Triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

(Xây dựng) – Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo đúng chức năng, thẩm quyền quy định.

trien khai co hieu qua chien luoc quoc gia ve cach mang cong nghiep lan thu tu
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet).

Xét báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Tình hình và kết quả thực hiện Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030” gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có ý kiến như sau:

Ghi nhận báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá cao nỗ lực và kết quả bước đầu đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, bám sát Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, chủ động tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược theo đúng chức năng, thẩm quyền quy định.

* Theo Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 duy trì xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của WIPO thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới; Chỉ số An toàn, an ninh mạng toàn cầu của ITU thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; Chỉ số Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc thuộc nhóm 50 nước đứng đầu.

Kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm.

Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; hoàn thành xây dựng Chính phủ số.

Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía bắc, phía nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Định hướng của Chiến lược là nâng cao chất lượng thể chế và năng lực xây dựng chính sách; phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; đầu tư, nghiên cứu, phát triển một số công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như công nghệ rô-bốt, vật liệu tiên tiến, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, công nghệ trong y học, internet vạn vật, dữ liệu lớn, chuỗi khối…; mở rộng hợp tác quốc tế và hội nhập về khoa học và công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong đó, Chiến lược sẽ đẩy mạnh phát triển internet tốc độ cao, hạ tầng số an toàn, đáp ứng nhu cầu về kết nối và xử lý dữ liệu lớn; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào quản lý nhà nước trong tất cả các lĩnh vực; đầu tư, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý nhà nước (GovTech) và cung cấp dịch vụ công. Xây dựng hệ thống thông tin kinh tế-xã hội thời gian thực phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích