Nhiều cổ phiếu BĐS thanh khoản cao giảm sâu trong phiên 11/8

Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch ngày 11/8 với sắc xanh chiếm ưu thế ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và điều này giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Trước sự nâng đỡ của nhiều cổ phiếu lớn, các chỉ số giao dịch trong sắc xanh ở phần lớn thời gian của phiên.

Tuy nhiên, áp lực bán bất ngờ dâng cao khi về cuối phiên, khiến VN-Index cũng như HNX-Index đảo chiều. Cả hai chỉ số này đều kết phiên trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu chứng khoán và dầu khí biến động tiêu cực ở phiên này. Trong đó, VCI giảm 3,3%, SSI giảm 2,9%, VND giảm 2,5%, PVS giảm 1,8%.

Biến động của cổ phiếu các nhóm ngành phiên 11/8 (Nguồn: Vietstock).
Biến động của cổ phiếu các nhóm ngành phiên 11/8. (Nguồn: Vietstock)

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng góp phần lớn trong việc gây áp lực mạnh lên các chỉ số. Trong đó, BCM tiếp tục giảm đến 2,9% xuống 44.500 đồng/cp, VIC giảm 1,8% xuống 111.000 đồng/cp, VRE cũng giảm 1,2% xuống 28.000 đồng/cp, VHM và NVL giảm lần lượt 0,9% và 0,7%.

Bên cạnh đó, hàng loạt các cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao cũng giảm mạnh ở phiên này như KDH, NLG, DXG, KBC, HPX, IJC, IDJ, HDG, DXS… Trong đó, KDH giảm 4,4% xuống 40.050 đồng/cp, NLG giảm 4,2% xuống 42.550 đồng/cp, DXG giảm 4,1% xuống 22.200 đồng/cp, KBC cũng giảm 3,9% xuống 34.400 đồng/cp.

Tuy nhiên, sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu bất động sản là khá mạnh nên vẫn còn rất nhiều mã tăng giá mạnh ở phiên này. Trong đó, SSH có phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp lên 60.400 đồng/cp, NBB và CCL cũng được kéo lên mức giá trần.

TIP tăng 2,7% lên 39.800 đồng/cp. Công ty này vừa thông qua việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Cụ thể, Công ty dự kiến phát hành mới hơn 39 triệu cổ phiếu, tương đương 150% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Tỷ lệ chào bán là 2:3, tương đương cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được quyền mua 3 cổ phiếu mới. Giá chào bán là 25.000 đồng/cp, thấp hơn 35% thị giá hiện nay là 38.750 đồng/cp. Thời gian thực hiện trong năm 2021. Tổng số tiền dự kiến thu về sau đợt chào bán là 975 tỷ đồng. Công ty dự kiến chi phần lớn với hơn 860 tỷ đồng để bổ sung vốn đối ứng tại dự án KCN Đức Long 3, 15 tỷ đồng thanh toán phí bảo lãnh phát hành và 100 tỷ còn lại bổ sung vốn lưu động.

Dù VN-Index và HNX-Index biến động tiêu cực về cuối phiên nhưng các cổ phiếu như MSB, TPB, VNM, BVH, VPB… vẫn biến động tích cực và giúp kìm hãm đáng để đà giảm của 2 chỉ số này. Trong đó, TPB tăng 2,8%, VNM tăng 1,7%.

Nhóm cổ phiếu vận tải biển, cảng biển và phân bón vẫn đứng ngoài những đợt rung lắc của thị trường chung. Đối với nhóm vận tải biển và cảng biển, các mã như MVN, SGP, PHP, CDN, DXP, CLL, HAH và VOS vẫn đồng loạt tăng trần. Tương tự, SFG và DPM thuộc nhóm phân bón cũng được kéo lên mức giá trần.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,64 điểm (-0,34%) xuống 1.357,79 điểm. Toàn sàn có 182 mã tăng, 205 mã giảm và 36 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,64 điểm (-0,19%) xuống 334,44 điểm. Toàn sàn có 137 mã tăng, 77 mã giảm và 71 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,48 điểm (1,63%) lên 92,01 điểm.

Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn niêm yết tăng so với phiên trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên với 918 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 28.002 tỷ đồng.

Khối ngoại giao dịch tiêu cực hơn khi đẩy mạnh bán ròng trên 700 tỷ đồng, trong đó, các mã bất động sản gồm VIC, NVL và VRE đều nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại. Chiều ngược lại, VHM tiếp tục được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 197 tỷ đồng. Bên cạnh VHM, các mã bất động sản gồm NLG, PDR và DXS cũng được mua ròng mạnh.

Theo CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index điều chỉnh nhẹ với thanh khoản khớp lệnh gia tăng so với phiên trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra là tương đối mạnh. Khối ngoại tiếp tục bán ròng càng làm giao dịch trở nên tiêu cực hơn.

Trên góc nhìn kỹ thuật, với phiên giảm này thị trường đang phát đi tín hiệu về việc kết thúc nhịp phục hồi để bước sang nhịp điều chỉnh mặc dù vẫn còn khả năng đi tiếp tới vùng quanh 1.400 điểm nếu giữ được ngưỡng 1.350 điểm. Vì vậy cần tiếp tục quan sát diễn biến trong các phiên tiếp theo để biết được xu hướng thị trường. Trong phiên giao dịch ngày 12/8, VN-Index có thể tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 1.325 – 1.350 điểm.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích