Đầu năm, bói một quẻ Kiều
(Xây dựng) – Một tác phẩm văn học, một tiểu thuyết bằng thơ mà tác giả tự nhận là “lời quê góp nhặt dông dài”, cốt để mua vui cho người đời chốc lát (mua vui cũng được một vài trống canh). Thế mà qua thời gian, bỗng trở thành “linh vật”, thành sách bói. Đó là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Đây là hiện tượng có một không hai trên văn đàn. Vì sao như vậy?
Ảnh minh họa. |
Phải chăng trong mỗi câu Kiều đều có sức chứa vô cùng lớn lao về thế thái nhân tình? Gặp bất cứ cảnh ngộ nào trong đời, soi vào trong thiên truyện đó, người ta cũng tìm thấy một câu tương ứng, khiến người đời thấy những lời trong sách như lời sấm ký, được viết ra bởi một đấng linh thiêng đang ngự trên cõi cao xanh huyền bí, mà đấng bậc ấy đã thấu tỏ thiên cơ, đã định đoạt, đã an bài cho mình, khiến mình “biết thân chạy chẳng khỏi trời”, chỉ còn nước cúi đầu tuân phục. Và chính điều đó đã tạo nên một sức cuốn hút đầy ma lực, đầy kỳ bí, khiến thiên truyện được “thiêng hóa”? Anh học trò giỏi hỏng thi thấy mình ở trong Kiều (có tài mà cậy chi tài/ chữ tài liền với chữ tai một vần). Cất chén tiễn nhau, người ta thấy mình ở trong Kiều (chén vui nhớ bữa hôm nay/ chén mừng xin đợi ngày rầy năm sau). Một vị Bộ trưởng ra nước ngoài, gặp gỡ bà con Việt kiều. Khi chia tay, bà con đã thấy cuộc chia tay ấy ở trong Kiều (gìn vàng giữ ngọc cho hay/ cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời), không gì có thể sâu sắc hơn, tha thiết hơn.
Năm 2006, khi sang thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ George Bush đã thấy số phận của hai dân tộc Việt- Mỹ ở trong Kiều (trời còn để có hôm nay/tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời). Ngày 24/5/2016, trong chuyến thăm Việt Nam, nói chuyện trước giới trí thức và giới trẻ Việt Nam, đề cập đến khát vọng cho tương lai hai nước Việt-Mỹ, về hành trình mà hai nước cùng hướng tới, Ngài Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng tìm thấy lời giải đó trong Kiều (rằng trăm năm cũng từ đây/của tin gọi một chút này làm ghi). Gần đây nhất, khi nhận chức Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng vận Kiều để thể hiện sự khiêm tốn (nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/ khuôn thiêng biết có vuông tròn mà hay)… Vận Kiều, lẩy Kiều, họa Kiều, đố Kiều và đầu xuân, người ta còn bói Kiều.
Có một nhà nho đã viết hẳn một cuốn sách dạy bói Kiều, na ná như bói dịch. Nhưng cách đó chẳng được mấy người theo, vì nó phức tạp quá. Người bói Kiều nhất thiết phải biết bói dịch, có kiến thức ít nhiều về dịch học. Thế nên cuốn sách nhanh chóng rơi vào quên lãng. Dân gian có cách bói riêng của mình. Ở đây chỉ xin nói về cách bói của dân gian.
Trước lúc bói Kiều, người bói phải ăn chay ở sạch, tắm gội xông hương, kiêng chuyện vợ chồng. Bày bàn thờ ra : hương hoa, rượu, quả, trầu cau, và tất nhiên không thể thiếu “linh vật” là cuốn truyện Kiều. Người bói muốn “linh nghiệm” thì lòng phải tĩnh như trời xanh, tâm phải thành, gạt bỏ mọi tạp niệm ra ngoài đầu óc. Thắp hương, rót rượu, bày quyển truyện Kiều hướng về phía trái tim mình, chắp tay, mặt hướng về sách còn mắt thì hướng lên cõi cao xanh, khấn rằng: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều…”.
Rồi tiếp theo, người bói khấn rõ tên tuổi, quê quán và những điều muốn “vua”, muốn “vãi” và muốn “tiên” “hé lộ” thiên cơ: Tài lộc, tình duyên, thi cử, tử tức, vận hạn, đường làm ăn…
Giác Duyên là bà vãi, Thúy Kiều (tất nhiên là nàng Kiều trong truyện của Nguyễn Du) đẹp như… tiên, thì đúng rồi. Nhưng còn Từ Hải, một tên tướng giặc dưới con mắt của các triều đình phong kiến, mà lại được dân gian tôn làm vua, thì mới thật là hay, mới thật là câu chuyện đáng bàn.
Cứ theo sử sách, thì Từ vốn là một nhà sư. Nhưng là loại sư “thịt chó sư đánh tỳ tỳ/ bao nhiêu chỗ lội sư thì cắm chông/ nam mô xứ Bắc xứ Đông/ con gái chưa chồng, lấy ráo sư tôi”. Tức là, nói như dân gian, thì đó là một nhà sư… hổ mang. Không chỉ thịt chó, rượu và gái, Từ còn cờ bạc. Nghĩa là nhà phật có 5 giới cấm (ngũ giới) thì hòa thượng họ Từ vi phạm cả 5. Nhiều lần cờ bạc cháy túi, nợ nần tùm lum, hòa thượng phải trốn cả vào lầu xanh để ẩn náu.
Thế rồi Từ trở thành tướng cướp, tụ tập hàng ngàn lâu la dưới tay, đánh chiếm được 5 huyện của tỉnh Chiết Giang. Quan quân dẹp mãi không được. Trong một lần đánh vào một huyện thành, lâu la bắt được một kỹ nữ tên là Vương Thúy Kiều, mang dâng cho Từ. Thúy Kiều quê ở Lâm Tri, con của một gia đình thường dân, bị bán làm kỹ nữ. Không những xinh đẹp, Kiều còn giỏi cả cầm kỳ thi họa. Thế nên vừa thấy mặt nàng, Từ đã mê ngay, và cưới nàng làm vợ.
Trở thành vợ Từ Hải rồi, chính nàng Kiều đã khuyên Từ đến dinh quan tổng đốc Chiết Giang là Hồ Tôn Hiến quy hàng, để được triều đình xá tội và phong quan chức. Nghe lời vợ, Từ đã đến, được họ Hồ tiếp đãi thân tình, hứa sẽ tâu với triều đình phong cho một chức quan lớn. Nhưng khi Từ vừa ra khỏi dinh thì bị quân của Hồ Tôn Hiến phục sẵn, giết chết. Biết tin chồng lâm nạn, Thúy Kiều tự tử chết theo.
Cảm cái nghĩa ấy của nàng Kiều, một nhà văn đương thời là Dư Hoài đã viết cuộc đời nàng thành một thiên truyện, đặt tên là “Vương Thúy Kiều truyện”. Một nhà văn khác là Mộng Giác đạo nhân Tây Hồ lãng tử cũng lấy cốt truyện cuộc đời nàng, viết thành truyện “sinh báo Hoa Ngạc ân, tử tạ Từ Hải nghĩa (sống báo ơn Hoa Ngạc, chết tạ nghĩa Từ Hải)”. Từ hai truyện ngắn, mỗi truyện chỉ trên dưới ngàn chữ, Thanh Tâm Tài Nhân đã sáng tác lại, thành một cuốn tiểu thuyết dài tới trên ba mươi hồi, đặt tên là “Kim Vân Kiều truyện”. Tên truyện chính là tên của 3 nhân vật Kim Trọng, Thúy Vân, Thúy Kiều, trong đó chỉ có nhân vật Thúy Kiều là có thật. Hai nhân vật còn lại là do tác giả sáng tạo ra. Trong Kim Vân Kiều truyện, rất nhiều chi tiết xấu xa của Từ Hải đã được nhà tài tử lược bỏ. Từ trở thành một hảo hán võ nghệ siêu quần, dấy quân xưng hùng xưng bá một phương.
Tuy vậy, dưới ngòi bút của Thanh Tâm Tài Nhân, Từ cũng chỉ là một “đại vương” như hàng trăm hàng ngàn “đại vương” khác nhan nhản trên đất Tàu những thời tao loạn, kiểu như: Sử Tiến, Trần Đạt, Chu Vũ, Dương Xuân… đời Tống. Muốn làm người lương thiện không được, bị quan tham dồn đến tuyệt lộ, đành tụ tập dăm bẩy trăm cùng dân chiếm cứ một ngọn núi, lúc yếu thì chặn đường thương khách kiếm ăn. Mạnh hơn chút nữa thì kéo đến các phủ huyện “vay lương”. Một bọn giặc cỏ không hơn không kém.
Chỉ đến khi truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, lấy cốt từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, ra đời, thì Từ Hải, và ý nghĩa, triết lý, tư tưởng của câu truyện mới thực sự “thay da đổi thịt”. Dưới ngòi bút của thi hào, Từ trở thành một con người giỏi cả văn lẫn võ (côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài). Nguyễn Du đã tái tạo, đã nâng Từ lên thành một con người xuất chúng, phi thường, một con người của trời đất (gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo). Chí của Từ là chí ở bốn phương. Và cuộc ra đi lập nghiệp của Từ mới hào hùng, mới đẹp, mới lãng mạn làm sao (trông với trời bể mênh mông/ thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng dong). Dưới mắt nàng Kiều, Từ quả là con người có khí lượng đế vương, có sức thay cũ lập mới. Nên vừa mới gặp mặt, nàng đã tiên đoán ngay (Tấn Dương được thấy mây rồng có phen). Dưới con mắt của người dân, thì Từ là bậc “hơn đời trí dũng, nghiêng trời uy linh”. Trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, câu “Từ Hải đánh chiếm được 5 huyện phía Nam tỉnh Chiết Giang”, nghe thật tầm thường. Nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Du, chiến công ấy trở nên kỳ vĩ, hiển hách (huyện thành đạp đổ 5 tòa cõi Nam). Cũng như vậy, cái sự nghiệp thảo khấu của Từ được Nguyễn Du nâng lên thành sự nghiệp của bậc đế vương (gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà), chí của Từ là chí của một con chim bằng (chọc trời khuấy nước mặc dầu/ dọc ngang nào biết trên đầu có ai)
Một người thông kim bác cổ như Nguyễn Du, khi biến một Từ Hải “đại vương-giặc cỏ” của Thanh Tâm Tài Nhân thành một Từ Hải anh hùng cái thế “của mình”, chắc chắn là có mục đích. Và cụ đã đạt được mục đích ấy của mình: Từ trong truyện Kiều, Từ bước thẳng vào lòng nhân dân, được nhân dân đón nhận, trở thành con người được nhân dân mong mỏi, mỗi khi một triều đại trở nên suy tàn, hủ bại, không gánh vác nổi sứ mệnh lịch sử nữa, cần phải thay thế nó. Trong mắt nhân dân, họ chính là những người dựng cờ cho “dân nổi can qua”, quẳng những vua chúa, triều đại hủ bại ra khỏi con tàu lịch sử. Nói như dân gian Việt Nam, thì đó là lúc “con vua thất thế, phải ra quét chùa”, hay nói như dân gian Trung Quốc là “làm vua phải thay đổi, sang năm đến lượt ta”.
Từ trở thành vua trong lòng nhân dân là vì thế. Không chỉ Từ, mà bất kỳ ai, khi đại diện cho khát vọng của nhân dân, dẫu sự nghiệp của họ kết thúc như thế nào, triều đình kết tội họ như thế nào. Thì trong lòng nhân dân, họ vẫn là vua, như trường hợp Phan Bá Vành, một cùng dân ở làng Minh Giám (Vũ Thư, Thái Bình), người đã dám đứng lên dựng cờ khởi nghĩa dưới triều Minh Mệnh chẳng hạn, dù thất bại, nhưng Phan vẫn được nhân dân tôn làm vua (trên trời có ông sao Rua/ ở làng Minh Giám có vua Ba Vành).
Khấn “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều…” và kêu các ước nguyện của mình xong, giở một trang Kiều bất kỳ. Rồi thì “trai tay trái, gái tay phải”, nghĩa là con trai thì đặt tay lên trang bên trái của truyện Kiều, còn gái thì đặt tay lên trang bên phải. Xong, lấy hai ngón tay trỏ của hai bàn tay, một ngón đặt vào dòng chữ đầu trang, ngón kia đặt vào dòng cuối trang. Rồi cứ thế lần ngược lên và lần xuôi xuống. Đến khi hai ngón tay chạm nhau, sẽ được 1 câu lục và 1 câu bát. Đó chính là quẻ mà “vua”, “vãi” và “tiên” đã cho. Câu lục là nhân còn câu bát là quả. Được quẻ rồi, phải lễ tạ
Từ hai câu đó, người ta “tán” ra, tìm ý nghĩa của nó để rồi “mỗi lời là một vận vào” những điều mà mình vừa xin. Luận quẻ bói Kiều cũng là một việc làm rất thú vị. Nhiều người ít học, hiểu biết hạn chế, bói được quẻ rồi nhưng không hiểu, phải nhờ người khác luận cho. Người càng uyên bác thì luận quẻ bói càng hay, càng hấp dẫn.
Tôi không tin bất cứ một thần, phật, thánh nào, nổi tiếng là kẻ “vô sư vô sách”, cũng chẳng tin bói toán. Nhưng đầu năm, thấy người ta rủ nhau bói Kiều, thì cũng góp mấy “lời quê”.
Ghi chép của Vũ Hữu Sự
Nguồn: Báo xây dựng