Cổ phiếu BĐS phân hóa trở lại ở phiên 10/8, SSH tăng trần 5 phiên liên tiếp
Phiên giao dịch ngày 10/8, các chỉ số chứng khoán tiếp tục tăng điểm tuy nhiên, đà tăng đều chỉ ở mức thấp. Các chỉ số mở cửa với mức tăng khá mạnh trước sự bùng nổ của nhiều nhóm cổ phiếu như phân bón, cảng biển, vận tải biển hay đầu tư công. Tuy nhiên, áp lực bán xuất hiện và khiến đà tăng bị thu hẹp lại. VN-Index có thời điểm còn bị lùi xuống dưới mốc tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu dầu khí là tâm điểm của thị trường ở phiên này và có đóng góp lớn giúp các chỉ số đi lên. Trong đó, GAS tăng 3,2% lên 96.000 đồng/cp, PVD tăng 6,5% lên 19.600 đồng/cp, PVS tăng 7,5% lên 27.200 đồng/cp… Bên cạnh đó, VNM, PLX, MBB, SHB, VCB… là các cổ phiếu biến động tích cực giúp giữ sắc xanh của các chỉ số. Trong đó, VNM tăng 1,9% lên 89.400 đồng/cp, SHB tăng 1,4% lên 29.500 đồng/cp.
Chiều ngược lại, các cổ phiếu lớn như MSN, BVH, MBB, VPB, KDC… biến động tiêu cực và tác động xấu đến các chỉ số. Trong đó, MSN giảm 1,8% xuống 128.500 đồng/cp, BVH giảm 0,9% xuống 53.400 đồng/cp, KDC giảm 0,7% xuống 61.100 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu bất động sản phân hóa trở lại trong phiên 10/8 sau chuỗi tăng tốt trước đó. Tuy nhiên, các mã vốn hóa lớn thuộc nhóm này biến động có phần tiêu cực và tác động không tốt đến các chỉ số. Trong đó, BCM giảm đến 2% xuống 45.850 đồng/cp, NVL giảm 1,3% xuống 104.600 đồng/cp, VRE giảm 0,9% xuống 28.350 đồng/cp, PDR giảm 0,7% xuống 92.900 đồng/cp, VHM và VIC giảm lần lượt 0,3% và 0,1%.
Bên cạnh đó, khá nhiều mã bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ thanh khoản cao cũng giảm giá như CEO, TDH, SZC, KBC, AMD, VCR, DIG… Trong đó, KBC giảm 1,9% xuống 35.800 đồng/cp. Theo báo cáo tài chính mới được công bố, KBC báo lãi ròng quý II/2021 34,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 2,9 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này lãi ròng 633,6 tỷ đồng gấp 12 lần cùng kỳ năm trước.
Ở hướng ngược lại, nhiều cổ phiếu bất động sản khác vẫn giao dịch tích cực, trong đó, SSH vẫn tăng trần lên 52.600 đồng/cp, đây cũng là phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp của cổ phiếu này kể từ khi giao dịch trên sàn UPCoM hôm 4/8. Như vậy, giá cổ phiếu SSH đã gấp 2,4 lần giá chào sàn.
Hai mã PTl và LEC cũng đều được kéo lên mức giá trần. BII tăng 8,5% lên 10.200 đồng/cp, HPX tăng 6,3% lên 33.700 đồng/cp, HDG tăng 2,1% lên 58.500 đồng/cp. Trong khi đó, DXS đứng ở mức giá tham chiếu. Theo BCTC quý II/2021, doanh nghiệp này lãi sau thuế đạt 311 tỷ đồng, tăng 65% so với quý II năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 654 tỷ đồng, tăng 98% so với nửa đầu năm 2020.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,57 điểm (0,19%) lên 1.362,43 điểm. Toàn sàn có 217 mã tăng, 157 mã giảm và 50 mã đứng giá. HNX-Index tăng 4,4 điểm (1,33%) lên 335,08 điểm. Toàn sàn có 141 mã tăng, 81 mã giảm và 62 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,15 điểm (1,29%) lên 90,53 điểm.
Thanh khoản thị trường cải thiện với tổng giá trị khớp lệnh tăng 5% so với phiên trước và ở mức hơn 26.750 tỷ đồng.
Khối ngoại quay trở lại bán ròng 570 tỷ đồng trên toàn thị trường phiên này, trong đó, VIC, NVL, KBC, VRE và KDH là các mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại. Trong khi đó, VHM tiếp tục được mua ròng mạnh nhất với giá trị 388 tỷ đồng.
Theo phân tích của CTC Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index tăng nhẹ trong phiên thứ hai liên tiếp với thanh khoản khớp lệnh gia tăng so với phiên trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên, kết hợp với mẫu hình nến ở phiên 10/8 thì có thể thấy là bên mua và bên bán đã giằng co trong vùng giá hiện tại. Trên góc nhìn kỹ thuật, với phiên tăng ngày 9/8 thì VN-Index đã vượt qua được vùng target của sóng hồi b và nếu tiếp tục tăng điểm với động lượng tốt thì sẽ mở ra cơ hội tiến tới ngưỡng tâm lý quanh 1.400 điểm. Theo đó, trong phiên giao dịch 11/8, thị trường tiếp tục có xu hướng giằng co giữa bên mua và bên bán tại vùng giá hiện tại.