Vì sao có tục ‘cuối năm mua vôi’ và những điều nên làm dịp gần Tết

Người xưa có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” với hy vọng quét hết xui xẻo, điều không may ra khỏi nhà và đón lấy may mắn trong ngày đầu năm.

Theo quan niệm dân gian, vào những ngày cuối năm, đặc biệt là từ sau 23 tháng Chạp, người dân thường mua vôi để quét lại nhà cửa, cổng ngõ với mong muốn xoá sạch những điều không may mắn, xui xẻo trong năm cũ và đón chào một năm mới bình an, như ý. Tuy nhiên, câu nói “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” cũng có nhiều cách hiểu khác nhau.

Một số người cho rằng, “cuối năm mua vôi” là để xây nhà, vôi để ăn trầu và rải 4 góc nhà đuổi tà ma. Vôi có màu trắng và thường gắn với quan niệm “bạc như vôi” nên đó cũng là lý do không ai mua vôi vào đầu năm mới. Thậm chí, đó là điều kiêng kị để tránh những rủi ro, những mối hiểm nguy, hiềm khích và rạn nứt trong gia đình cũng như các mối quan hệ trong xã hội.

Cũng có một cách giải thích khác cho rằng cuối năm phải mua vôi để tiếp vôi cho “ông bình vôi”. “Ông bình vôi” là vật dụng bằng sành sứ dùng để vôi ăn trầu. “Ông bình vôi” được xem là vật thiêng trong nhà của người xưa, do vậy lúc nào cũng phải cho ông ăn no, ăn đủ. Tuy nhiên, vì quan niệm tránh mua vôi đầu năm nên phải mua những ngày giáp Tết để chuẩn bị sẵn sàng cho năm mới.

Bên cạnh đó, người xưa cũng truyền tai nhau về việc cẩn trọng khi lấy vôi khỏi bình. Đặc biệt, không được ngoáy chìa vôi vào lòng “ông bình vôi” vì như thế sẽ bị bệnh cồn cào ruột gan.

Những việc nên làm vào dịp cuối năm:

Cúng ông Công ông Táo

Hằng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp là mọi gia đình lại lo mua sắm chuẩn bị cúng ông Công ông Táo, phóng sinh cá chép… Đây là một tục lệ mang nhiều ý nghĩa nhân văn khởi nguồn từ câu chuyện về ba vị thần trông coi chuyện bếp núc, đất đai và gia đình. Điều này được lưu truyền từ bao đời nay như một nét văn hóa đặc sắc trong văn hóa người Việt. Ông Công ông Táo còn là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ. Ông là vị thần quyết định sự may, rủi, phúc họa của cả gia chủ. Bên cạnh đó, ông còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia chủ.

Vì vậy, tục cúng ông Công ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ, sau đó mới đến ý nghĩa thờ “thần Bếp”.

Tảo mộ trước Tết

Tảo mộ là một nét đẹp trong văn hoá truyền thống của người Việt Nam. Phong tục này thể hiện lòng hiếu kính, biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên. Hằng năm, cứ từ khoảng 20 tháng Chạp đến chiều 30 Tết, mỗi gia đình Việt Nam lại thực hiện lễ nghi tảo mộ. Trong quan niệm của người dân, khi năm mới đến, mọi thứ đều phải được sửa sang cho mới mẻ, kể cả với những người đã khuất. Vì thế, những ngày này, các gia đình, dòng họ đều cùng nhau sửa sang, dọn dẹp phần mộ của ông bà, tổ tiên. Sau đó, họ đem hương, hoa, lễ vật đến thắp hương để mời người đã khuất về nhà ăn Tết cùng con cháu.

Dọn dẹp nhà cửa

Dịp cuối năm, nhà nhà thường xem đây là dịp tổng vệ sinh nhà cửa. Bên cạnh việc lau dọn bàn thờ, cửa nhà sạch sẽ, bỏ những món đồ cũ, không còn giá trị sử dụng thì mọi người thường mua một số món đồ mới, đồ trang trí để trang hoàng cho những ngày Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, nhiều người cũng quan niệm, vào ngày cuối cùng của năm cũ sẽ đi đổ đầy bình xăng, rửa xe, rút tiền mặt và nạp thẻ điện thoại… tránh sự thiếu thốn, gián đoạn trong ngày đầu năm mới.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích