biển 3-6 hải lý. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 10 năm đầu và giảm 50% cho thời gian còn lại đối với hoạt động nuôi biển của tổ chức có hoạt động nuôi biển trong vùng biển 3-6 hải lý.

Miễn lệ phí trước bạ đối với tàu, thuyền đăng ký tại tỉnh Khánh Hòa để phục vụ trực tiếp cho hoạt động nuôi biển.

Nghị quyết dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/8/2022 và được thực hiện trong 05 năm.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích