Giữ lửa âm nhạc cổ truyền trong dòng chảy hiện đại
Nhạc cổ truyền Việt Nam là loại nhạc có lịch sử lâu đời, là âm nhạc mang nét đặc trưng của các dân tộc Việt. Đó không chỉ là cả một kho tàng văn hóa đồ sộ, phong phú mà còn là bản sắc văn hóa của đất nước, được đúc kết trải dài hàng chục thế kỷ, hình thành theo tiến trình phát triển của từng dân tộc.
Ảnh minh họa. (Ảnh chụp trước khi xảy ra dịch Covid-19) |
Âm nhạc cổ truyền Việt Nam phong phú và đa dạng bởi nhiều thể loại khác nhau, có thể kể đến như tuồng, chèo, ca trù, hát xoan, quan họ, hát lượn… ở miền Bắc. Những người con miền Trung da diết với những điệu hò, ví, dặm, Nhã nhạc cung đình Huế. Người dân Nam Bộ lại được tưới mát tâm hồn với cải lương, tân cổ… Ngoài ra, ta còn bắt gặp âm nhạc cổ truyền qua giai điệu của những câu hát ru, những bài đồng dao, những thể loại ca nhạc trong nghi thức cúng lễ, tang ma,…
Mỗi thể loại lại mang một nét đặc sắc riêng, thuộc nhiều thời đại khác nhau và mang tính đa sắc tộc. Để thể hiện được âm nhạc truyền thống, người ta cũng sử dụng rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau như đàn nhị, đàn bầu, đàn tranh… Có những loại nhạc cụ chuyên dùng cho 1 loại hình âm nhạc, cũng có những nhạc cụ dùng cho nhiều loại hình âm nhạc.
Âm nhạc cổ truyền của Việt Nam không chỉ là một phương tiện để người ta bày tỏ tâm tư tình cảm, để có thêm ý chí và sức mạnh trong lao động mà còn để giáo dục cho con cháu về truyền thống của ông cha, về đạo lý làm người. Đặc biệt ở chỗ, đó còn là một hình thức để giao tiếp, để thể hiện những ước mơ về hạnh phúc trong hiện tại và trong tương lai.
Thế nhưng, trước sự phát triển về nhiều mặt trong đời sống xã hội, nhiều loại hình âm nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam đã và đang đứng trước nhiều thách thức bị mai một, lãng quên. Thể loại Nhã nhạc Cung đình Huế, Quan họ, Ca trù, hát Xoan, Đờn ca tài tử, Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tuy được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, nhưng những loại hình nghệ thuật cổ này ít nhận được sự chú ý, đặc biệt là giới trẻ. Và cùng với dòng chảy của thời gian, thị trường âm nhạc Việt Nam đã bước qua những lối rẽ khác nhau. Cùng với nó, văn hóa của người nghe nhạc cũng có sự thay đổi nhất định.
Cách đây hơn 10 năm, văn hóa Hàn Quốc đã được quảng bá tại Việt Nam. Khởi đầu là những mặt hàng tiêu dùng, thời trang và đặc biệt là âm nhạc. Thông qua những nhóm nhạc K-pop với những bài hát cùng ca từ bắt tai,… cho đến tận bây giờ, âm nhạc Hàn Quốc vẫn chiếm một vị trí lớn trong lòng các bạn trẻ Việt. Bên cạnh đó, một bộ phận lớn các ca sĩ trẻ Việt Nam hiện nay cũng chịu ảnh hưởng khá nhiều từ làn sóng âm nhạc Hàn Quốc ở cả về phong cách âm nhạc, phong cách thời trang và cả phong cách trong những video âm nhạc của mình.
Ngoài ra, nhạc trẻ cũng là một trong những loại hình âm nhạc đang rất phổ biến hiện nay ở nước ta. Nhạc trẻ hấp dẫn người nghe bởi tính sôi động, phù hợp với xã hội hiện đại và phát triển ở nhiều thể loại như Pop, Ballad, R&B, Hiphop… Tuy nhiên, vì mải chạy theo thị trường mà nhiều ca khúc mất đi tính nghệ thuật và gây ảnh hưởng xấu tới thị hiếu âm nhạc của một bộ phận giới trẻ ngày nay. Một số bạn trẻ còn coi đó chính là niềm vui của họ và dùng mọi cách để bảo vệ trước mọi sự lên án về loại âm nhạc chứa đầy những từ ngữ tục tĩu và thiếu đi tính giáo dục.
Nhưng bên cạnh đó, cũng nhiều ca sĩ đã lựa chọn việc tận dụng những giá trị văn hóa cổ truyền dân gian để đưa vào các sản phẩm âm nhạc của mình. Không thể không kể đến sự thành công vang dội của Hoàng Thùy Linh với một album gồm các ca khúc mang bản sắc dân tộc và hình tượng văn học, trong đó có hai ca khúc nổi tiếng, từng gây sốt cộng đồng mạng là Để Mị nói cho mà nghe và Tứ Phủ. Trước đó, cô cũng bén duyên với chất liệu văn hóa Việt Nam qua ca khúc mang đậm âm hưởng dân gian Bánh trôi nước của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, đưa hình tượng Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương vào âm nhạc đương đại.
Tuy vậy, đó vẫn là chưa đủ khi âm nhạc cổ truyền Việt Nam vẫn đang đứng trước tình trạng mai một. Nhiều lần tiếng chuông cảnh báo về tình trạng này đã được gióng lên, bởi vậy việc cần làm trước nhất đó là tìm ra một giải pháp mang tính khoa học, bài bản để có chiến lược bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc cổ truyền các dân tộc Việt Nam trong bối cảnh mới.
Mới đây, vào tháng 7/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam về việc xây dựng Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam. Theo đó, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam sẽ kiện toàn, hoàn thiện Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Âm nhạc phản ánh trình độ phát triển cũng như nhu cầu giải trí, thưởng thức văn hóa của các dân tộc sở hữu nó. Việc bảo tồn âm nhạc cổ truyền là việc làm có ý nghĩa quan trọng để bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc, của đất nước./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô