Sôi động giải trí Tết ở nơi từng là tâm dịch

TPHCM đã trở thành vùng xanh của dịch bệnh COVID-19, vì thế nhiều hoạt động vui chơi giải trí cũng đã mở cửa trở lại để sẵn sàng phục vụ người dân vui chơi Tết này.

Ðặc sắc trên Ðường hoa Nguyễn Huệ

Đường hoa Nguyễn Huệ – một trong những sự kiện độc đáo chào mừng Tết Nguyên đán được mong chờ nhất tại TPHCM chính thức khai trương vào ngày 29/1 (27 tháng Chạp). Với chủ đề “Xuân quê hương, ấm tình nhân ái”, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nhâm Dần khắc họa đậm nét một “giai đoạn lịch sử” khó quên của TPHCM và sự nỗ lực vươn lên, từng bước hồi sinh sau khi trải qua nhiều tháng là tâm dịch của cả nước. Đường hoa có nhiều phân đoạn, đại cảnh, tiểu cảnh thể hiện nghĩa tình, sự tri ân, ghi nhận các hình ảnh, hoạt động đóng góp, sẻ chia đối với những hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

soi dong giai tri tet o noi tung la tam dich
Ðường hoa Nguyễn Huệ 2022 đã sẵn sàng đón khách từ 27 tháng Chạp

Đường hoa vừa mang lại ước vọng về tương lai tươi sáng, vừa gửi gắm tình cảm tri ân đối với đồng bào cả nước đã hết lòng tương trợ thành phố trong giai đoạn khó khăn, đặc biệt là sự hy sinh, tinh thần nghĩa hiệp của những người dân và lực lượng y bác sỹ, chiến sỹ nơi tuyến đầu.

Một trong những điểm nhấn nổi bật so với những năm trước là việc linh vật cổng chào đường hoa 2022 là hình tượng “Song hổ tương phùng” cao 3m, dài gần 7m được đặt ở hai bên cổng chính. Các tiểu cảnh của Đường hoa chia thành 3 phân đoạn, gồm: “Về rừng sâu – Thiên nhiên tươi xanh”, “Xuân nghĩa tình – Tự hào Việt Nam” và “Ra biển lớn – Nước non hội ngộ”, với những mô hình, cảnh quan được các nghệ nhân chế tác, sử dụng nhiều chất liệu thân thiện với môi trường và có thể tái sử dụng như kim loại, xốp, mây, tre, nứa, gạch, lưới, dây đan… cùng khoảng 80 loại hoa, gần 97.000 chậu, giỏ hoa các loại.

Theo quy định của BTC, năm nay người dân tới Đường hoa Nguyễn Huệ sẽ phải nghiêm túc chấp hành thực hiện 5K của Bộ Y tế, trong đó bao gồm cả việc không được phép bỏ khẩu trang khi chụp hình trên Đường hoa. Khách tham quan xếp hàng và thực hiện các biện pháp phòng dịch trước khi vào tham quan, vui chơi như khai báo y tế online, kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn…

Ngoài Đường hoa Nguyễn Huệ, năm nay du khách chơi Xuân tại TPHCM còn có thể tới nhiều điểm tham quan khác như Lễ hội Tết Việt tại NVH Thanh Niên, Hội hoa Xuân Tao Đàn, Chợ hoa Trên bến dưới thuyền tại bến Bình Đông, Hội hoa Xuân Phú Mỹ Hưng, Hội Xuân Novaland tại số 2 Nguyễn Thị Minh Khai… Đây là những địa điểm được xây dựng hướng tới vẻ đẹp của mùa Xuân thiên nhiên, của quê hương đất Việt. Giữa đô thị sầm uất là hình ảnh của cây đa giếng nước bờ tre, của những đồng lúa dòng sông bạt ngàn bất tận hay những mâm cỗ Xuân của mọi miền đất nước.

Bên cạnh các phòng trà mở cửa thường xuyên, năm nay tại TPHCM sẽ có 2 chương trình ca nhạc lớn dành cho người yêu âm nhạc: “Vang mãi hào khí Tây Sơn” do Trung tâm Ca nhạc nhẹ và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang phối hợp tổ chức. Chương trình diễn ra vào ngày mồng 5 Tết tại sân khấu trước Nhà hát Thành phố; Tại Công viên Tượng đài Bác Hồ trên đường Nguyễn Huệ (quận 1), từ 30/1 đến 4/2 (nhằm ngày 28 tháng Chạp đến mồng 4 Tết) liên tục diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống do các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen trình diễn.

soi dong giai tri tet o noi tung la tam dich
NSƯT Thành Lộc và NSƯT Hữu Châu trong vở “Cậu Ðồng” tái ngộ khán giả trong Tết này

Sân khấu rầm rộ mở cửa đón khách

Sau thành công của Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc năm 2021 vừa diễn ra, sân khấu TPHCM đã có cơ hội mở cửa trở lại trong Tết này. Theo thông báo từ Hội Sân khấu thành phố, năm nay các sân khấu tại TPHCM sáng đèn liên tục trong dịp Tết, thậm chí có những sân khấu còn diễn 2 suất/ngày suốt từ mùng 1 tới ngày mùng 8 Tết. Trong đó, sân khấu Hoàng Thái Thanh diễn luân phiên các vở “Bạch Hải Đường”, “Chờ thêm chút nữa”, “Nửa đời ngơ ngác”, “Sài Gòn có một ngã tư”, “Bao giờ sông cạn”. Sân khấu Hồng Vân trình diễn một số vở như “Thân sâu hồn bướm”, “Ngôi nhà trên thuyền”, “Điềm báo”, “Ngã rẽ”. Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ 5B giới thiệu đến khán giả các vở diễn như “Giã từ thần men”, “Sui gia đối đầu”, “Rồi mắc cái gì cười”, “Đẹp lắm nha”, “Tía ơi con lấy chồng”. Sân khấu Thế giới Trẻ sẽ có các vở như “Bao giờ mẹ lấy chồng”, “Ngược gió”, “Lò võ tiếu lâm”, “Cuộc chiến sắc đẹp”…, Sân khấu Sen Việt trình làng 2 vở diễn mới là “Chuyện làng” và “Mảnh vỡ”. Sân khấu Kịch Idecaf sẽ là các vở “Cậu Đồng”, “Ngũ quý kỳ phùng”.

Đặc biệt, Tết năm nay sân khấu cải lương tại TPHCM cũng “vào cuộc” rầm rộ với nhiều vở diễn mới. Vào tối mồng 3 Tết tại sân khấu Trần Hữu Trang (136 Trần Hưng Đạo), Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang có chương trình tổng hợp “Nghệ sỹ mừng xuân” quy tụ nhiều thế hệ diễn viên của nhà hát cùng tham gia trong các trích đoạn cải lương nổi tiếng, vào mồng 7 Tết, Nhà hát trình làng vở diễn đặc sắc “Đứa con họ Triệu”.

Năm nay, người yêu điện ảnh tại TPHCM có thể tới rạp phim trong dịp Tết để thưởng thức các bộ phim như: “Trạng Tý”, “1990”; “Nhà không bán”; “Chìa khoá trăm tỷ”, Encanto (Vùng đất thần kỳ) và “Mưu kế thượng lưu”, Sing 2 (Ðấu trường âm nhạc). Ðây là những bộ phim có nội dung hài hước, phiêu lưu, mạo hiểm phù hợp với khán giả trong những ngày Xuân. Các bộ phim đều được khởi chiếu vào ngày mồng 1 Tết tại hệ thống các rạp phim.

Vào mồng 8 Tết, đoàn Cải lương Vũ Luân diễn vở “Lương Sơn Bá- Chúc Anh Đài”, mồng 9 Tết sẽ là vở “Dương Quý Phi” tại sân khấu Trần Hữu Trang. Cũng trong 2 ngày mồng 8 và 9 Tết, tại rạp Hồng Liên (số 259 Hậu Giang) đoàn Tuồng cổ Huỳnh Long diễn vở “Mạnh Lệ Quân kỳ án”. Còn tại Nhà hát Thành phố, ngày 12 Âm lịch đoàn cải lương Chí Linh- Vân Hà sẽ diễn vở “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài”.

Vào ngày 29/1 (nhằm ngày 27 tháng Chạp), Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM tổ chức diễn các trích đoạn hát bội hay phục vụ cho người dân chơi Tết tại Lễ hội Tết Việt ở NVH Thanh Niên. Vào tối Giao thừa, các nghệ sỹ của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội sẽ biểu diễn phục vụ người dân tại huyện Hóc Môn. Ngày mồng 7 Tết, Đoàn Nghệ thuật Hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh diễn tại Lăng Lê Văn Duyệt với các tiết mục đặc sắc như: “Lễ xây chầu đại bội”, “Ngọc Huỳnh Lân xuất thế”, “Đức Thượng công Lê Văn Duyệt”.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích