‘Giấc mơ 6G’ sẽ thế nào nếu thành hiện thực?
Suy nghĩ về ‘người kế nhiệm’ của 5G từ bây giờ có vẻ hơi sớm, nhưng với chu kỳ thay thế mạng không dây 10 năm lại diễn ra một lần, 6G có thể ra mắt sớm nhất vào năm 2030.
6G hiện tại có vẻ là một giấc mơ xa vời, nhưng cũng giống như 5G, việc nó trở thành hiện thực chỉ còn là vấn đề thời gian. Không bao giờ là quá sớm để chuẩn bị cho tương lai, chúng ta nên bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về 6G để lập ra những kế hoạch cụ thể.
Thế giới đổi mới thế nào với 6G?
Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu truyền thông Vivo (VCRI), 6G có thể nhanh hơn 5 lần, độ trễ ít hơn 10 lần và đáng tin cậy hơn 100 lần so với 5G. Nếu 5G kết nối máy móc và số hóa trên quy mô lớn trở nên khả thi, 6G có thể tiến thêm một bước nữa, đạt được sự tích hợp liền mạch giữa thế giới vật lý và thế giới kỹ thuật số.
‘Giấc mơ 6G’ sẽ thế nào nếu thành hiện thực? |
VCRI cho biết 6G sẽ chứng kiến những cải tiến vượt trội như tích hợp nhiều công nghệ truy cập vô tuyến, bao phủ không gian vật lý rộng hơn. Tốc độ, độ ổn định và công suất thông lượng (lượng dữ liệu thực tế truyền qua mạng trong một khoảng thời gian xác định) cũng sẽ được được nâng cao đáng kể, hỗ trợ khả năng tính toán tinh vi hơn. Điều này mở rộng cơ hội cho những tiến bộ trong các công nghệ như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế mở rộng (XR), giúp làm mờ ranh giới giữa thế giới thực và ảo bằng cách cho phép tương tác với cả hai cùng một lúc.
Ngoài ra, thay vì sử dụng các thiết bị riêng lẻ cho các chức năng cụ thể, sẽ có rất nhiều thiết bị đầu cuối tiên tiến được tích hợp vào mọi thứ, từ các mô-đun trong robot và xe cộ đến các thiết bị siêu nhỏ trên người, thậm chí cả côn trùng.
Về cơ bản, các thiết bị đầu cuối này sẽ liên tục thu thập dữ liệu về thế giới thực và sử dụng nó để tái tạo một thế giới ảo. Các “bộ não kỹ thuật số” sẽ phân tích, dự đoán và sẽ đưa ra các kết quả. Mọi thông tin sẽ được số hóa và lưu trữ, dù là về con người hay động vật. Các thiết bị đầu cuối sẽ kết nối nhiều dịch vụ, sau đó chúng sẽ có thể đưa thông tin đã phân tích trở lại thế giới thực để giúp đưa ra các quyết định nhanh chóng và chính xác.
6G trong cuộc sống hàng ngày
Có bao giờ bạn do dự khi mua quần áo online vì không chắc nó sẽ trông như thế nào và liệu có phù hợp với mình không? Sự ra đời của 6G sẽ giúp bạn giải quyết các vấn đề đó.
Với 6G, các thiết bị hỗ trợ kết nối vạn vật (IoT) sẽ ngày càng phổ biến với kích thước nhỏ gọn có thể gắn vào quần áo, giày dép, mũ và phụ kiện. Khi được kết hợp với công nghệ hình ảnh ba chiều, AI và XR, khách hàng có thể trải nghiệm thử đồ thực với trang phục ảo và cảm nhận kết cấu quần áo bằng các thiết bị xúc giác tạo ra cảm giác vật lý.
Trong lĩnh vực y tế sức khỏe, 6G sẽ cho phép theo dõi thời gian thực các dấu ấn sinh học và dữ liệu sức khỏe cá nhân. Dịch vụ sức khỏe sẽ chuyển sang mô hình chăm sóc cá nhân hóa thay vì đại chúng như trước đây. Các cảm biến đặt bên trong hoặc ngoài cơ thể có thể ghi lại dữ liệu vật lý cụ thể giúp điều chỉnh chế độ ăn uống linh hoạt và chế độ dinh dưỡng phù hợp. Nhờ sức mạnh của 6G, việc cá nhân hóa trong điều trị từ xa sẽ trở nên nhanh chóng, chính xác và thuận tiện hơn, đồng thời mọi người cũng có thể chủ động trong việc quản lý sức khỏe tinh thần và thể chất của mình.
Tương tự, lĩnh vực giáo dục cũng sẽ được hưởng lợi từ 6G bằng cách có thể sử dụng các đánh giá thời gian thực về khả năng học tập và sở thích của trẻ để điều chỉnh phương pháp giảng dạy và kế hoạch bài học cho phù hợp. Bên cạnh đó, cũng sẽ có nhiều loại phương tiện học tập hơn, đặc biệt là với AR, AI và công nghệ ảnh ba chiều mới sẽ mang lại sự linh hoạt, gắn kết và hiệu quả hơn trong học tập, đồng thời góp phần giải quyết những bất cập trong việc học từ xa.
Thách thức và tầm nhìn
Theo dự đoán của VCRI, để đạt được kết quả tối ưu trong việc “số hóa” bộ não con người, cần các yêu cầu về tốc độ truyền thông, điện toán, lưu trữ và độ tin cậy cực cao.
Ngoài ra, cũng phải giải quyết các vấn đề cơ bản về chi phí, phạm vi phủ sóng và tiêu thụ điện năng. Cụ thể, làm cách nào để quản lý chi phí lắp đặt các thiết bị đầu cuối để đạt được tốc độ và số lượng thu thập và phân tích dữ liệu cần thiết, đảm bảo độ phủ sóng đạt tiêu chuẩn và giữ cho mức tiêu thụ điện năng bền vững về lâu dài. Chúng ta cần sự đột phá trong nhiều công nghệ và kỹ thuật, chẳng hạn như pin, cảm biến và giao diện.
Ngoài ra là những vấn đề về quyền riêng tư. Bên cạnh những tiến bộ về công nghệ, một thế giới được dẫn dắt bởi dữ liệu đòi hỏi sự tham gia của nhiều người. Nhưng nếu tất cả mọi người đều được số hóa, chắc chắn sẽ dẫn tới tình trạng lạm dụng và khai thác dữ diệu cá nhân. Luật pháp thường chậm bắt kịp với công nghệ, sẽ là sai lầm nếu không xem xét vấn đề quyền riêng tư trước khi quá trình đổi mới diễn ra.
Nguồn: Báo xây dựng