Hải Dương: Bao giờ “núi” nilon phế thải được chuyển đi?
(Xây dựng) – Ven sông Thái Bình, thành phố Hải Dương vẫn tồn tại một “núi” nilon phế liệu với khối lượng lên tới vài nghìn tấn. Cư dân xung quanh đây băn khoăn không biết bao giờ “núi” rác này mới được đơn vị có trách nhiệm xử lý là Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương chuyển đi.
Bãi tập kết nilon phế thải nằm rất gần khu dân cư |
Trên vị trí cũ của bãi rác Soi Nam ven sông Thái Bình, một “núi” nilon phế liệu khổng lồ nằm sát khối nhà chung cư, chắn ngay hướng nhìn ra sông. Nilon phế liệu được thu gom trong quá trình tái chế rác thải sinh hoạt đã được giặt rửa, ép thành từng khối xếp chồng lên nhau. Dù đã được giặt rửa nhưng mùi hôi vẫn còn nồng nặc, theo gió xộc thẳng vào trong nhà, khiến nhiều người dân vô cùng bức xúc.
Một cư dân sinh sống gần đó than thở: “Hàng ngày gió từ sông Thái Bình thổi lên đưa mùi hôi của rác xộc thẳng vào nhà, rất khó chịu. Trách nhiệm trước hết thuộc về Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương, vì đây là đơn vị thực hiện xử lý rác thải theo hợp đồng nhưng lại không bảo đảm đúng tiến độ đã cam kết với tỉnh”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương là đơn vị xử lý lượng rác thải sinh hoạt đã chôn lấp tại bãi rác Soi Nam trên địa bàn thành phố Hải Dương.
Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường, hạng mục xử lý bãi rác Soi Nam nằm trong giai đoạn chuẩn bị, san lấp mặt bằng của dự án và tiến độ hoàn thành việc xử lý triệt để bãi rác, hoàn trả mặt bằng từ tháng 6/2018-6/2021. Kinh phí xử lý bãi rác Soi Nam khoảng trên 200 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương, ngay khi được bàn giao mặt bằng, Công ty đã tiến hành xây dựng nhà xưởng, tập kết máy móc thiết bị, xây lò đốt, xây dựng trạm xử lý nước rỉ rác để tiến hành xử lý rác theo phương án đã được phê duyệt. Đến nay, Công ty đã cơ bản hoàn thành công tác xử lý rác thải, nước thải tại bãi rác Soi Nam.
Tuy nhiên, một lượng nilon phế liệu có khối lượng lên tới 5.000 tấn được thu gom trong quá trình xử lý rác thải sinh hoạt vẫn được tập kết chỉ cách các căn hộ vài chục mét. Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương lý giải, theo phương án ban đầu được phê duyệt, tàn bộ nilon nhựa phân loại được tái chế, vì vậy Công ty đã lắp một dây chuyền tái chế hạt nhựa tại chỗ. Tuy nhiên, sau khi hoạt động được khoảng 6 tháng thì cư dân được bàn giao nhà và vào sinh sống. Lúc đó, cư dân sống giáp với xưởng tái chế, khoảng cách từ nhà dân đến xưởng tái chế chỉ khoảng 100m. Nếu tiếp tục hoạt động tái chế sẽ gây mùi, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Vì thế, hoạt động tái chế nhựa phải dừng lại. Đến nay, lượng nilon đã phân loại, được ép kiện còn tồn đọng lên tới 5.000 tấn.
“Núi” nilon phế thải. |
Ngày 5/11/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương đã có công văn đôn đốc Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương xử lý rác thải tại bãi rác Soi Nam. Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương yêu cầu Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương phải di chuyển toàn bộ lượng rác nilon đã qua giặt, rửa đến nơi xử lý. Trong thời gian chưa vận chuyển hết các kiện nilon đi xử lý, công ty phải có biện pháp che phủ, hạn chế tối đa các tạp chất bị rửa trôi, thẩm thấu ra môi trường xung quanh; thu gom toàn bộ lượng nước thải phát sinh từ các bãi chứa rác và nước thải sinh hoạt vào hệ thống xử lý tập trung đảm bảo nước thải được xử lý đạt quy chuẩn môi trường QCVN 25:2009/BTNMT, cột B1 và QCVN 40:2011/BTNMT, mức B trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.
Ngày 8/11/2021, Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương có văn bản gửi UBND tỉnh Hải Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương báo cáo tiến độ xử lý rác tại bãi rác Soi Nam. Trong văn bản, Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương nêu rõ hiện nay Công ty đang còn tồn khoảng 5.000 tấn nilon đã được rửa sạch, ép kiện. Công ty cũng đã chủ động tìm kiếm mặt bằng phù hợp để di chuyển nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương đề nghị UBND tỉnh Hải Dương tạo điều kiện, bố trí cho Công ty thuê một diện tích đất khoảng 10.000m2 trong khu xử lý rác thải xã Việt Hồng (Thanh Hà) hoặc bãi rác ở thành phố Chí Linh để tập kết tạm thời khối lượng nilon trong thời gian chờ vận chuyển, xử lý. Đồng thời, Công ty có thể xây dựng xưởng tạm để sản xuất hạt nhựa. Văn bản đề xuất của Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương nêu rõ: “Nếu được bố trí khu đất, công ty cam kết sẽ thực hiện các hoạt động vận chuyển, xây dựng xưởng tạm để tái chế hết nilon trên trong vòng 20 tháng hết số nilon tồn đọng trên sẽ xin hoàn trả lại mặt bằng và cam kết tuân thủ các quy định về môi trường”.
Tuy nhiên, trong công văn trả lời đề nghị của Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cho rằng không có cơ sở đồng ý với đề nghị của Công ty, yêu cầu Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương thực hiện nghiêm các nội dung cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và các nội dung yêu cầu tại Công văn số 2084/STNMT-CCBVMT ngày 5/11/2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương.
Việc tồn tại một lượng nilon tái chế khổng lồ là trách nhiệm của Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương – đơn vị đã ký hợp đồng, cam kết để xử lý lượng rác thải tại bãi rác Soi Nam khi doanh nghiệp không tuân thủ cam kết tiến độ với UBND tỉnh Hải Dương.
Nguồn: Báo xây dựng