Vẻ đẹp trầm mặc của những thành phố đã mất
Tàn tích của những thành phố cổ như Petra, Machu Picchu hay Ayutthaya có sức quyến rũ kỳ lạ, ẩn chứa nhiều bí ẩn của nền văn minh nhân loại.
Chiến tranh, dịch bệnh, thảm họa tự nhiên… là nguyên nhân khiến những thành phố cổ có tuổi đời hàng nghìn năm bị tàn phá nặng nề và chìm vào quên lãng. Tuy nhiên, những tàn tích này vẫn tồn tại đến ngày nay, mở ra cánh cửa dẫn vào thế giới đã biến mất.
Machu Picchu (Peru)
Machu Picchu là thành phố cổ của người Inca, được xây dựng vào thế kỷ 15 trên sườn núi cao 2.430 m so với mực nước biển. Đây là tàn tích hiếm hoi thời kỳ tiền Colombo được tìm thấy nguyên vẹn. Những nhà khảo cổ cho rằng Machu Picchu đóng vai trò là điền trang dưới thời hoàng đế Inca Pachacuti (1438-1472). Tàn tích này thường bị nhầm lẫn là “thành phố đã mất của người Inca”, vốn là danh xưng của Vilcabamba.
Machu Picchu nằm giữa những ngọn núi cao của dãy Andes. Ảnh: Wallpapercave. |
Machu Picchu được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của người Inca với kỹ thuật đánh bóng những bức tường bằng đá khô. Những công trình quan trọng ở Machu Picchu bao gồm Inti Watana, đền thờ Mặt trời và ngôi đền ba cửa sổ. Machu Picchu bị bỏ hoang sau cuộc chinh phạt của người Tây Ban Nha, mãi đến năm 1911 thế giới bên ngoài mới biết đến sự tồn tại của tàn tích này sau chuyến thám hiểm của nhà sử học người Mỹ Hiram Bingham.
Machu Picchu được bình chọn là kỳ quan thế giới mới vào năm 2007. Ảnh: Pexels. |
Petra (Jordan)
Petra là thủ đô của vương quốc Nabatea, được xây dựng cách đây 2.300 năm. Thành phố gần với những tuyến đường thương mại huyết mạch nên mang lại sự giàu có cho tộc người Ả Rập Nabatea. Tuy nhiên, Petra đã bị bỏ hoang vào thế kỷ 8 sau khi bị người La Mã và Byzantine xâm chiếm. Đến năm 1812, tàn tích này được phát hiện bởi nhà thám hiểm Thụy Sĩ Johann Burckhardt.
Petra là biểu tượng và điểm thu hút khách du lịch của Jordan. Ảnh: National Geographic. |
Petra nổi tiếng với những công trình chạm khắc vào vách núi sa thạch màu hồng nên tàn tích này còn được gọi là “thành phố hoa hồng”. Thành phố cổ nằm trên sườn núi Hor (địa danh linh thiêng trong Kinh thánh), ẩn sâu trong thung lũng giữa những ngọn núi thuộc Wadi Adaba, ranh giới của Israel và Jordan. UNESCO đánh giá Petra là “Một trong những tài sản văn hóa quý giá nhất của nhân loại”.
Nhà hát ở tàn tích Petra. Ảnh: Dreamstime. |
Herculaneum (Italy)
Herculaneum là thị trấn nhỏ được đặt theo tên của Hercules, người anh hùng trong thần thoại Hy Lạp. Nhờ vị trí ven biển và khí hậu ôn hòa, Herculaneum trở thành điểm nghỉ mát nổi tiếng dưới thời Cộng hòa La Mã. Mùa thu năm 79, dòng nham thạch từ núi lửa Vesuvius phun trào đã phá hủy hoàn toàn Herculaneum và những thành phố lân cận, trong đó có Pompeii nổi tiếng. Thảm họa này đã giết chết tất cả cư dân thành phố, nhưng vô hình trung bảo tồn nguyên vẹn những công trình kiến trúc của Herculaneum.
Thị trấn Herculaneum ngày nay. Ảnh: Britannica. |
Herculaneum được phát hiện vào thế kỷ 18 sau gần 1.700 năm bị bỏ hoang. Hiện nay, thị trấn cổ là điểm du lịch và khảo cổ học nổi tiếng của Italy. Đến Herculaneum, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những công trình nghệ thuật đặc sắc như nhà tắm trung tâm, học viện Augustales dành cho những người súng bái hoàng đế La Mã, ngôi nhà Samnites được trang trí theo phong cách Pompeian…
Bức tranh vẽ các vị thần La Mã trong học viện Augustales. Ảnh: Onedayinitaly. |
Ayutthaya (Thái Lan)
Thành phố lịch sử Ayutthaya là kinh đô thứ 2 của vương quốc Xiêm La (Siam), được thành lập vào năm 1350. Trước khi bị quân Miến Điện xâm lược và tàn phá vào thế kỷ 18, Ayutthaya phát triển mạnh mẽ trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn nhất thế giới bấy giờ. Những nhà thiết kế đã tận dụng địa thế nằm giữa 3 con sông của Ayutthaya để quy hoạch đường sá, kênh đào và giao thông hào có hệ thống và chặt chẽ. Ngày nay, tàn tích của những tòa tháp thờ (prang) cổ kính, tu viện Phật giáo kỳ vĩ cho thấy quá khứ huy hoàng, tráng lệ của Ayutthaya.
Những tòa tháp cổ kính tại cố đô Ayutthaya. Ảnh: Tourism Thailand. |
Leptis Magna (Lybia)
Leptis Magna là một trong những thành phố đẹp nhất của đế chế La Mã, được xây dựng vào thế kỷ 7 TCN bên bờ Địa Trung Hải. Sau khi lên ngôi, Septimus Severus – vị hoàng đế sinh ra tại Leptis Magna – đã cho mở rộng và chỉnh trang thành phố. Năm 365, một trận sóng thần đã hủy hoại hoàn toàn Leptis Magna, khiến thành phố suy tàn và bị chôn vùi dưới cát trước khi được khai quật vào thế kỷ 20. Hiện nay, tàn tích nổi tiếng ở Lybia còn lưu giữ những công trình như phòng tắm tuyệt đẹp, cổng vòm Tetrapylon, nhà hát Augustan hay khải hoàn môn được trang trí bởi Septimus Severus…
Tàn tích Leptis Magna bên bờ Địa Trung Hải. Ảnh: The Guardian. |
Nguồn: Báo xây dựng