Tăng niềm tin cho khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam
Hai tháng sau khi mở cửa lại thị trường du lịch, Việt Nam đã đón gần 8.000 lượt khách quốc tế; bảo vệ du khách an toàn trước dịch bệnh được coi là điều kiện tiên quyết để tăng niềm tin cho du khách.
Khách quốc tế xem trình diễn vũ điệu Hawaii trong công viên nước tại Vinwonders Phú Quốc (Kiên Giang) (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN) |
Hội nghị trực tuyến Tổng kết dự án “Hỗ trợ Hội đồng Tư vấn Du lịch xây dựng Quỹ Phát triển du lịch và Nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến” đã diễn ra chiều 18/1 với nhiều điểm cầu.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng dự hội nghị cùng đại diện Tổng cục Du lịch, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (Phái đoàn EU), lãnh đạo các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Hiệp hội du lịch của 15 tỉnh, thành phố thuộc dự án.
Tại hội nghị, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) phối hợp với Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) báo cáo kết quả dự án thí điểm Xây dựng Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam (VTCI) năm 2021.
Dự án xây dựng Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam (VTCI) do Phái đoàn EU tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) từ năm 2019.
Dự án hướng tới thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch của từng địa phương, qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần hiệu quả phát triển kinh tế du lịch, xây dựng định hướng phát triển trong tương lai.
Năm 2019, Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam đã được công bố tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam với kết quả đánh giá thí điểm trên 5 điểm đến, gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam.
Năm 2020-2021, Phái đoàn EU tiếp tục hỗ trợ đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch trên phạm vi 15 tỉnh, thành phố dựa trên những tiêu chí khác nhau; sẽ bàn giao Bộ chỉ số này cho Hội đồng Tư vấn du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân từ đầu năm 2022 để tiếp tục phát triển, vận hành, nhằm tạo dựng một kênh đánh giá khách quan, hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Đặc biệt, các địa phương đạt chỉ số cạnh tranh cao năm 2021 gồm Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế.
Bộ Chỉ số được xây dựng trên một hệ thống gồm hơn 70 chỉ số đánh giá các khía cạnh khác nhau liên quan tới năng lực cạnh tranh du lịch. Phương pháp tiếp cận của hệ thống dựa trên các chỉ số Năng lực cạnh tranh Du lịch và Lữ hành (TTCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Hệ thống được điều chỉnh và bổ sung các chỉ số lựa chọn phù hợp với đặc thù của Việt Nam, tạo cơ sở cho việc so sánh năng lực cạnh tranh du lịch giữa các tỉnh.
Các nhóm chỉ số để phân tích và đánh giá bao gồm môi trường kinh doanh, y tế và vệ sinh, nguồn nhân lực và thị trường lao động, mức độ ưu tiên cho lữ hành và du lịch, môi trường bền vững, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch cho rằng, đây chính là thời điểm cần thiết để phân tích và đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các điểm đến du lịch, đặc biệt là khi ngành du lịch đang phải trải qua những thách thức chưa có tiền lệ, điều quan trọng là phải đặt ra hướng đi phù hợp cho tương lai. Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam là công cụ quan trọng trong lộ trình phát triển.
Ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân khẳng định: Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch giúp các tỉnh, thành phố có cơ sở khoa học để định hướng phát triển du lịch, đạt được các mục tiêu dựa trên những nguyên tắc cơ bản là đối thoại với các bên liên quan.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết việc công bố kết quả Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam là bước chuẩn bị cần thiết để cả nước thúc đẩy phục hồi du lịch trong thời gian tới, giúp Bộ làm tốt vai trò tham mưu, quản lý nhà nước về du lịch.
Du khách tham quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, thuộc xã Duy Phú, Duy Xuyên (Quảng Nam). (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN) |
Có thể thấy, trong một thời gian ngắn trước đại dịch COVID-19, du lịch nước ta đã đóng góp gần 10% vào GDP, nếu không bị ảnh hưởng dịch bệnh thì với đà tăng trưởng đó, du lịch sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Do dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động, phối hợp với các địa phương, các chuyên gia, hội đồng nghiện cứu, tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn để bàn định, tìm ra hướng đi, giải pháp ngắn hạn, dài hạn cho du lịch.
Có những giải pháp đã được áp dụng vào thực tiễn; đề xuất, kiến nghị cũng được Chính phủ, Quốc hội đồng tình ủng hộ, chấp nhận, tạo động lực hỗ trợ cho du lịch Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đưa ra các hướng đi, đề xuất, đưa ra nhiều lựa chọn để mở cửa lại thị trường du lịch theo hướng thích ứng an toàn, kiểm soát linh hoạt, hiệu quả.
Từ chỗ thận trọng, làm thí điểm, đến nay ta đã có sơ kết thí điểm đón khách quốc tế. Chỉ mới hai tháng, chúng ta đã đón gần 8.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam.
Khi thí điểm đón khách quốc tế và cả du lịch nội địa thì chỉ số an toàn được đặt lên cao nhất, du khách được bảo vệ an toàn trước dịch bệnh, được thỏa mãn nhu cầu du lịch, từ đó tạo niềm tin vững chắc cho du khách khi đến Việt Nam và điểm đến Việt Nam luôn là địa chỉ an toàn cho du khách trong bối cảnh dịch bệnh./.
Nguồn: Báo xây dựng