Nên “siết” lại đối tượng được ra đường và xử phạt nghiêm minh!
Vi phạm chưa thuyên giảm
Có một vấn đề đặt ra trong những ngày đầu của lần giãn cách xã hội thứ hai, lực lượng thực thi pháp luật đã tiến hành xử phạt hành chính các đối tượng ra đường không đúng quy định, lý do không chính đáng khá nhiều, số tiền xử phạt cũng khá lớn, nhưng tại sao lượng người ra đường vẫn tương đối nhiều?
Đơn cử, ngày 7/8, Công an thành phố Hà Nội thông tin, tại 23 chốt kiểm soát các cửa ngõ ra vào thành phố đã kiểm soát 26.317 lượt phương tiện (trong đó 164 lượt phương tiện vận tải hành khách) với 28.81 lượt người qua chốt; lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 842 trường hợp, với số tiền xử phạt gần 1,3 tỷ đồng.
Tiếp đó, ngày 10/8, lực lượng chức năng đã kiểm soát 11.847 lượt phương tiện (trong đó 110 lượt phương tiện vận tải hành khách) với 16.175 lượt người qua chốt; xử phạt vi phạm hành chính 1.012 trường hợp, số tiền xử phạt lên đến trên 1,5 tỷ đồng.
Còn từ 11h00’ ngày 11/8/2021 đến 11h00’ ngày 12/8/2021 lực lượng chức năng đã phát hiện, xử phạt 685 trường hợp, trong đó chủ yếu là vi phạm không thực hiện biện pháp cách ly, tập trung đông người, ra khỏi nhà khi không cần thiết, đeo khẩu trang không đúng quy cách…
Xung quanh vấn đề này, một số người cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan, thì yếu tố chủ quan là chế tài xử phạt còn nhẹ; việc xử lý đối tượng vi phạm nhiều lúc, nhiều nơi còn chưa nghiêm. Vẫn biết, theo quy định 16 mức xử phạt vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19 với mức phạt tiền cao nhất là 200 triệu đồng, mức phạt tù tối đa 20 năm là nghiêm minh, nhưng vẫn cần tăng hơn nữa với khung phạt ra đường sai quy định, lý do không chính đáng để người dân thật sự biết “sợ”!
Bà Lê Khánh Giang, Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm cho rằng, nên thu hẹp, siết lại đối tượng được ra đường. |
Từ thực tiễn tại cơ quan hành chính cấp phường, bà Lê Khánh Giang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng cho hay, từ đầu đợt giãn cách thứ nhất đến nay, các lực lượng chức năng phường Đồng Tâm đã xử phạt 154 trường hợp vi phạm, phạt tiền 206 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu hiện nay là ra đường không có lý do chính đáng, giấy tờ thiết yếu.
Tuy nhiên, khi bàn về các quy định xử phạt vi phạm hiện hành, bà Giang lại có góc nhìn khác. Theo Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm, nếu tăng nặng mức xử phạt, thì sự răn đe sẽ tốt hơn, nhưng phải nhìn nhận thực tế, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nếu phạt tăng, thì càng khó khăn hơn. Bởi thế, bà Giang đề nghị, nên tăng cường công tác kiểm duyệt, trực chốt, mỗi địa phương, đơn vị nên có chốt chặn cứng tại các cửa ngõ giáp ranh giữa các phường để tiện quản lý. Còn các tuyến giao thông chính thì công an chốt để kiểm soát.
Chốt kiểm soát vào các khu chung cư trên địa bàn phường Phúc Đồng. |
“Đi lại khó khăn thì người dân sẽ nâng cao ý thức lưu thông hơn. Nên thu hẹp, siết lại đối tượng được ra đường, được đi làm để giảm thiểu số người được ra đường”, bà Giang nói. Để nâng cao ý thức chấp hành cho người dân, phường Đồng Tâm thực hiện tuyên truyền trên loa truyền thanh 6 lần/ngày, ngoài ra, Công an phường thường xuyên tuyên truyền lưu động, nhắc nhở bà con.
Cần có phương án kiểm soát phù hợp
Còn bà Phạm Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Đồng, quận Long Biên cho biết, đến nay, phường Phúc Đồng đã xử phạt 60 trường hợp, với số tiền phạt khoảng 160 triệu đồng. Theo bà Hằng, các mức phạt vi phạm phòng, chống dịch Covid-19 hiện hành là cao, đủ sức răn đe.
“Vấn đề quan trọng hiện nay là phải kiểm soát chặt, tuyên truyền cụ thể, thường xuyên nhắc nhở để người dân tự giác chấp hành. Tôi nghĩ rằng, mỗi phường, xã, tùy tình hình cụ thể, cần có phương án kiểm soát phù hợp”, bà Hằng nói.
Bà Phạm Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Đồng tặng quà cho cán bộ, công chức trực chốt kiểm soát. |
Tại phường Phúc Đồng có khoảng 6.000 người dân ở các chung cư, phường tổ chức chốt kiểm soát ở các cổng, chỉ những người có giấy ra đường đúng qui định mới được ra vào. Hôm đầu tiên, chốt khoảng 1 tiếng ở cổng, chúng tôi xử phạt 14 trường hợp ra đường không đúng quy định, sau đó người dân chấp hành tốt hơn hẳn.
Để thuận lợi cho việc mua bán, giao hàng của cư dân, chúng tôi bố trí một số bàn để giao nhận hàng hóa, sắp xếp cách nhau 2m, yêu cầu những người đến giao hàng để lần lượt trên bàn, người nhận cũng xếp hàng tương tự rồi xác nhận với nhau, thanh toán qua chuyển khoản chứ không tiếp xúc trực tiếp.
Đáng quan tâm, bà Hằng cho hay, đến thời điểm hiện nay gần như không còn các vi phạm đi tập thể dục, đi dạo… nhưng lại xuất hiện tình trạng “shipper giả”. Họ dùng một số điện thoại, đặt tên là “Sở Giao thông vận tải”, sau đó nhắn tin vào số điện thoại khác với nội dung xác nhận của “Sở Giao thông vận tải” là shipper đủ điều kiện đi giao hàng. Nếu các chốt cứ nhìn thấy tin nhắn xác nhận có tên “Sở Giao thông vận tải” gửi đến trong điện thoại của các shipper mà không kiểm tra kỹ là sẽ cho qua…
“Chúng tôi thử lại bằng cách gửi tin nhắn lại cho số điện thoại được lưu là “Sở Giao thông vận tải” này, nếu tin nhắn gửi đi được thì đây là giả mạo. Nói chung, mỗi phường, xã phải nỗ lực kiểm soát tốt được địa bàn mình, thì chủ trương giãn cách của thành phố mới đạt hiệu quả”, bà Hằng nói.
Luật sư Nguyễn Minh Long cho rằng, nên tuyên truyền rộng rãi về các mức xử phạt để răn đe. |
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Luật TNHH Dragon (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nhìn nhận, việc tăng cường xử phạt vi phạm phòng, chống dịch Covid-19, nhất là tại các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội là hết sức cần thiết.
Theo luật sư Nguyễn Minh Long, biện pháp lập chốt, kiểm tra lý do ra đường và tiến hành xử phạt kịp thời các trường hợp vi phạm, chống đối đang đem những kết quả tích cực, góp phần giúp Hà Nội kiểm soát được tình hình ổn định, không gia tăng chóng mặt như các tỉnh, thành phía Nam. Phải phạt nghiêm để người dân biết “sợ” mà chấp hành, bởi vì sự tự giác tuân thủ của mỗi người là một mắt xích rất quan trọng để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
“Có ý kiến cho rằng nên tăng nặng mức phạt để răn đe tốt hơn, nhưng việc điều chỉnh mức phạt sẽ kéo theo rất nhiều công việc phát sinh cần giải quyết, cho nên theo tôi, việc cần làm hiện nay là tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định xử phạt đã có. Riêng những vi phạm có dấu hiệu hình sự cần chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh, điều tra luôn và tuyên truyền rộng rãi để răn đe, làm gương cho người khác”, luật sư Nguyễn Minh Long nói.
Ai cũng mong cuộc sống sớm trở lại bình thường, và ngày đó đến nhanh hay chậm phụ thuộc vào chính ý thức của mỗi người, từ đó hình thành nên ý thức của cả cộng đồng! Nhưng một khi ý thức bị lấn át bởi những “toan tính” cho những công việc không cần thiết thì không cách nào khác phải xử phạt nghiêm minh.
Nguồn: Báo lao động thủ đô