Hiệu quả từ Đề án Bệnh viện vệ tinh tại Long An

Hiệu quả từ Đề án Bệnh viện vệ tinh tại Long An

Đề án Bệnh viện vệ tinh 1816 phát huy hiệu quả tại các bệnh viện ở tỉnh Long An, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ, từ đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, góp phần giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên.

Nâng cao chất lượng đội ngũ y, bác sĩ

Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười – BS Chung Văn Kiều, thực hiện Đề án 1816, bệnh viện nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình về chuyên môn, kỹ thuật,… từ đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện tuyến trên như: bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh việnTrưng Vương, bệnh viện Đa khoa Long An,… Từ đó, đội ngũ y, BS được nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần cùng bệnh viện thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật phức tạp: Mổ nội soi, mổ mắt kỹ thuật cao phaco,… Đặc biệt, nhiều bệnh nhân được chạy thận nhân tạo tại đây thay vì phải lên các BV tuyến trên như trước. bệnh viện có kế hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ y, BS trong thời gian tới. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng mới bệnh viên Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười, khi hoàn thành sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) của người dân. 

Những năm qua, công tác KCB tại BV Đa khoa Long An không ngừng được nâng cao. Từ chất lượng đội ngũ y, bác sĩ cho đến cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ tốt hơn nhu cầu KCB của người dân. Những “trái ngọt” này có một phần đóng góp không nhỏ từ Đề án 1816. Phó Giám đốc BV Đa khoa Long An – Mai Văn Dũng cho hay: Đề án 1816 được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo nên nhân lực, trang thiết bị được đầu tư đồng bộ. Không chỉ đội ngũ của BV luân phiên hỗ trợ các BV trong cùng địa phương mà chúng tôi còn được sự hỗ trợ từ nhiều lượt cán bộ, y, BS từ các tuyến trên như: BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Dược, BV Nhi đồng, BV Mắt TP.HCM,… đến “cầm tay chỉ việc”. Nhờ đó, đội ngũ y, BS của đơn vị tiếp cận, làm chủ được nhiều kỹ thuật chuyên môn cao, nhất là ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong khám, điều trị bệnh, khám sàng lọc bệnh, hội chẩn trước khi phẫu thuật, kỹ năng phẫu thuật, cách chăm sóc bệnh nhân hậu phẫu thuật, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh,…

“Riêng năm 2020, từ Đề án 1816, BV Đa khoa Long An hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa khu vực Cần Giuộc thực hiện chạy thận nhân tạo, phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức (truyền máu tại giường bệnh). BV Răng Hàm Mặt Trung ương hỗ trợ đơn vị phẫu thuật bờ ngoài ổ mắt (1 ca), gò má (1 ca). BV gửi đào tạo nhân lực tại BV Chợ Rẫy: Gói Nội Tim mạch (2 BS), gói Rối loạn nhịp (1 BS), gói Tim mạch can thiệp (1BS). 

Đối với việc chuyển giao kỹ thuật tại chỗ, BV Chợ Rẫy đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn (6 ca), đặt máy tạo nhịp tạm thời (3 ca), phẫu thuật ngoại niệu (5 ca), phẫu thuật nội soi cắt túi mật (9 ca), phẫu thuật nối mật ruột bên – bên (1 ca), chuyển giao kỹ thuật (hồi sức cấp cứu tim mạch, Holter điện tâm đồ (ECG) và Holter huyết áp (HA), điện tâm đồ (ECG) với nghiệm pháp gắng sức (2 đợt); BV Chấn thương Chỉnh hình phẫu thuật cố định cột sống bằng vít qua cuống, thay nhân đệm, giải phóng thần kinh (9 ca), phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước (15 ca)” – BS Mai Văn Dũng cho biết.

Phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh

Từ Đề án 1816, BV Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười lần đầu tiên (năm 2016) thực hiện việc chạy thận nhân tạo. Điều này đáp ứng nguyện vọng của người bệnh, giúp người bệnh tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại và quan trọng hơn nữa là bảo đảm được sức khỏe khi không phải di chuyển nhiều như trước.

Anh Trần Đình Hoàng (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) chia sẻ: “Tôi mắc bệnh suy thận, nhiều năm phải chạy thận ở BV Chợ Rẫy. Mỗi tuần, tôi chạy thận từ 2-3 lần. Gia đình ở khu vực biên giới nên việc di chuyển khó khăn, tốn nhiều thời gian và chi phí. Nhiều lúc vì sức khỏe không tốt, tôi phải thuê trọ ở lại để chạy thận. Kể từ khi BV Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười thực hiện việc chạy thận, tôi chuyển hẳn về đây để điều trị. Nhờ vậy, tôi tiết kiệm được chi phí, thời gian. Ngoài ra, đội ngũ BS nhiệt tình, máy móc hiện đại nên tôi cũng an tâm”. 

Bà Nguyễn Thị Huyền (ấp Bình Thạnh, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) nói: “Năm 2019, tôi chẳng may mắc bệnh khá nặng, được đội ngũ BS BV Chợ Rẫy và BV Đa khoa Long An phẫu thuật kịp thời nên hiện tại sức khỏe tạm ổn. Tôi nhận thấy, đội ngũ y, BS cũng như cơ sở vật chất tại BV Đa khoa Long An ngày càng được cải thiện, phục vụ tốt hơn nhu cầu KCB của người dân”. 

3

Đề án 1816 giúp Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười thực hiện chạy thận nhân tạo

Giám đốc Sở Y tế – Huỳnh Minh Phúc thông tin: Đề án 1816 tại địa bàn Long An phát huy được hiệu quả. Nhiều ca phẫu thuật, chữa bệnh khó, phức tạp được đội ngũ y, BS tỉnh nhà thực hiện thành công, tạo được niềm tin, giúp giảm chi phí và thời gian cho người bệnh khi không phải chuyển viện lên các BV tuyến trên tại TP.HCM. Nhờ đó, các BV tuyến trên cũng giảm được áp lực quá tải. 

Bên cạnh đó, việc luân phiên, cử cán bộ chuyên môn từ BV tuyến trên về hỗ trợ BV tuyến dưới và tiếp nhận đội ngũ y, BS từ các BV Trung ương về hỗ trợ cũng thường xuyên được thực hiện trên địa bàn. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn nâng cao chất lượng KCB cho người dân, tạo điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ y tế tại cơ sở được tốt hơn, thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Ngành Y tế tiếp tục duy trì và vận dụng linh hoạt, sáng tạo các kế hoạch thực hiện đề án theo điều kiện của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu KCB tốt hơn cho người dân trên địa bàn.

“Đề án 1816 tại địa bàn Long An phát huy được hiệu quả. Nhiều ca phẫu thuật, chữa bệnh khó, phức tạp được đội ngũ y, bác sĩ tỉnh nhà thực hiện thành công, tạo được niềm tin, giúp giảm chi phí và thời gian cho người bệnh khi không phải chuyển viện lên các bệnh viện tuyến trên tại TP.HCM. Nhờ đó, các bệnh viện tuyến trên cũng giảm được áp lực quá tải”, Giám đốc Sở Y tế Long An, Huỳnh Minh Phúc đánh giá.

Bạn cũng có thể thích