Đà Nẵng: Mở cửa bầu trời quốc tế, mở cửa du lịch
(Xây dựng) – Sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19, ngày 27/3/2022, sắp tới hai chuyến bay từ Singapore và Bangkok, Thái Lan sẽ hạ cánh tại Đà Nẵng chính thức nối lại các đường bay quốc tế đến với Đà Nẵng, mở ra cánh cửa cho ngành Du lịch tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.
Sun World Ba Na Hills một trong những điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến Đà Nẵng. |
Tại cuộc họp xúc tiến các đường bay quốc tế để góp phần phục hồi kinh tế du lịch ngày 17/2/2022, đến nay đã có 9 hãng hàng không mở lại 10 đường bay quốc tế trực tiếp tới Đà Nẵng, cụ thể: 02 chuyến bay đầu tiên Singaore – Đà Nẵng của Singapore Airlines và Băng Cốc (Thái Lan) – Đà Nẵng của Hãng Thái Vietjet khai thác vào ngày 27/3/2022. Ngoài ra, còn có các đường bay Kuala Lumpur (Malaysia) – Đà Nẵng và Băng Cốc (Thái Lan) – Đà Nẵng của Air Asia (dự kiến 1/4), Singapore – Đà Nẵng của Jetstar Asia (dự kiến 10/4), Singapore – Đà Nẵng của Vietnam Airlines (15/4), Incheon (Hàn Quốc) – Đà Nẵng của Vietjet Air, Jeju Air và Jin Air (tháng 4/2022). Trong đó đặc biệt có đường bay mới kết nối Đà Nẵng với New Dehli (Ấn Độ) do Hãng Vietjet Air khai thác từ tháng 9/2022 để mở ra thị trường quốc tế mới, thị trường Ấn Độ, cho du lịch Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết: Ngay trong năm 2022, Đà Nẵng kỳ vọng sẽ khôi phục hàng không như thời điểm trước Covid-19 với 31 đường bay quốc tế, đặc biệt làm việc chặt chẽ với Qatar Airways để đưa đường bay Doha (Qatar) – Đà Nẵng quay lại hoạt động, một đường bay quan trọng để kết nối Đà Nẵng với các thị trường Trung Đông và châu Âu. Đồng thời, Sở Du lịch tiếp tục xúc tiến các đường bay mới tiềm năng theo kế hoạch trước đây như đường bay đến Jakarta (Indonesia), Cebu (Philippines)… để kết nối Đà Nẵng với các trung tâm tài chính, thương mại, du lịch trong khu vực và quốc tế”.
Để cụ thể hóa chiến lược xúc tiến các hãng hàng không quốc tế mở đường bay tới Đà Nẵng, thành phố đang phối hợp chặt chẽ với Informa Routes, Vương quốc Anh và IPP Group đăng cai tổ chức Diễn đàn phát triển mạng đường bay châu Á vào tháng 6/2022 với sự tham gia của nhiều hãng hàng không và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch hàng không trong khu vực và thế giới.
Cùng với chủ trương mở cửa đón khách quốc tế, từ ngày 15/3/2022 các khu du lịch của Đà Nẵng cũng chính thức mở cửa chào đón khách du lịch trong nước và quốc tế. Đưa vào hoạt động thí điểm chương trình “Phố đêm biển Mỹ An”, tuyến phố đi bộ Bạch Đằng – cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo (giai đoạn 1); Khu phức hợp vui chơi giải trí nghỉ dưỡng Mikazuki, tổ chức thí điểm các dịch vụ du lịch nông nghiệp tại Hòa Vang. Nâng cấp và tổ chức thêm các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí mới lạ tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài…
Ngày 18/3, Sun World Ba Na Hills cũng đã chính thức đón khách trở lại với hạng mục và trải nghiệm mới độc đáo. Đồng thời, khu du lịch cũng hé lộ nhiều kế hoạch đặc biệt cho giai đoạn mở rộng trong tương lai, đưa “át chủ bài” của Đà Nẵng trở thành “thế cạnh tranh đặc biệt” của thủ phủ du lịch miền Trung trong cuộc đua trở lại ngôi vương.
Chia sẻ về kế hoạch mở cửa, ông Nguyễn Lâm An – Giám đốc Khu du lịch Sun World Ba Na Hills cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng và có sự đầu tư lớn cho giai đoạn mới ngay trong quãng thời gian ngừng đón khách. Sun World Ba Na Hills đã sẵn sàng trở lại, đồng hành cùng sự hồi sinh của thành phố Đà Nẵng, với một phiên bản mới vượt trội cả về chất và lượng”.
Sun World Ba Na Hills từ lâu đã là điểm đến thu hút lượng khách lớn đến Đà Nẵng, khi Bà Nà Hills mở cửa trở lại, chắc chắn sẽ góp phần tạo cú hích lớn cho du lịch Đà Nẵng phục hồi và bứt phá. Và khi Bà Nà Hills hoàn thiện những sản phẩm, dịch vụ mà họ đang ấp ủ, triển khai, không chỉ du khách trong nước, mà ngay cả du khách quốc tế đến Đà Nẵng cũng sẽ phải ngưỡng mộ, thán phục và hài lòng.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch đối với hoạt động du lịch trong giai đoạn thích ứng linh hoạt, Đà Nẵng đã triển khai nhiều công tác chuẩn bị cho việc phục vụ du khách. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tiện nghi, ổn định chất lượng dịch vụ; triển khai ứng dụng chuyển đổi số, dịch vụ “không tiếp xúc” trong phục vụ khách. Về nguồn nhân lực phục vụ du lịch đã hoàn thành tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 cho lao động ngành du lịch. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ phục vụ khách, bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp, chuẩn an toàn trong hoạt động du lịch, các biện pháp và quy trình phòng chống dịch COVID-19, xử lý sự cố y tế trong hoạt động du lịch để thích ứng linh hoạt trong tình hình mới.
Nguồn: Báo xây dựng