Hát về Hải Dương
(Xây dựng) – “Hải Dương ơi!; Người xứ Đông hiếu nghĩa, ân tình; Bánh gai Ninh Giang thơm ngọt; Vải thiều Thanh Hà chín mọng vườn quê”. Đây là đoạn cao trào trong bài hát mới toanh của thi – nhạc sỹ Tào Khánh Hưng về “tỉnh Đông” – nay là Hải Dương yêu dấu.
Miền quê từng sở hữu hàng trăm cây số bờ biển, lại núi non hiểm trở nghìn trùng miền Đông – Bắc đất nước, chính là đất sinh “vua” đầu tiên cõi Nam này sau ngàn năm Bắc thuộc. Dẫu hiện nay Hải Dương không còn một mét bờ biển nào, “Trấn Đông kinh” (phía Đông kinh thành Thăng Long) vẫn còn vọng mãi bao khúc ca dựng nước.
Tào Khánh Hưng viết ca khúc “Hải Dương quê em” bằng hai nguồn tư liệu và cảm xúc: Cứ liệu lịch sử truyền thống cùng thực tiễn thời đại của vùng đất “đệ nhất địa linh nhân kiệt” cả nước. Nên hồn thiêng dân tộc được tô thắm đẹp như một bức tranh “sơn thuỷ hữu tình”, lại vừa hào hùng, da diết. Vì thế, từ lời ca đến nét nhạc, đã chuyển tải được khá đầy đủ cuộc mưu sinh mới trong dòng thác phát triển để công nghiệp hoá, hiện đại hoá một “tỉnh Đông cổ xưa”
Mở đầu bài hát là những ca từ thuộc loại đẹp nhất dành cho thắng cảnh Côn Sơn – nơi Bác Hồ dù bộn bề trăm công ngàn việc giữa những ngày chống Mỹ – cứu nước gay cấn và ác liệt, vẫn về đây đọc lại sử vàng cha ông.
“Tháng Giêng quê em mở hội/ Lên Côn Sơn nghe mùa Xuân thổn thức/ Sương mờ xa, thông reo, rì rào suối hát/ Mây bồng bềnh trôi trong ngút ngàn xanh”.
Đọc xong khổ thơ này, tôi ngỡ ngàng với lốt kết cấu “phi truyền thống”; nhưng tứ thơ, hình ảnh thơ lại đượm chất dân gian. Điều này chỉ có thể ở thơ lục bát, hoặc vài lối thơ cổ truyền khác như song thất lục bát, bát ngôn, thất ngôn, lục ngôn… Câu thơ đầu tiên “Tháng Giêng quê em mở hội” là 6 chữ (lục ngôn), 3 câu tiếp theo lại “bát ngôn”. Nó không thuộc một thể thơ khuôn mẫu nào cả. Có thể gọi nôm na đây là lối thơ… “tự do”.
Bằng những hình ảnh “Tháng Giêng quê em mở hội”, “Lên Côn Sơn nghe mùa xuân thổn thức”, “Sương mờ xa, thông reo, rì rào suối hát”, “Mây bồng bềnh trôi trong ngút ngàn xanh”… thì rõ đúng như một khúc dân ca (sâu lắng của chèo, dìu dặt của quan họ, mượt mà của chầu văn).
Tác giả Tào Khánh Hưng rất tinh, khi mô tả cảnh Côn Sơn bằng những nét riêng về lễ hội, thiên nhiên nhuốm màu linh thiêng của Thiền phái Trúc Lâm nguyên sơ (100% Côn Sơn – Yên Tử): Hội đền Côn Sơn, mùa Xuân Côn Sơn, sương mờ Côn Sơn, ngút ngàn thông xanh Côn Sơn, suối reo róc rách Côn Sơn… Ý thơ cùng nét nhạc dìu dặt, khoan thai chẳng khác khúc chèo xứ Đông: mênh mang Lục Đầu giang, lắng đọng chuông chùa Nguyễn Trãi, u trầm chốn thiêng văn miếu Mao Điền.
“Dâng hương hoa chiêm bái bậc anh tài/ Thầy giáo Chu Văn An, sao khuê Nguyễn Trãi/ Vạn Kiếp lừng danh Hưng Đạo Đại Vương/ Khúc Thừa Dụ dựng nước đất Hồng Châu”.
Đây là đoạn tráng ca về tầm cao lịch sử ngàn năm dựng nước, mà khởi thuỷ là Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ – ông “Vua” đầu tiên của một Nhà nước Tập quyền (nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước thể hiện việc tập trung vào tay một người, đó là “Tiết độ sứ“).
Ở phần đầu bài tôi đã viết: “Hải Dương là vùng đất đệ nhất địa linh nhân kiệt của cả nước”. Những câu thơ (ca từ) sau: “Dâng hương hoa chiêm bái bậc anh tài/ Thầy giáo Chu Văn An, sao Khuê Nguyễn Trãi/ Vạn Kiếp lừng danh Hưng Đạo Đại Vương”, càng rõ thêm vùng đất “đệ nhất địa linh nhân kiệt” này.
Trên núi Phượng Hoàng thuộc huyện Chí Linh (núi Phượng Hoàng nay thuộc phường Văn An, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương), có lăng cùng đền thờ vị Thuỷ sư Chu Văn An.
“Sao Khuê Nguyễn Trãi”. Nguyễn Trãi, hiệu là Ức Trai, là nhà chính trị, nhà văn, người đã tham gia tích cực Khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại sự xâm lược của nhà Minh với Đại Việt.
“Vạn Kiếp lừng danh Hưng Đạo Đại Vương”: Hưng Đạo Đại Vương – nhà chính trị, nhà quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần; chỉ huy quân đội đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông năm 1285 và năm 1288.
“Hải Dương ơi!/ Người xứ Đông hiếu nghĩa, ân tình/ Bánh gai Ninh Giang thơm ngọt/ Vải thiều Thanh Hà chín mọng vườn quê/ Đậm vị hương bánh đậu xanh quê mình/ Gốm Chu Đậu hồi sinh khúc hoan ca/ Xi măng Hoàng Thạch lừng danh những công trình/ Đại An áo thợ dệt gấm, thêu hoa/ Nam Sách mênh mang, sóng lúa dạt dào…”.
Đây là trường đoạn thứ 2 của bài hát. Là bức tranh sinh động của Hải Dương ngày mỗi ngày “thay da đổi thịt”, là “trung tâm kinh tế trọng điểm” của cả vùng tả ngạn sông Hồng”.
Câu chuyện ngỡ như thần kỳ của nghề gốm Chu Đậu – một làng nghề cổ xưa thuộc huyện Nam Sách, từng lừng danh khắp năm châu bốn biển, bỗng dưng mất tiếng theo những con tàu chìm đắm ngoài biển khơi suốt 4 – 5 thế kỷ. Rất may là vài chục năm nay, Hải Dương đã và đang “phục hưng” lại làng nghề độc đáo này. Gốm Chu Đậu không những chỉ “sống lại”, mà còn thành công khi vươn tới tầm cao của gốm Chu Đậu danh tiếng thuở trước (thế kỷ XII – XVII), đáp ứng sự mong mỏi của đông đảo khách hàng trong và ngoài nước.
“Xi măng Hoàng Thạch lừng danh những công trình/ Đại An áo thợ dệt gấm, thêu hoa/ Nam Sách mênh mang, sóng lúa dạt dào…”.
Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch (nay là Công ty TNHH Một thành viên VICEM Hoàng Thạch) được khởi công xây dựng vào ngày 19/5/1977, là một trong 3 nhà máy quy mô lớn nhất miền Bắc, nhưng công nghệ và chất lượng luôn đứng đầu cả nước (thập niên 80, miền Bắc còn có 2 nhà máy lớn khác nữa là Xi măng Bỉm Sơn xây dựng năm 1980 và Xi măng Hải Phòng từ thời Pháp).
Tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Nam Định… luôn là “vựa lúa” (“mênh mang sóng dạt dào”). Nhưng phải nói những cánh đồng lúa cho cao sản và các loại gạo ngon bậc nhất đồng bằng Bắc bộ, thì Nam Sách là nổi trội hơn cả. Nên tác giả Tào Khánh Hưng mới có câu thơ hào phóng: “Nam Sách mênh mang sóng lúa dạt dào…”.
“Đại An áo thợ dệt gấm, thêu hoa” – Khu công nghiệp có sự góp mặt của các doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề từ cơ khí lắp ráp, sản xuất hàng tiêu dùng, phụ tùng, công nghệ dệt cho đến các sản phẩm nông nghiệp, chế biến thực phẩm.
“Hải Dương ơi!/ Người xứ Đông hiếu nghĩa, ân tình/ Bánh gai Ninh Giang thơm ngọt/ Vải thiều Thanh Hà chín mọng vườn quê/ Đậm vị hương bánh đậu xanh quê mình”.
“Cách đây trên 50 năm, tôi là một thầy giáo trẻ mới ra trường, được về dạy học tại Trường cấp 3 huyện Ninh Giang (nay là THPT Ninh Giang). Ngày ấy trường sơ tán về thôn Thượng Xá, xã Hồng Dụ. Tôi ở trọ trong nhà cụ Cách (tên thật thì tôi không biết, có lẽ đây là “tục danh” gọi theo tên chồng hoặc con trai đầu của cụ?). Năm 1971 – 1972, cụ Cách đã ngoài 70 tuổi. Cụ hiền lành, phúc hậu lắm. Trong nhà, còn có bà con dâu, tên là Nguyễn Thị Lưu cùng 4 đứa cháu nội: 3 gái đầu và 1 trai út mới chừng 3 – 4 tuổi. Tôi được bà cụ xếp cho sinh hoạt ngay trong buồng bên trái của ngôi nhà lợp toóc, tường trình đất sét – cái buồng sang nhất nhà.
Sáng sớm mỗi ngày, mở mắt ra, tôi đã thấy trên bàn làm việc của mình, cụ Cách đặt sẵn tích nước chè xanh ủ trong giỏ tre, cùng đĩa khoai luộc 3 – 4 củ. Cụ và con cháu đối đãi với “ông giáo” đặc biệt như vậy.
Hải Dương cũng nức tiếng những sản vật: “Bánh gai Ninh Giang thơm ngọt/ Vải thiều Thanh Hà chín mọng vườn quê/ Đậm vị hương bánh đậu xanh quê mình” – có mặt trên toàn đất nước.
Hải Dương nay đang như “chàng Phù Đổng” xưa:
“Hải Dương ơi, hôm nay bừng lên sức trẻ/ Bên sông Kinh Thầy nhà máy dựng xây/ Hải Dương thênh thang con đường đổi mới/ Để quê mình nối tiếp những chiến công…”!
Hải Dương quê em Tào Khánh Hưng Tháng Giêng quê em mở hội Lên Côn Sơn nghe mùa Xuân thổn thức Sương mờ xa, thông reo, rì rào suối hát Mây bồng bềnh trôi trong ngút ngàn xanh Dâng hương hoa chiêm bái bậc anh tài Thầy giáo Chu Văn An, sao khuê Nguyễn Trãi Vạn Kiếp lừng danh Hưng Đạo Đại Vương Khúc Thừa Dụ dựng nước đất Hồng Châu Hải Dương ơi! Người xứ Đông hiếu nghĩa, ân tình Bánh gai Ninh Giang thơm ngọt Vải thiều Thanh Hà chín mọng vườn quê Đậm vị hương bánh đậu xanh quê mình Hải Dương ơi! Gốm Chu Đậu hồi sinh khúc hoan ca Xi măng Hoàng Thạch vang danh những công trình Đại An áo thợ dệt gấm, thêu hoa Nam Sách mênh mang, sóng lúa dạt dào… Hải Dương ơi, hôm nay bừng lên sức trẻ Bên sông Kinh Thầy nhà máy dựng xây Hải Dương thênh thang con đường đổi mới Để quê mình nối tiếp những chiến công. |
Nguồn: Báo xây dựng