Yêu bản thân xin hãy ở nhà!
Bạn tôi đi vào Bình Dương thăm họ hàng từ đầu tháng 5, nay không thể về quê vì trong đó tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Là bạn thân thời phổ thông, nên đêm nào bạn cũng a lô ra Hà Nội dặn dò “nhớ nhé tuyệt đối không ra đường khi không có công việc cần thiết nhé. Covid-19 kinh khủng lắm”!
Còn anh bạn làm ở Trung tâm y tế quận thì bức xúc: “Ông làm nhà báo sao không viết cảnh báo người dân đừng ra đường đi. Cả Thành phố đang tranh thủ từng phút, từng giờ, từng ngày trong khung “giờ vàng” khi thực hiện giãn cách xã hội để đẩy lùi đại dịch mà cử đổ ra đường thế này thì nguy hiểm quá. “Cái con” SARS-CoV-2 biến chủng mới chỉ cần không giữ khoảng cách an toàn là rất dễ lây lan. Ông nhớ lời tôi ở im trong nhà đấy nhé”.
Mọi người hạn chế ra đường để tranh thủ thời gian giãn cách, Thành phố nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. (Ảnh minh họa một góc Hồ Gươm bình yên). |
“Chắc chắn rồi ông”! Tôi trả lời bạn, nhưng cũng làm điệu vặn vẹo lại. “Thế khi ra đường, ngoài một số không chấp hành quy định như không có giấy đi đường, còn lại đều có giấy đi đường do cơ quan, đơn vị cấp hết đấy. Chắc bận công việc thật, nên thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, công sở mới cấp giấy cho cán bộ, nhân viên của mình ra đường chứ?”.
“Ơ, ông nói nghe cũng logic gớm. Nhưng tất cả là do ý thức hết. Họ không làm ngành Y, nên có thể do sức ép công việc lẫn kinh tế mà họ vẫn bất chấp ra đường đến cơ quan, đơn vị làm. Các thủ trưởng cơ quan, đơn vị vẫn cấp giấy phép cho cán bộ, nhân viên của mình đi làm. Nhưng làm ngành Y, tôi quá hiểu sự nguy hiểm của dịch bệnh. Chính sự nguy hiểm đó nên Bộ Y tế mới khuyến cáo nguyên tắc 5K, trong đó giữ khoảng cách là yếu tố cực kỳ quan trọng. Cũng chính vì thế mà trong Chỉ thị số 17 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội mới quy định về số lượng (tỷ lệ) cán bộ, nhân viên được phép đi làm rất ít.
Cứ để khoảng không “mênh mông”, Covid-19 sẽ không có đất để sống; còn nếu cứ người như nêm, không tuân thủ nguyên tắc cách nhau tối thiểu 2 mét, ắt hẳn vi rút rất dễ xuất hiện, nguy cơ vô cùng lớn. Chọn ở nhà với gia đình vẫn hơn chọn sự rủi ro”, ông bạn bác sĩ nhấn mạnh thêm.
Đọc những lời “nhắn nhủ” của bạn, cũng như những gì đang diễn ra trên thế giới càng có cơ sở để nhận ra rằng, nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến bùng phát Covid-19 ở mức thảm họa là người dân không tuân thủ nguyên tắc về khoảng cách mà ra.
Hà Nội đang trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, tôi không phải là nhà toán học, nhưng cũng xin mạn phép đưa ra một vài so sánh. Nhu cầu của con người là vô cùng, nhưng trong bối cảnh “thiên tai, địch họa” cái cần nhất chính là nhu yếu phẩm cần thiết như thuốc men, nước, lương thực, thực phẩm. 3-4 tuần giãn cách xã hội, đành rằng tất cả chúng ta gặp khó khăn.
Những người thuộc diện khó khăn như lao động phổ thông… đã được hỗ trợ từ gói an sinh theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, cũng như các cấp, ngành, đoàn thể của Thành phố và các nhà hảo tâm, còn lại nhu cầu cho những ngày cách ly không nhiều. Gạo, mắm muối, ít hoa quả là xong. Làm cả đời, đâu chỉ vì 3-4 tuần. Nếu chúng ta đổ lỗi cho lý do kinh tế, công việc phải ra đường, đi làm nếu chẳng may bị Covid-19 thì chính bản thân mình sẽ là người chịu khổ đầu tiên, và tiếp đến là gia đình, xã hội.
Bởi vậy, có gì quý hơn khi mọi người (người dân, thủ trưởng cơ quan, đơn vị) chấp hành nghiêm chỉnh Chỉ thị 17 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố để thành phố thân yêu của chúng ta tận dụng “thời gian vàng” truy vết, khoanh vùng, “bóc tách” hết các F0 để Thủ đô lại trở về trạng thái bình thường. Người người xuống phố, nhà nhà hân hoan, doanh nghiệp bắt tay vào sản xuất – kinh doanh, cơ quan đẩy mạnh giải quyết công việc…
Mùa Thu đang sang, gió heo may lại về, hoa sữa nở thơm lừng góc phố, mỗi người hãy tự ý thức để Thành phố bình yên, chúng ta cùng nhau chào đón Thu Hà Nội, chào đón sự bình yên! Xin mọi người nếu không có việc thực sự cần thiết, hãy ở nhà!
Nguồn: Báo lao động thủ đô