Cẩn trọng khi đầu tư đất vùng quê

Giá đất tại các thành phố lớn đắt đỏ nên nhiều nhà đầu tư (NĐT) nhỏ thay đổi cuộc chơi, chọn “săn” đất tại các vùng nông thôn vì số vốn bỏ ra đầu tư không lớn. Tham gia vào phân khúc bất động sản (BĐS) này, một số NĐT thu lãi lớn, nhưng cũng không ít người ôm “quả đắng” vì bị chôn vốn, thậm chí thua lỗ.

Về quê “tậu” đất

Chị Nguyễn Thị Hương (ngụ quận 2, TP.HCM) vừa mua được lô đất hơn 3.000m2
tại huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) với giá 35 triệu đồng/mét ngang. Theo chị Hương, tuy lô đất ở nơi xa xôi, hẻo lánh nhưng được ưu điểm là gần biên giới, còn vẻ đẹp hoang sơ, quan trọng là giá rẻ, không sợ bị mua hớ và không lo mua nhầm giá ảo. “Tạm thời tôi chưa làm gì với khu đất này, nhưng biết đâu sau này khu cửa khẩu phát triển, giá đất tại khu vực này có thể tăng gấp đôi, gấp ba”, chị Hương kỳ vọng.

Đầu năm 2021, khi một số địa phương quay cuồng trong cơn “sốt” đất, chị Hằng (ngụ quận 12, TP.HCM) đã quyết định mua lô đất nông nghiệp 500m2 ở huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) với giá gần 1 tỷ đồng. Cuối năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, chị Hằng quyết định bán mảnh đất của mình. Lúc này, chị Hằng tìm hiểu thị trường mới phát hiện, 980 triệu đồng cho lô đất 500m2, tính ra gần 2 triệu đồng/m2 là giá của thời điểm “sốt”. Hiện tại, đất nông nghiệp ở khu vực chị mua, giá thị trường chỉ khoảng 1 triệu đồng/m2.

t10.1.jpg

Nhiều nhà đầu tư lựa chọn đầu tư đất ở các vùng quê (Ảnh minh họa)

Câu chuyện đầu tư đất nền của chị Hương, chị Hằng như trên cũng chính là xu hướng của không ít NĐT “F0” tham gia vào thị trường BĐS trong những tháng đầu năm 2022. Hiện tại, một thực tế rất rõ, đó là các NĐT không còn mặn mà với các sản phẩm BĐS, trong đó có đất nền ở khu vực trung tâm thành phố lớn mà chọn những vùng quê, mặt bằng giá đất còn thấp, khả năng tăng giá cao để tham gia đầu tư.

Cần cân nhắc kỹ

Theo các chuyên gia, hiện tại, quỹ đất khu vực trung tâm TP.HCM đang dần cạn kiệt, khiến nguồn cung BĐS ngày càng trở nên khan hiếm. Bên cạnh đó, giá đất tại TP.HCM ngày càng tăng cao, không còn phù hợp với các NĐT nhỏ lẻ có nguồn vốn mỏng. Do đó, nhiều NĐT đã có xu hướng chuyển dịch về các tỉnh vùng ven tìm cơ hội đầu tư mới từ đất. Bởi giá đất tại các khu vực này vẫn tương đối rẻ, với số vốn nhỏ, họ vẫn dễ dàng sở hữu một mảnh đất với diện tích rộng, gần trục đường lớn.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, thật ra, xu hướng chuyển dịch về các tỉnh vùng ven tìm cơ hội đầu tư từ đất không có gì mới. Những năm trước, khi thị trường BĐS TP.HCM phát triển mạnh do nguồn cung, hạ tầng phát triển thì những thị trường lân cận như: Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bình Phước… vẫn còn mờ nhạt. Hiện TP.HCM do khan hiếm về nguồn cung, tất yếu sẽ có sự dịch chuyển. Nơi nào có quỹ đất tốt, giá cả phù hợp thì sẽ được NĐT lựa chọn.

“NĐT cần xác định rõ, mua đất tại vùng quê cần thời gian dài, bởi việc lướt sóng trong thời gian ngắn có lãi cao là không thể. Trước khi xuống tiền, NĐT cũng cần xem xét đến yếu tố phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương đó. Bởi cũng có trường hợp mua đất nông thôn, dù vốn bỏ ra thấp nhưng sau nhiều năm NĐT vẫn không thể bán được do hoạt động mua bán ở địa phương này không sôi động”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM nhận định, thị trường BĐS năm 2022 sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách. Song, nhà đất vẫn là kênh được nhiều NĐT lựa chọn và là hướng trú ẩn an toàn trong bối cảnh như hiện nay. Dịch chuyển về vùng ven vẫn là xu hướng đầu tư dẫn dắt của thị trường BĐS trong năm nay. “Thực tế cho thấy, vùng ven là nơi khởi phát cho những cơn sóng đất chớp nhoáng chạy theo thông tin mập mờ về các dự án hạ tầng giao thông, những khu đô thị chỉ mới là đề xuất của các ông lớn BĐS. Những cơn sóng đất này gây sát thương cực lớn cho những người mua, NĐT thiếu kinh nghiệm” – ông Châu phân tích thêm.

Bạn cũng có thể thích