Tìm Tết ở trong mình
(Xây dựng) – Nhiều gia đình trẻ hiện nay có xu hướng đi du lịch vào dịp Tết Nguyên đán. Bạn bè tôi cũng không ít người sục sạo săn vé, đặt tour, book phòng để chuẩn bị cho hành trình trải nghiệm Tết ở những miền đất khác. Đó là cách nói mỹ miều. Đơn giản hơn người ta gọi là “trốn Tết”. Họ trốn Tết vì nhiều lẽ. Trong đó, không ít người cho rằng: Tết càng ngày càng nhạt, không còn nhiều niềm vui như Tết xưa. Có câu: “vui như Tết”, đã Tết là phải vui, phải được vui. Vậy thì ở đâu có niềm vui, có lẽ, ở đó là Tết. Du lịch mùa Xuân cũng là một cách thưởng thức Tết theo lối hiện đại.
Chúng tôi cũng là những người trẻ. Vì lập nghiệp xa quê hương nên Tết là dịp thuận lợi và ý nghĩa nhất trong năm để trở về. Bạn tôi đã có lần tính toán giữa một chuyến du lịch Tết với chi phí về quê và khẳng định: ki cóp quanh năm đôi khi không đủ cho mấy ngày Tết quê trong khi đi du lịch đỡ tốn kém hơn nhiều. Tiền có thể tính, có thể so. Nhưng nhiều thứ giá trị khác làm sao đo đếm được mà biết hơn – thua. Rõ ràng, Tết nay không thể giống như Tết xưa. Tết của thời buổi đất nước hiện đại hóa phải khác với Tết của những năm tháng cơ cực. Tết của người trưởng thành làm sao giống Tết của trẻ thơ… Đã có người tiếc nhớ ngẩn ngơ: Cứ thế này rồi Tết cổ truyền cũng mất. Đã có người đề nghị: Bỏ Tết cổ truyền để chuyển sang Tết tây cho đúng tinh thần toàn cầu hóa… Những điều ấy không phải là không có lý do.
Tôi không nhớ mình đã đọc ở đâu một câu nói của nhà thơ, đại ý là: bớt kêu ca và quay quắt đòi hỏi mọi thứ phải theo ý mình. Muốn tìm gì, hãy nhìn từ bên trong trước đã. Theo lẽ đó, mỗi chúng ta cũng nên tìm Tết ở trong mình. Cuộc sống thay đổi từng ngày từng giờ nhưng có những giá trị chạm khảm vào tiềm thức không thể lu mờ. Bữa cơm đoàn viên chiều ba mươi ấm cúng trong mùi nhang Tết ngọt nồng quyện gió se; tiếng nói cười rộn rã chúc nhau những điều tốt đẹp; phút rộng mở xí xóa những tị hiềm để bắt tay hòa ái; khoảnh khắc nhìn cánh hoa thanh tân mà rạo rực hy vọng… Những điều ấy không phải là thói quen. Nó luôn là sự tươi mới trong thân thuộc, là nét văn hóa được gìn giữ giữa biến thiên cuộc sống.
Ngày đi học, đọc Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ, tôi đã thích thú vô cùng màu Tết vừa cổ điển, vừa tưng bừng; rất đậm đà mà lại tươi mát. Khi có dịp tìm hiểu về Tết trong những sáng tác của Vũ Bằng lại thấy nó hết sức trang nhã và quá đỗi phong tình. Rồi nhiều, nhiều màu Tết sống động khác được ghi bằng tất cả tình yêu, sự thiết tha, nồng nhiệt trong huyết quản của người cầm bút. Và hẳn mỗi chúng ta, ai cũng có những dư vị Tết rất Việt Nam. Đọc Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính không khó để nhận ra được cái nhìn mới mẻ về Tết cổ truyền ở thời điểm đầu thế kỷ XX. Những phong tục, thủ tục, quan niệm ngày Tết xưa đến nay đã khác nhiều song cái cốt lõi là tinh thần Tết thì chưa bao giờ nhạt. Còn biết đến cội nguồn, còn thiết tha được sống, được đón nhận những khởi đầu thì lo gì mất Tết.
Những đứa trẻ của chúng tôi vẫn cứ chờ đợi dịp cuối năm thế này. Chúng rất thích được đi tàu hỏa về quê. Những chuyến tàu Tết rộn ràng. Những sân ga huyên náo, chật chội bày biện đủ thứ hàng hóa. Những hành khách vừa tất bật vừa hồ hởi. Những suối sông, đồi núi bừng thức sau đông dài. Đến đâu, cũng có những phong vị rất riêng, lạ mà quen của Tết. Qua mỗi điểm dừng, chúng tôi cùng nhau đếm các ga còn lại. Hành trình nào có dài như người ta ái ngại. Những cuộc gọi gần ngày về của ba mẹ tôi bao giờ cũng là lời căn dặn tỉ mỉ việc đi đứng cho dù các con đã trưởng thành. Có lẽ ông bà đếm từng ngày để gặp con cháu. Tôi tự hỏi, với những người già như ba mẹ, tìm Tết ở đâu để “vui như Tết”? Có phải họ tìm Tết nơi những người trẻ mà họ trông ngóng với tất cả yêu thương
Tôi gặp lại những dòng này khi dọn máy tính sau một năm sấp ngửa làm việc online. Trùng hợp thay, nó xuất hiện vào thời điểm Tết Nguyên đán cận kề. Một năm bất ổn, một năm đau thương khép lại. Những biến động dữ dội của cuộc sống đã dạy ta bài học quý giá về sự thích ứng, cho ta thấm thía hạnh phúc từ những điều giản dị, bình thường. Đã không ít chuyện xưa nay vẫn nghĩ là bình thường lại trở nên khó thế. Tết này, sẽ là Tết đầu tiên chúng tôi không được sum vầy bên ba mẹ. Có những nghẹn ngào cố giấu khi ai đó hỏi: “Tết, có về quê không?”. Sao câu trả lời nào cũng thấy lần khần, day dứt với chính mình quá. Ba mẹ đã khéo chặn từ trước: “Đừng về! Một năm không về cũng không sao.”; “Đừng về! Nguy hiểm, phiền phức lắm đó con!”… Sau những mệnh lệnh quyết liệt ấy, là rất nhiều nhớ thương, mong mỏi phải đè nén. Tôi thường lái câu chuyện sang hướng khác, nói mấy điều vui vẻ, lạc quan, vu vơ để tránh những run rẩy lòng mình. Trong muôn trùng kí ức, hình ảnh những cuộn khói cố bay lên giữa lất phất mưa phùn những ngày Chạp cuối, những mẻ mứt gừng ngọt ngào, nồng nàn mẹ đảo liên tục trên chảo gang, nồi lá xông tẩy uế nghi ngút chiều ba mươi… trở về nức nở. Cuối ngày, ba thường ngồi ở hiên nhà, duỗi một chân xuống tam cấp, pha ấm trà, lặng lẽ với chiếc bóng đổ dài nhìn ra đường xóm. Mẹ thì bận bịu sửa soạn bếp núc, quên cái này nhớ cái kia, loay xoay một lúc rồi ngẩn ngơ nhận ra: Tết này, thiếu thật! Tôi đã nhiều lần hình dung cảnh ấy khi cân nhắc chuyện về Tết. Vì thế nên quyết định ở lại rồi mà lòng vẫn dùng dằng, chới với. Giữa những bủa xua tin tức dịch bệnh, nhìn lại tháng năm qua, tôi hiểu rằng, hạnh phúc lớn lao nhất của chúng tôi đến thời điểm này là sự bình an của tất cả người thân. Cũng có nghĩa là chúng tôi còn cơ hội để quây quần, cơ hội để tìm lại những điều mình đã lỡ nhịp, cơ hội để được bắt đầu. Suy nghĩ ấy nhen lên niềm hân hoan bé nhỏ. Chúng tôi sẽ cùng nhau đợi Tết, đón Tết, cảm nhận điều thiêng liêng của Tết ở trong tim mình…
Nguồn: Báo xây dựng