Hướng dẫn giải quyết một số khó khăn khi xử lý vi phạm hành trong lĩnh vực hoạt động xây dựng

(Xây dựng) – Mới đây, Bộ Xây dựng có Văn bản số 146/BXD-Ttr ngày 13/01/2022 gửi UBND tỉnh Đồng Nai để hướng dẫn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đảm bảo ngừng thi công xây dựng đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng và công tác cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

huong dan giai quyet mot so kho khan khi xu ly vi pham hanh trong linh vuc hoat dong xay dung
Cưỡng chế, tháo dỡ một công trình xây dựng trái phép tại phường Trảng Dài, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (Ảnh minh họa: baodongnai.com.vn).

Bộ Xây dựng nhận được văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai về việc đề nghị hướng dẫn xử lý một số khó khăn về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động xây dựng.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:

1. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đảm bảo ngừng thi công xây dựng công trình

Pháp luật về xây dựng và xử lý vi phạm hành chính hiện nay không quy định biện pháp cắt điện, cắt nước là biện pháp ngăn chặn trong xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.

Theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2021, Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản; phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở để kịp thời khắc phục những bất cập trong quá trình thực thi Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, trong đó có quy định về thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với các chức danh: Chủ tịch UBND các cấp, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng… cho phù hợp với pháp luật và thực tiễn.

2. Về khó khăn trong công tác cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, người có thẩm quyền lập biên bản tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và trình người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp người vi phạm không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính sẽ bị cưỡng chế thực hiện theo quy định.

Hiện nay, việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nghị định số 166/2013/NĐ-CP đã quy định rõ các biện pháp, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có một số biện pháp có tính khả thi cao như: biện pháp khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích