Thủy Nguyên (Hải Phòng): Vì sao trạm trộn bê tông A Tám vẫn chưa bị cưỡng chế, tháo dỡ?
(Xây dựng) – Cơ quan chức năng nhiều lần ra thông báo yêu cầu trạm trộn bê tông A Tám khu vực ngoài đê, thôn 5, xã An Sơn (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) dừng hoạt động, hoàn trả mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay, công trình vi phạm này vẫn ngang nhiên tồn tại, chưa bị xử lý triệt để.
Trạm bê tông A Tám vẫn chưa tháo dỡ (ảnh chụp ngày 15/02/2022). |
Như Báo điện tử Xây dựng đã phản ánh, trạm bê tông thương phẩm A Tám, thuộc Công ty Cổ phần Thương mại bê tông Hợp Thành tại xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng hoạt động không phép, xây dựng trên đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Theo phản ánh của người dân, trong quá trình hoạt động, trạm trộn bê tông A Tám đã gây ô nhiễm môi trường như: Phát sinh bụi, tiếng ồn; nước thải từ trạm trộn bê tông không được xử lý, xả trực tiếp ra sông Kinh Thầy… ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của các hộ dân sống gần trạm bê tông.
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2016, UBND xã An Sơn ký hợp đồng với ông Đào Quang Hòa về việc giao khoán 3.203m2 đất bãi ven đê dùng vào mục đích sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, thời hạn hợp đồng là 5 năm (2016-2021). Năm 2018, ông Hòa ký hợp đồng cho ông Nguyễn Văn Tuấn xây dựng trạm trộn bê tông A Tám.
Ngày 4/3/2019, huyện Thủy Nguyên phối hợp với UBND xã An Sơn kiểm tra việc quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường của Công ty Hợp Thành. Đoàn kiểm tra xác định ông Tuấn xây các hạng mục công trình gồm: Cột bê tông cốt thép đỡ 2 silo, móng bể chứa, móng đỡ thiết bị, nhà chứa xây dựng gạch pa panh, mái tôn, nhà ở công nhân, nhà bảo vệ, trạm cân điện tử và tập kết vật liệu xây dựng không đúng quy định. Đoàn kiểm tra đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh trạm trộn bê tông A Tám và giao UBND xã An Sơn giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp.
Ngày 12/3/2019, UBND xã An Sơn thanh lý hợp đồng do ông Hòa tự ý ký hợp đồng cho thuê đất với người thứ ba, chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép từ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản sang sản xuất bê tông. UBND xã An Sơn đã nhiều lần ra thông báo yêu cầu tạm dừng hoạt động của trạm trộn bê tông ký cam kết nhưng ông Tuấn không chấp hành. Ngày 19/10/2020, UBND huyện Thủy Nguyên tổ chức hội nghị tổng hợp ý kiến các ngành chức năng huyện Thủy Nguyên, UBND xã An Sơn báo cáo giải quyết tồn tại về sử dụng đất của Công ty Hợp Thành (Trạm trộn bê tông A Tám), Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Nguyễn Văn Viển yêu cầu UBND xã An Sơn đình chỉ hoạt động của trạm trộn bê tông A Tám từ ngày 25/10/2020. Đồng thời, yêu cầu doanh ngiệp dừng mọi hoạt động, di chuyển toàn bộ tài sản, máy móc, thiết bị đang tập kết trên đất và trả lại hiện trạng ban đầu trước ngày 30/10/2020. Tuy nhiên, Công ty Hợp Thành vẫn không chấp hành.
Ngày 25/12/2020, UBND huyện Thủy Nguyên ra thông báo yêu cầu Công ty Hợp Thành dừng hoạt động trạm trộn bê tông A Tám và di chuyển toàn bộ tài sản ra khỏi khu đất vi phạm tại xã An Sơn trước ngày 31/12/2020. Tại buổi làm việc ngày 11/1/2021 với UBND huyện Thủy Nguyên, UBND xã An Sơn báo cáo trạm trộn bê tông A Tám dừng hoạt động nhưng doanh nghiệp chưa di chuyển máy móc, công trình, ra khỏi khu đất vi phạm. Ngày 13/01/2021, UBND huyện Thủy Nguyên ra thông báo yêu cầu Công ty Hợp Thành nghiêm túc khắc phục hậu quả, tháo dỡ, di chuyển tài sản, máy móc, thiết bị của trạm trộn bê tông A Tám ra khỏi diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại xã An Sơn. Tuy nhiên, đơn vị quản lý trạm bê tông A Tám vẫn chưa chấp hành các nội dung trên.
Tiếp đó, ngày 12/7/2021, UBND huyện Thủy Nguyên có Quyết định số 4063/QĐ-CCKPHQ về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, huyện Thủy Nguyên cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả với ông Nguyễn Văn Tuấn, SN 1972, trú tại xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do đã có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 11, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra cần được khắc phục là: Làm thay đổi hiện trạng khu đất, dẫn tới không thể sử dụng đất vào mục đích ban đầu. Biện pháp khắc phục hậu quả phải thực hiện: Buộc ông Nguyễn Văn Tuấn tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trong 7 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định này, ông Nguyễn Văn Tuấn có trách nhiệm thực hiện quyết định. Nếu quá thời hạn mà ông Nguyễn Văn Tuấn không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng vào thời điểm ngày 15/2/2022, tại trạm trộn bê tông A Tám vẫn có nhiều xe bồn ra vào tấp nập, có dấu hiệu tái hoạt động trở lại bất chấp các thông báo của cơ quan chức năng.
Trước thực trạng trên, dư luận không khỏi hoài nghi vì sao trạm trộn bê tông A Tám vẫn ngang nhiên tồn tại? Trong khi đó, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vẫn chưa triển khai thực hiện việc cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm. Đề nghị UBND thành phố Hải Phòng vào cuộc, xác minh làm rõ các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu bao che cho vi phạm, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Nguồn: Báo xây dựng