Hải quan ứng dụng công nghệ, giảm ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu
(Xây dựng) – Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, đơn vị này đang phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng, triển khai chức năng cảnh báo ùn tắc trên Cổng thông tin một cửa quốc gia thông qua việc kết nối, trao đổi dữ liệu định vị xe tải lưu thông và tập kết tại các cửa khẩu biên giới.
Giải quyết ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới là vấn đề được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm. |
Thời gian vừa qua, đại dịch covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và thương mại xuyên biên giới nói riêng. Tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các cửa khẩu đường bộ biên giới phía Bắc khiến hàng hóa xuất nhập khẩu qua các tuyến này, đặc biệt là hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam không thể kịp thời thông quan. Vấn đề này đã tác động tiêu cực đến hoạt động của hàng nghìn doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics. Hơn thế nữa, đời sống của hàng triệu hộ nông dân cũng chịu tác động rất lớn; của cải xã hội bị lãng phí do hàng hóa không thể xuất khẩu bị mất giá, bị hư hỏng, phải đổ bỏ… Trước tình hình trên, lãnh đạo Chính phủ mà trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra các chỉ đạo hết sức quyết liệt nhằm giảm tình trạng ùn tắc, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện hàng hóa nhập khẩu được giao thương thuận lợi qua các cửa khẩu đường biên.
Để cùng chung tay giải quyết ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan vận dụng sáng tạo các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, tham gia các cuộc hội đàm với các cơ quan chức năng của nước bạn, huy động cán bộ, công chức phục vụ doanh nghiệp với tinh thần “làm hết việc, không làm hết giờ”. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ, phối hợp để hai cơ quan chung tay xây dựng giải pháp cảnh báo ùn tắc phương tiện tại các cửa khẩu biên giới trên nền tảng những thành tựu và ứng dụng mới về công nghệ thông tin. Theo đó, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Tổng cục Hải quan phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng, triển khai chức năng cảnh báo ùn tắc trên Cổng thông tin một cửa quốc gia thông qua việc kết nối, trao đổi dữ liệu định vị xe tải lưu thông và tập kết tại các cửa khẩu biên giới.
Với ứng dụng này, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người điều khiển phương tiện có thể tra cứu theo thời gian thực tình hình ùn tắc tại tất cả các cửa khẩu biên giới. Qua đó, cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, người điều khiển phương tiện có thể chủ động lập, điều chỉnh kế hoạch xuất nhập khẩu, kế hoạch vận chuyển phù hợp với tình hình thực tế; tránh được tình trạng ùn ứ hàng hóa, phương tiện tại cửa khẩu, tiết kiệm chi phí logistics; giảm thiểu thiệt hại và rủi ro. Thông tin về lưu lượng phương tiện tại cửa khẩu biên giới dự kiến sẽ được cập nhật theo thời gian thực; công khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia tại địa chỉ https//:www.vnsw.gov.vn. Tình trạng phương tiện tại cửa khẩu biên giới được thể hiện trên nền giao diện trực quan và thân thiện với 4 mức độ bao gồm mức Đỏ (mức cảnh báo cao nhất với lưu lượng trên 5.000 phương tiện), mức Cam (lưu lượng từ trên 1.000 tới 5.000 phương tiện), mức Vàng (từ trên 500 đến 1.000 phương tiện) và mức Xanh (dưới 500 phương tiện). Cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, người điều khiển phương tiện có thể truy cập bằng máy tính hoặc các thiết bị thông minh có kết nối internet để tra cứu.
Hiện tại, một mặt, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành phiên bản đầu tiên của ứng dụng này trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Mặt khác, Tổng cục Hải quan cũng đã có văn bản đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam sớm kết nối để trao đổi dữ liệu trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Nếu triển khai đúng thời hạn, đây sẽ là món quà đầu xuân hết sức ý nghĩa mà Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải nói riêng và các cơ quan Chính phủ nói chung gửi tới cộng đồng doanh nghiệp và đồng bào trên cả nước. Đây cũng là minh chứng thể hiện sự chung sức đồng lòng của Chính phủ với doanh nghiệp, tổ chức, người dân để cùng nhau vượt qua đại dịch, khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.
Nguồn: Báo xây dựng