Thưởng ngoạn những hồ nước thơ mộng tuyệt đẹp ở Cao Bằng
Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng Cao Bằng nhiều cảnh đẹp kỳ vĩ, trong đó có những hồ nước trong xanh thơ mộng nằm giữa cánh rừng luôn thay đổi màu sắc theo mùa đẹp như tranh vẽ.
Đường vào hồ Bản Viết, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. (Ảnh: TTXVN phát) |
Cao Bằng, vùng đất địa đầu Tổ quốc được thiên nhiên ưu ái ban tặng vẻ đẹp vô cùng kỳ thú với núi rừng hùng vĩ, thác nước, sông, suối, hang động đẹp như tranh. Đặc biệt, những hồ nước trong xanh thơ mộng nằm giữa cánh rừng luôn thay đổi màu sắc theo mùa là điểm đến vô cùng thu hút du khách.
Cao Bằng có 47 hồ lớn nhỏ, bao gồm cả hồ tự nhiên và nhân tạo. Hồ tự nhiên chủ yếu là hồ Karst, tiêu biểu là hồ Thang Hen và hồ Đồng Mu.
Hồ nhân tạo là các hồ Khuổi Lái, Nà Tấu, Khuổi Áng, Khuổi Khoán (huyện Hòa An), hồ Bản Nưa (huyện Hà Quảng), hồ Bản Viết (huyện Trùng Khánh)… Mỗi hồ đều mang một nét quyến rũ riêng khiến du khách phải say đắm.
Hồ Thăng Hen
Thuộc khu vực cao nguyên đá vôi miền Đông, nằm ở độ cao 500-600m so với mặt biển, cách đèo Mã Phục gần 4km, thuộc xã Quốc Toản (huyện Quảng Hòa), tiếp giáp các xã Cao Chương (huyện Trùng Khánh) và Nguyễn Huệ, Ngũ Lão (huyện Hòa An), hồ Thăng Hen được hình thành do miền núi đá vôi bị bào mòn hoặc bị nước đục khoét sụt xuống hình thành hồ.
Hồ Thăng Hen một trong những hồ nước ngọt trên núi cao, là nơi dừng chân lý tưởng cho du khách. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN) |
Tên của hồ theo nghĩa tiếng Tày là “đuôi ong,” bởi vì từ trên cao nhìn xuống thì hồ có hình tựa như đuôi con ong. Hồ có chiều rộng chừng 100-300m, chiều dài 500-1.000m tùy theo mực nước.
Hồ Thăng Hen là một bể nước kín tự nhiên, có các dòng sông suối ngầm đổ về, và cũng có nhiều dòng suối ngầm chảy đi theo một hệ thống sông suối ngầm nằm sâu trong lòng những rặng núi đá, Nguồn cung cấp nước chính là sông Trà Lĩnh. Hiện tượng này trong ngành địa chất gọi là Karst.
Nước hồ Thang Hen hàng ngày vẫn có hai đợt thủy triều lên xuống. Độ chênh lệch của mực nước lớn và nhỏ trong hồ giữa mùa mưa và mùa khô có thể tới độ 15-20m.
Vào mùa lũ lớn, do có cả nước bề mặt đổ về nên nước chảy đi không xuể, làm cho hồ tràn sang các thung lũng liên kết tạo thành một chuỗi có tới 36 hồ nước xanh ngắt. Diện tích hồ Thăng Hen rộng nhất trong 36 hồ nước ngọt tự nhiên này.
Một trong các hồ bên cạnh Thang Hen là hồ Thăng Luông. Vào mùa khô hạn thì hồ Thăng Luông có thể cạn trơ đáy, chỉ còn ít nước tại hồ chính Thang Hen với mức nước thấp nhất 10m. Các sông suối ngầm lúc này đều chảy ngầm hoàn toàn trong lòng đất
Khi hồ cạn, có thể quan sát trên bờ bùn dốc ngược có những hố lớn mà dưới lòng phễu của chúng là những thân cây, củi gỗ xếp xoay như được xoắn hút xuống. Đó là những cửa ngầm thoát nước vào mùa nước lên.
Giữa những mỏm núi cao hùng vĩ, hồ Thăng Hen giống như một chiếc gương lớn màu ngọc bích. Du khách có thể đi thuyền trên mặt hồ, ngắm nhìn phong cảnh tươi đẹp của rừng núi bao bọc, thấp thoáng phía chân núi là những nếp nhà sàn truyền thống của bà con dân tộc Tày, Nùng đặc trưng của vùng đất Cao Bằng.
Hồ Nặm Chá
Nặm Chá (xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh) là hồ nước nằm trong hệ thống hồ Thăng Hen. Điểm đặc biệt của hồ Nặm Chá là núi Mắt Thần nằm ở giữa hồ như một khối hình tháp xanh khổng lồ độc lập giữa lòng thung lũng. Đây là địa điểm thu hút rất nhiều nhiếp ảnh gia, du khách tham quan, khám phá.
Giữa lưng chừng núi là một hang thủng xuyên qua lòng núi, đường kính rộng nhất lên tới 50m. Ngọn núi được nhân dân địa phương gọi là Phja Pjót (tiếng Tày nghĩa là núi thủng).
Hồ Nặm Chá-núi Mắt Thần, món quà thiên nhiên ban tặng cho Cao Bằng. (Nguồn: vietnamtourism.gov.vn) |
Theo các nhà khoa học, núi Mắt Thần thực chất là một hang khô, hang hóa thạch được hình thành cách ngày nay hơn 300 triệu năm. Đây có thể xem như một sự độc đáo, cực kỳ hiếm trong hệ thống núi đá vôi tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.
Mực nước hồ có thể thay đổi theo mùa, đôi khi rất đột ngột. Vào mùa mưa, những con thác xối xả mang nguồn nước từ rừng về tới các hồ trong khu vực hồ Thăng Hen.
Hồ Nặm Chá mang trong mình hàng nghìn mét khối nước. Lúc này, hồ Nặm Chá trở thành chiếc gương cho núi Mắt Thần soi bóng.
Nhìn từ xa, cảnh sắc nơi đây hiện ra như một bức tranh thơ mộng với sắc hồ Nặm Chá trong xanh, những chiếc bè lướt nhẹ trên mặt hồ, xung quanh là những ngọn núi cao điệp trùng.
Vào mùa khô, nước rút đi trả lại các gò đất và những con suối uốn lượn bao bọc lấy thảm cỏ mênh mông, xanh mướt tạo vẻ đẹp mềm mại nên thơ như nàng thiếu nữ tuổi xuân thì. Lúc này, bà con đi lấy củi, chăn thả gia súc, du khách và người dân có thể cắm trại, picnic, trekking, đi xe đạp ngắm cảnh… hồ Nặm Chá.
Trong 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, mỗi mùa hồ Nặm Chá và núi Mắt Thần lại mang một vẻ đẹp riêng, thơ mộng và bình yên.
Hồ Bản Viết
Hồ Bản Viết là một hồ nước ngọt nằm ở xóm Bản Viết, Tân Phong, xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh, cách thác Bản Giốc khoảng 3km và cách trung tâm thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng khoảng 70km.
Hồ được cải tạo bởi con người từ những năm 1967, với diện tích lên tới 5ha, sâu 50m và trải dài hơn 6km để điều tiết nước tưới tiêu cho đất canh tác nông nghiệp của các xóm phía Nam xã Phong Châu và các xóm ở vùng lân cận như Pò Tấu, Lũng Nọi, Bản Hang và Chí Viễn.
Toàn cảnh Hồ Bản Viết ở xóm Bản Viết, xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Hà Cương/TTXVN phát) |
Hồ Bản Viết chia làm 4 nhánh và được bao bọc bởi những ngọn núi và thảm thực vật. Hệ sinh thái quanh hồ đa dạng, phong phú, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc và thơ mộng.
Hồ Bản Viết như tấm gương khổng lồ giữa núi rừng hùng vĩ, mặt nước màu xanh ngọc bích lấp lánh. Xung quanh là những cánh rừng sau sau ôm lấy hồ, mỗi mùa lại thay màu áo mới. Mùa Hạ rừng cây xanh thẳm, mùa Thu Đông lại khoác trên mình màu áo đỏ lãng mạn đẹp tựa trời Âu.
Hồ đẹp ở tất cả các thời điểm trong ngày nhưng đẹp nhất vào lúc sáng sớm, trên mặt hồ được bao phủ bởi lớp sương, bình minh lên với những tia nắng đầu tiên chiếu xuống mặt hồ trông mờ ảo. Hoặc đến khi chiều tà, ánh hoàng hôn buông xuống, mặt hồ xanh biếc gợn sóng lăn tăn phản chiếu những tia nắng lấp lánh.
Đến với hồ Bản Viết, du khách có thể ngồi trên bè mảng để tham quan cảnh đẹp bên hồ, hòa mình với dòng nước trong xanh, cảm nhận sự thư thái và bình yên. Ngoài ra, du khách có thể chọn cách đi bộ, len lỏi trong cánh rừng, lắng nghe tiếng chim hót, hít hà mùi hương của cỏ cây, tận hưởng bầu không khí trong lành của thiên nhiên.
Du khách cũng có thể thăm thú các bản làng và khám phá những ngôi nhà sàn của người Tày, Nùng sống bên hồ; tìm hiểu văn hóa bản địa và cuộc sống bình dị, mộc mạc của những con người nơi đây.
Hồ Khuổi Lái
Hồ Khuổi Lái cách thành phố Cao Bằng hơn 10km về phía Tây Nam theo hướng Quốc lộ 3. Hồ nhân tạo được xây dựng từ năm 1987, rộng trên 20ha, quanh năm nước trong xanh, phẳng lặng. Xung quanh hồ là những rừng cây xanh mướt, khí hậu trong lành, mát mẻ.
Hồ Khuổi Lái có cảnh đẹp như tranh. (Nguồn: baocaobang.vn) |
Hồ hình chữ “chi” chạy men theo những khe đồi. Độ rộng mặt hồ trung bình vài trăm mét, độ sâu hàng chục mét nên quanh năm nước trong xanh màu ngọc bích, cây cối um tùm, dù trời nắng nóng nhưng đến đây du khách có thể hưởng thụ sự mát lành.
Khu vực quanh hồ là những rừng cây tái sinh mọc xanh mát, tỏa bóng xum xuê và loại cây sau sau là đặc trưng nhất tạo điểm nhấn cảnh quan hồ bởi mùa nào cũng có vẻ đẹp riêng.
Rừng sau sau bên hồ chuyển màu đỏ, tím khi Đông về. (Ảnh: TTXVN phát) |
Nếu đến với hồ vào mùa Thu, du khách sẽ được ngắm rừng cây sau sau lá đỏ như rừng châu Âu; mùa Đông, cả cánh rừng trơ thân cây bạc phếch như rừng bạch dương. Mùa Hè, trong tiếng ve ran, cả rừng sau sau màu xanh non mơn mởn mát mắt.
Hồ chưa bị tác động bởi nhiều công trình nhân tạo, một số công trình nhỏ tạo cảnh quan hài hòa nên hồ Khuổi Lái là địa điểm lý tưởng cho những chương trình du lịch sinh thái, dã ngoại, cắm trại, câu cá… Du khách đến chơi có thể dùng thuyền dạo quanh hồ, tận hưởng không gian tuyệt vời của thiên nhiên./.
Nguồn: Báo xây dựng