Thừa Thiên – Huế: Ứng dụng công nghệ số để kích cầu phục hồi du lịch trong trạng thái “bình thường mới”

(Xây dựng) – Ngày 20/01, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với Công ty Cổ phần Vietsoftpro tổ chức xây dựng “Không gian ảo quảng bá du lịch Thừa Thiên – Huế” nhằm khôi phục, kích cầu các hoạt động du lịch trong trạng thái “bình thường mới”.

thua thien hue ung dung cong nghe so de kich cau phuc hoi du lich trong trang thai binh thuong moi
Không gian ảo quảng bá du lịch Thừa Thiên – Huế được thực hiện bằng ứng dụng công nghệ số trong việc quảng bá, kích cầu du lịch.

Hoạt động không gian ảo quảng bá du lịch Thừa Thiên – Huế thực hiện bằng ứng dụng công nghệ số trong việc quảng bá, kích cầu du lịch, nhằm đóng góp vào sự phục hồi, phát triển du lịch địa phương bền vững theo hướng hiện đại. Đồng thời, tạo cơ hội cho các địa phương và doanh nghiệp du lịch trong tỉnh chủ động quảng bá trên không gian số hóa hình ảnh điểm đến và sản phẩm, nhất là các sản phẩm mới có tính sáng tạo cao, kết nối mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng và đối tác từ các tỉnh thành có thị trường du lịch tiềm năng trong bối cảnh “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Thu hút khách du lịch đến với Thừa Thiên – Huế ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Không gian ảo quảng bá du lịch Thừa Thiên – Huế” được tổ chức trên nền tảng triển lãm ảo (Virtual Exhibition) thông qua kết nối trực tuyến. Đây là hình thức tổ chức triển lãm trên không gian số trực tuyến, trong đó toàn bộ không gian triển lãm, gian hàng, sản phẩm dịch vụ, hoạt động tham quan… đều được diễn ra trên không gian số trực tuyến ảo 3D.

Không gian giới thiệu quảng bá hình ảnh điểm đến, lễ hội, đặc sản địa phương, sản phẩm dịch vụ du lịch chung của tỉnh Thừa Thiên – Huế trên không gian số trực tuyến ảo 3D. Đồng thời, không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng, lợi thế, tiềm năng của doanh nghiệp thông qua hình ảnh, video, tờ rơi giới thiệu do doanh nghiệp cung cấp.

Không gian ảo quảng bá du lịch Thừa Thiên- Huế được chia thành nhiều khu vực khác nhau như: Khu vực không gian sảnh chính; Khu vực không gian giới thiệu, tham quan thực tế ảo các điểm đến du lịch Huế; Khu vực không gian sảnh giới thiệu các gian hàng triển lãm; Khu vực phòng hội trường, chiếu phim… Tại đây, khách tham quan và doanh nghiệp có thể tham gia tìm hiểu mọi lúc, mọi nơi thông qua kết nối internet trên điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính cá nhân.

Ngoài ra, khách tham quan còn có thể tìm hiểu thông tin, sản phẩm, dịch vụ du lịch trực quan sinh động qua hệ thống trình chiếu, tương tác 3D hoặc đeo kính thực tế ảo VR. Đặc biệt, sử dụng nền tảng kết nối được tích hợp, các doanh nghiệp, khách tham quan còn có thể tham gia phòng họp trực tuyến, kết hợp gọi video thời gian thực nhằm thúc đẩy quảng bá, giới thiệu và xúc tiến sản phẩm với một trải nghiệm hoàn toàn mới.

Thời gian qua, Sở Du lịch đã tích cực vận động các doanh nghiệp đang kinh doanh sản phẩm, dịch vụ gắn với du lịch đăng ký tham gia các gian hàng tại “Không gian ảo quảng bá du lịch Thừa Thiên – Huế” và hỗ trợ miễn phí đăng ký và thiết kế, trang trí gian hàng trực tuyến đối với các Sở, ban, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia; đồng thời, tư vấn và hướng dẫn cách tham gia và tương tác với khách tham quan. Đã có hơn 90 địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tham gia các gian hàng quảng bá thông tin, hình ảnh các hoạt động, sản phẩm theo chủ đề, lĩnh vực do đơn vị quản lý.

“Không gian ảo quảng bá du lịch Thừa Thiên – Huế” được đưa vào hoạt động là tiền đề để ngành Du lịch tỉnh tiến tới tổ chức sự kiện thường niên nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế liên kết giao thương, kết nối, hợp tác kinh doanh với các đơn vị trong và ngoài tỉnh, nội địa và quốc tế; tăng cường quảng bá sản phẩm, thương hiệu và tiếp cận khách hàng một cách dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện để đặt mua sản phẩm, dịch vụ của đơn vị.

Sự kiện này mở ra xu thế ứng dụng công nghệ số 3D thực tế ảo trong hoạt động giới thiệu, quảng bá, triển lãm trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Du lịch nhằm định vị và duy trì thương hiệu du lịch Thừa Thiên – Huế một cách bền vững. Đây là bước tiến mới để ngành Du lịch Thừa Thiên – Huế hội nhập với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, kết nối với Liên minh Viễn thông quốc tế – ITU (có 193 nước thành viên) nhằm quảng bá các sản phẩm, dịch vụ và di sản, danh lam thắng cảnh tới bạn bè thế giới, góp phần tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp xúc trực tiếp, xúc tiến các chương trình dự án hợp tác thương mại và đầu tư, thiết lập quan hệ đối tác với các tập đoàn hàng đầu trên thế giới về viễn thông và công nghệ thông tin.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích