Trạm Tấu (Yên Bái): Du lịch – kinh tế mũi nhọn
(Xây dựng) – Xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đang kêu gọi thu hút đầu tư vào du lịch trọng điểm, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trú, đáp ứng mọi nhu cầu của du khách.
Trạm Tấu mang nhiều đặc điểm thuận lợi để phát triển du lịch. |
Miền đất có khí hậu giao hòa
Trạm Tấu là huyện vùng cao nằm phía Tây của tỉnh Yên Bái, cách trung tâm tỉnh lỵ 114 km; cách Thủ đô Hà Nội trên 200 km. Tổng diện tích tự nhiên là 74.670,6 ha; dân số trên 35 nghìn người. Toàn huyện có 12 xã, thị trấn, dân tộc Mông chiếm trên 79%, còn lại là các dân tộc khác.
Với độ cao trung bình 800 m so với mặt biển, nằm trong dãy núi Hoàng Liên Sơn; các khối núi nằm trong Trạm Tấu đều rất cao, trong đó, cao nhất là đỉnh Tà Chì Nhù, xã Xà Hồ có độ cao 2.979 m; tiếp đến là đỉnh Tà Xùa, xã Bản Công cao 2.865 m… phù hợp với du lịch ưa mạo hiểm, trải nghiệm. Do địa hình núi cao nên khí hậu ở Trạm Tấu có đặc điểm riêng biệt của khí hậu vùng Tây Bắc.
Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện: 1 tuyến đường tỉnh lộ ĐT 174 nối huyện Trạm Tấu với thị xã Nghĩa Lộ dài 30 km; 14 tuyến đường cấp huyện dài 129,7 km; 41 tuyến đường xã, liên xã dài 174,2 km; còn lại trên 600 km là đường dân sinh các loại đi xã Phình Hồ – Làng Nhì – Bản Mù – thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu với quy mô đường cấp VI miền núi.
Nhiều tiềm năng phát triển du lịch
Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ thì trữ lượng nước ngầm trên địa bàn huyện khá dồi dào. Huyện có nguồn nước khoáng nóng tại thị trấn Trạm Tấu với tổng độ khoáng hóa 1 – 3,3 g/lít, nước thuộc nhóm Sunfat Canxi-Magiê có hàm lượng Silic và lưu huỳnh cao, nhiệt độ trung bình của dòng nước ở đây từ 43 – 450C có tác dụng chữa bệnh tốt.
Tiềm năng du lịch mạo hiểm, khám phá, trải nghiệm: Với độ cao 2.865 m; là đỉnh núi cao thứ 10 của Việt Nam, đỉnh Tà Xùa còn được mệnh danh là “sống lưng khủng long”. Đường lên đỉnh Tà Xùa bắt đầu từ bản Tà Xùa xã Bản Công, từ trung tâm huyện vào thôn Tà Xùa với quãng đường 7 km, lên tới đỉnh cao nhất sẽ mất khoảng 8 tiếng đi bộ và chỉ có một con đường đất duy nhất có độ dốc rất lớn.
Tà Chì Nhù là tên gọi của một đỉnh núi thuộc khối núi Pú Luông của dãy núi Hoàng Liên Sơn, thuộc địa phận xã Xà Hồ cách trung tâm huyện 24,5 km; có độ cao 2.979 m so với mực nước biển và là đỉnh cao thứ 6 của Việt Nam.
Tiềm năng du lịch cộng đồng tại chòm Cu Vai, thôn Háng Xê, xã Xà Hồ: Tiềm năng về văn hóa và con người ở Trạm Tấu vừa phong phú, vừa độc đáo là điều kiện thuận lợi và là nguồn lực to lớn để phát triển du lịch cộng đồng – hình thức du lịch phát huy tối đa tiềm năng của con người Trạm Tấu.
Đến với Trạm Tấu, chúng ta có thể tìm hiểu thêm về kho tàng văn hóa phong phú của các dân tộc Mông, Thái… nghệ thuật múa xòe, lễ hội và trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, đẩy gậy cùng với các sản phẩm truyền thống như vải thổ cẩm, các sản phẩm mây tre đan, dao Mông, khèn Mông và các sản phẩm ẩm thực khác.
Thu hút đầu tư vào du lịch
Huyện Trạm Tấu có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, một số địa điểm nổi bật như: Đồi chè Shan tuyết cổ thụ Phình Hồ, thác Háng Đề Chơ và ruộng bậc thang…
Ở đồi chè Shan tuyết cổ thụ Phình Hồ, cây chè phát triển hoàn toàn tự nhiên, sống ở độ cao từ 900 – 1.500 m so với mực nước biển, khí hậu ôn hòa, chắt lọc tinh tuý của đất trời, tạo nên một loại chè thơm ngon tinh khiết. Thác Háng Đề Chơ (xã Làng Nhì) nằm ở độ cao khoảng 1.800 m so với mực nước biển, thác Háng Đề Chơ được đánh giá là ngọn thác hùng vĩ nhất và hung hiểm bậc nhất Tây Bắc, đặc biệt hoang sơ và là nơi chưa chịu tác động bởi dấu chân du lịch, nhưng lại rất nổi tiếng với cộng đồng phượt đến khám phá.
Hình ảnh những cánh đồng ruộng bậc thang: Cánh đồng Tàng Ghênh, làng Kè xã Bản Mù (khoảng 190 ha); Tà Xùa xã Bản Công (khoảng 20 ha); Tàng Ghênh xã Xà Hồ (khoảng 60 ha); Na Phang, Hát 1, Hát 2, Lừu 1, Lừu 2 xã Hát Lừu (khoảng 200 ha) và dọc trục đường Tỉnh lộ 174… mang đậm nét đặc thù của phương thức canh tác huyện vùng cao; dưới bàn tay khéo léo, cùng với sự cần cù, người nông dân đã tạo ra tuyệt tác như bức tranh thủy mặc khổng lồ vào mùa nước đổ, và uốn lượn như những đợt song; rồi vàng rực, sung túc, đầy đủ vào mùa lúa chín.
Xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đang kêu gọi thu hút đầu tư vào sản phẩm du lịch trọng điểm, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trú, cũng như đáp ứng nhu cầu của du khách…
Nguồn: Báo xây dựng