Khám phá nét độc đáo của nhà trình tường của người Mông ở Si Ma Cai
(Xây dựng) – Nhà trình tường là một nét văn hóa độc đáo của người dân tộc Mông. Những công trình này không chỉ góp phần làm đẹp cho vùng rừng núi phía Bắc mà còn thể hiện rõ kỹ thuật xây nhà của người dân để thích nghi với địa hình và khí hậu trên vùng cao.
Nhà trình tường là ngôi nhà truyền thống của người dân tộc Mông sinh sống tại huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai.
Thôn Mào Sao Phìn, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai vẫn còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà trình tường truyền thống độc đáo của người Mông. 91% dân số xã Sín Chéng là người Mông và sống trong nhà trình tường.
Một trong những ngôi nhà trình tường lâu đời nhất tại thôn Mào Sao Phìn với tuổi đời khoảng 50 năm. Ngôi nhà hiện là nơi sinh sống của 4 thế hệ.
Nhà trình tường được làm từ những vật liệu có sẵn trong tự nhiên là đất sét, gỗ và tre nứa. Trong đó, đất dùng xây nhà trình tường phải là đất tốt, mịn, không lẫn đá, sỏi và có độ kết dính cao. Người Mông dùng ván gỗ ghép thành khuôn, đổ đất sét vào trong khuôn rồi dùng chày giã để tạo độ kết dính cho đất không rơi khi tháo khuôn. Những bước tường đất này có thể dày đến 60 – 70cm.
Nhờ xây dựng các bức tường dày bằng đất sét mà nhà trình tường sẽ có đặc điểm ấm vào mùa Đông và mát vào mùa Hè. Đây có thể xem là một kỹ thuật độc đáo của người Mông để thích nghi với địa hình và khí hậu khắc nghiệt tại vùng cao.
Phần lớn các ngôi nhà trình tường ở Si Ma Cai đều có quy mô nhỏ. Nhưng bên cạnh đó vẫn có một số gia đình có điều kiện xây dựng các ngôi nhà trình tường bề thế. Các ngôi nhà này thường có 2 tầng và 3 gian. Đối với những ngôi nhà trình tường lớn, đi thẳng từ cổng chính vào sẽ là một sân rộng dùng để vui chơi, hoặc tổ chức các nghi lễ; phía trên là giếng trời để lấy ánh sáng và điều hòa không khí cho ngôi nhà.
Phòng khách là khu vực quan trọng nhất của một ngôi nhà trình tường. Đây sẽ là nơi gia chủ tiếp đón khách và thờ cúng tổ tiên.
Ở trong nhà trình tường, các phòng ngủ thường sẽ được bố trí dưới tầng 1, nằm sát với phòng khách. Gia đình nào có nhiều thế hệ chung sống mới thiết kế cả phòng ngủ trên tầng 2. Tầng 2 của nhà trình tường thường là nơi chứa lương thực, đồ đạc và thức ăn dự trữ cho gia cầm, gia súc.
Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết, tầng 2 của nhà trình tường sẽ trở thành “khán đài” cho người dân theo dõi các tiết mục văn nghệ được biểu diễn ở dưới sân.
Nhà trình tường truyền thống của người Mông vốn lợp ngói âm dương. Nhưng sau một thời gian dài sử dụng, ngói cũ bị hỏng và không tìm được ngói tương tự thay thế, nhiều hộ gia đình đã chuyển sang dùng các tấm lợp fibro xi măng.
Hiện nay, một số hộ gia đình người Mông ở Si Ma Cai thậm chí còn xây tường và nền xi măng sạch sẽ hơn để thay thế cho tường và nền đất truyền thống.
Nguồn: Báo xây dựng