Mùi của Bà

(Xây dựng) – Mùi của bà là mùi đất ải, mùi ngô khoai sắn, mùi trầu cau, mùi của rau mùi rau diếp… là mùi của làng quê vùng chiêm trũng, mùi của bình an, yêu thương và che chở, để mỗi khi ta mệt mỏi, được trở về nương tựa.

mui cua ba

Ngày lạnh giá cuối năm, khi cơn gió lạnh len lỏi vào từng con ngõ nhỏ khiến phố xá trở nên xám xịt, tôi ngồi co ro ở quán cafe trên một con phố tấp nập. Bất chợt, mùi son phấn, nước hoa, mùi thuốc lá, cafe… quyện vào nhau, chẳng có mùi nào rõ rệt. Đó là mùi thành thị, thứ mùi hào nhoáng và xa hoa ấy khiến không ít người mê đắm. Tôi lạc lõng như người đang “ở trọ” chốn này, thốt nhiên tôi nhớ đến mùi của bà.

Bà là người nhà quê, sinh ra trong một gia đình giàu có. Bà cũng được cha mẹ cho học dăm ba con chữ, đủ để viết cho tròn tên mình, nhưng bà thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ. Có những đêm rằm mùa hè tháng 6, trăng sáng vằng vặc chiếu vào khung cửa sổ hẹp, gió mát hiu hiu, tôi được bà gãi lưng và hát ru:

Quê tôi có gió bốn mùa/ Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm/ Chuông hôm gió sớm trăng rằm/ Chỉ thanh đạm thế âm thầm thế thôi/ Mai này tôi bỏ quê tôi/ Bỏ trăng bỏ gió chao ôi bỏ chùa…

Những đêm ông đi không về, bà nằm ôm tôi và hát ru. Tiếng ru khi ấy nghe không thanh thoát mà cứ nghẹn lại nơi cuống họng: Bước chân vào ngõ tre làng/ Lòng buồn nặng trĩu nghe nàng ru con/ Bước lên thềm đá rêu mòn/ Lòng buồn nặng trĩu nghe buồn võng đưa.

Tôi nằm cuộn tròn trong lòng bà, hít căng lồng ngực mùi thơm phả ra từ tóc, từ người bà mà ngủ lúc nào không hay. Tôi bện hơi bà đến mức, tôi sẽ không thể ngủ được, nếu không có bà nằm cạnh. Có bận bà đi sang nhà cô tôi mấy ngày để chăm cô tôi đẻ, tôi trằn trọc cả đêm, cuối cùng, tôi phải ôm chiếc áo gụ của bà mà hít hà mới ngủ được.

Những đêm đông rét ngọt, đêm nào bà cũng ngồi đun một nồi cám lợn thật to, tiện thể bà vùi luôn mấy củ khoai lang. Khi tôi học bài xong, bà sẽ gọi tôi xuống bếp và bóc khoai cho tôi ăn. Đêm đến, gió mùa đông thổi rít từng cơn buốt giá ngoài cửa sổ, bà thường đắp thêm một cái chiếu cói lên người hai bà cháu cho ấm, tôi rúc vào lòng bà, khi ấy, cả người bà mang mùi thơm của khói bếp, của khoai sắn, ấm sực khiến tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ bình an, ấm áp.

Cứ vào cữ tháng sáu, bà bắt đầu mang nong ra phơi đậu làm tương. Tương của bà được làm từ nếp cái hoa vàng và đậu tương, nước mưa và muối trắng. Đậu tương là loại đậu hạt nhỏ, màu vàng nhạt. Khi chọn được gạo, đậu tương vừa ý, bà mới bắt đầu thổi xôi để làm mốc và rang đậu để làm nước đậu. Xôi được bà thổi chín, hạt xôi còn nguyên hình gạo thì mới lên men mốc. Xôi chín đem phơi ra nong để vài ngày, thi thoảng bà lại ra đảo lên và bóp tơi lên, mốc rồi đưa vào ủ. Ủ khoảng 5 – 6 ngày, mốc gạo nhừ như là chè kho thì bắt đầu đưa vào chum sành để muối.

mui cua ba

Còn đậu tương bà rang chín vàng, chà hết vỏ rồi cho vào xay vỡ, đem ninh đậu vỡ khoảng vài chục phút, để nguội rồi cho vào chum. Cứ 2 ngày bà lại mở ra kiểm tra một lần. Khi nào thấy đậu chìm xuống, nước nổi lên bà mới trộn men mốc vào đậu, thêm một lượng men rồi mang xay, sau đó cho vào chum phơi nắng, phơi càng lâu càng được con nắng, tương càng vàng sánh và thơm.

Tương của bà làm thường có màu vàng sánh, vị ngọt thanh và mang hương thơm đậm đà, rất riêng biệt, đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa tìm được hương vị tương nào ngon như tương của bà làm.

Suốt những mùa làm tương ấy, người bà lúc nào cũng mang một mùi thơm đặc biệt, mùi của cơm nếp, mùi của tương, mùi của men rượu, mùi của khói bếp, mùi của mồ hôi… quện lẫn vào nhau khiến cho cả khoảng sân và chái bếp thơm suốt cả mùa hè.

Mùi Tết của bà mới thật đặc biệt! Chiều 30 Tết, năm nào cũng thế, bà đun một nồi to lá mùi già, rồi âm ỉ để trên bếp trấu, ai đi về thì tắm gội rửa mặt, bà bảo để tẩy uế và xua đi những điều đen đủi trong năm qua. Đêm ba mươi, lũ trẻ chúng tôi ngồi quanh nồi bánh chưng, vừa sưởi ấm, vừa chờ đón giao thừa. Khi nào bà cũng gói những chiếc bánh chưng nhỏ xinh bé tý tẹo cho bọn tôi bóc ăn trước. Chúng tôi chí chóe tranh nhau ăn trong ngôi nhà nghi ngút khói hương trầm, quyện lẫn mùi của bánh gạo nếp, mùi của lá dong, mùi của thịt quay, gà luộc… mùi của sự no đủ và ấm cúng.

Những ngày nhà nông nhàn ít việc, bà ngồi bên hiên nhà têm trầu. Miệng bà vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa kể chuyện cổ tích cho tôi nghe, trong tiếng gió mùa thu thổi xào xạc, nơi bụi tre già phảng phất mùi trầu cau trong gió chiều. Thấy tôi mắt riu riu buồn ngủ bà bèn hát ru câu đồng dao: Em thời đi cấy ruộng bong/ Anh đi cắt lúa để chung một nhà/ Đem về phụng dưỡng mẹ cha/ Muôn đời tiếng hiếu người ta còn truyền.

Tôi lên thành phố học. Hành trang mang theo bên mình là cả bầu trời ký ức về mùi thơm của bà, mùi của sự bình an, mùi của sự yêu thương và tần tảo.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích