Những quan niệm kiêng kị ngày Tết khác nhau trong mỗi gia đình

Trong 3 ngày Tết, rất nhiều phong tục, quan niệm kiêng kị được người Việt áp dụng để mong cầu cho một năm mới nhiều điều may mắn, an khang, thịnh vượng.

Theo quan niệm dân gian, đầu năm khai xuân, rước lộc vào nhà cho một năm thuận lợi, vạn sự như ý. Những điều được cho là đem lại sự xui xẻo như đổ vỡ, cãi vã xảy ra trong những ngày đầu năm sẽ khiến cả năm kém may mắn.

Chính vì vậy, trong dịp Tết Nguyên đán có rất nhiều điều cấm kị được dân gian truyền miệng.

Với quan niệm “Có thờ có thiêng, có kiêng cho lành”, cứ mỗi dịp chuẩn bị bước sang năm mới, chị Trần Minh Tuyết (Yên Bái) lại dặn dò các con về những điều không nên làm trong ngày đầu năm để tránh gây xui rủi.

“Trong những ngày đầu năm khi đi lễ chùa, gia đình mình luôn mua sẵn 2-3 chiếc bật lửa. Để lỡ có rơi chiếc này còn có chiếc khác thay thế mà không phải xin lửa từ người khác.

Theo quan niệm ông bà truyền lại, việc xin lửa, cho lửa đầu năm sẽ không may mắn. Lửa có màu đỏ, vàng, tượng trưng cho vượng khí, sự may mắn. Vậy nên đầu năm nhà tôi rất kiêng kị việc cho lửa và đi xin lửa”, chị Tuyết cho hay.

nhung quan niem kieng ki ngay tet khac nhau trong moi gia dinh
Người dân Việt Nam vẫn tin tưởng và thực hiện để có thể yên tâm chào đón năm mới (Ảnh: Nguyễn Anh Thao).

Dù điều kiện sống ngày nay đã có nhiều đổi khác, nhưng gia đình chị Tuyết vẫn giữ thói quen để dành áo mới mặc trong dịp đầu năm: “Mọi người thường cứ nghĩ ngày xưa đói ăn, thiếu mặc nên Tết mới có tấm áo mới để diện, ai cũng háo hức để được mặc áo mới.

Tôi nghĩ đây cũng chỉ là một phần lý do. Giờ cuộc sống không còn thiếu thốn nhưng tôi vẫn chuẩn bị cho cả nhà mỗi người một bộ quần áo mới chỉ để mặc vào lúc đón giao thừa và mùng một Tết.

Có lẽ không có nhiều nhà có quan niệm giống gia đình tôi. Tôi cho rằng, đầu năm không nên mặc áo cũ để tránh những điều không may từ năm cũ “ám” lại trong ngày đầu năm mới”.

Cũng giống như gia đình chị Tuyết, vợ chồng chị Quỳnh vẫn cẩn trọng, kiêng kị những điều không may mắn trong dịp Tết Nguyên đán.

“Nhà mình có một quan niệm, ngày đầu năm không nhắc đến “Tiền”. Nếu đầu năm đã vướng bận vì tiền nong thì cả năm sẽ đau đầu vì vấn đề này. Tiền lì xì họ hàng, người thân cho con cái mình sẽ để chúng giữ, qua Tết sẽ nói chuyện để cùng con tính toán lại cách sử dụng số tiền này sao cho hợp lý.

Lì xì là lộc may mắn, chỉ cần nhắc nhở con cái giữ gìn cẩn thận chứ không nên “lấy” lì xì của con trong ngày đầu năm. Vô tình lộc may lại trở thành cớ gây tranh cãi giữa bố mẹ và các con”, chị Quỳnh chia sẻ.

Bên cạnh đó, gia đình chị Quỳnh quan niệm, không nên đi chúc Tết trong sáng Mùng 1 vì không muốn “xông đất” nhà người khác. Theo văn hóa dân gian, người đầu tiên bước vào nhà trong năm mới sẽ ảnh hưởng nhất định đến tài vận của gia chủ. Vậy nên trong ngày đầu năm chị Quỳnh chỉ đến thăm nhà bố mẹ và họ hàng thân thích.

Chị Quỳnh cũng cho biết thêm, trong ngày Mùng 1 đầu năm chị sẽ kiêng không đánh thức người khác với quan niệm: “Nếu một người bị đánh thức trong ngày Tết sẽ khiến người đó cả năm nhận phải sự hối thúc, giục giã.

Vậy nên ngay từ đêm giao thừa mình thường dặn ông xã và các con sáng Mùng 1 chủ động dậy để không bị thúc giục dậy sớm, ảnh hưởng đến cả một năm.

Ngoài ra khi đi chúc Tết hàng xóm, bạn bè nếu gia đình họ đang nghỉ ngơi mình cũng sẽ âm thầm rời đi chứ không đánh thức vì lý do trên.

Không chỉ có gia đình chị Tuyết, chị Quỳnh kiêng kỵ những điều không may trong ngày đầu năm mà việc kiêng kỵ như một phần trong đời sống văn hóa, tinh thần người Việt.

nhung quan niem kieng ki ngay tet khac nhau trong moi gia dinh
Nhà Nghiên cứu Văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ (Ảnh: VNU).

Chia sẻ về vấn đề kiêng kỵ trong dịp Tết Nguyên đán, Nhà Nghiên cứu Văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ cho hay: “Người Việt ta xưa nay luôn quan niệm muốn “đầu xuôi, đuôi lọt” thì phải có một khởi đầu tốt đẹp. Chính vì vậy, những ngày đầu năm mới, người Việt luôn có những phong tục và những điều kiêng kị nhất định”.

Ngày xưa, những điều kiêng kỵ rất nhiều. Trong thời hiện đại có nhiều điều kiêng kị vẫn được lưu truyền. Dù được kiểm chứng hay không, người dân Việt Nam vẫn tin tưởng và thực hiện để có thể yên tâm chào đón năm mới.

Theo chuyên gia Nguyễn Hùng Vỹ, từ xưa tới nay người Việt vẫn quan niệm rằng, trước Tết phải trả hết các món nợ, không ai muốn để nợ dây dưa sang năm mới.

“Một phong tục trong dân gian mà ngày nay đã mai một hoặc bị hiểu lầm rất nhiều. Người xưa quan niệm “Ông bình vôi” trong nhà không được để “đói”, vì nếu “ông” đói thì cả gia đình năm sau cũng đói theo. Vậy nên câu “Cuối năm mua vôi” có nghĩa như vậy chứ không phải là mua vôi sơn nhà cho đẹp như vài từ điển giải thích. Ngày xưa, lấy đâu ra nhà xây để tô vôi”, chuyên gia Nguyễn Hùng Vỹ giải thích.

Cũng theo chuyên gia, đồ sắm cho lễ Tết phải tinh sạch, không để chỗ thấp, chỗ bẩn, đặt trên giường nằm. Đêm ba mươi, quanh nồi bánh chưng, người lớn dặn trẻ em ba ngày Tết không cãi cọ nhau, không văng tục, chửi bậy để cả năm xui xẻo.

Ba ngày Tết không được quét rác từ trong nhà ra khỏi cổng, vì của cải sẽ theo nhau mà đi hết. Quan niệm này được cuốn “Việt Nam phong tục” của tác giả Phan Kế Bính đã đề cập và giải thích bằng truyện kể cách đây hơn 100 năm.

Thậm chí, ngày Tết không được cả đánh chó chửi mèo, mà phải chăm chút nó như con người vậy…

“Nói chung, kiêng Tết là để giúp nhau giữ gìn điều lành, điều thiện. Tết là một dịp để “giáo dục gia đình” cho lớp trẻ. Tuy nhiên, những điều kiêng kị này không phải gia đình nào cũng áp dụng mà còn tùy thuộc vào quan niệm và tín ngưỡng riêng của từng người, từng gia đình.

Trong văn hóa Việt Nam và ở mỗi vùng miền khác nhau đều sẽ có những quan niệm, những điều kiêng kị trong 3 ngày Tết rất khác biệt. Vậy nên việc tìm hiểu về các tập tục ngày Tết sẽ giúp mỗi người biết cách cư xử sao cho tế nhị, tránh gây hiểu lầm, khó xử trong các mối quan hệ trong ngày Tết”, chuyên gia chia sẻ.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích