Sử dụng công nghệ sinh học biến Metan thành thức ăn nuôi cá

Sử dụng công nghệ sinh học biến Metan thành thức ăn nuôi cá

Bắc Lãm (T/H) –  Thứ bảy, 15/01/2022 11:09 (GMT+7)

Các nhà khoa học đến từ Đại học Stanford vừa tìm ra quy trình chuyển hóa khí metan (CH4) thành nguyên liệu để làm thức ăn trong chăn nuôi thủy sản.

Giải pháp cho công nghệ này là một loại vi khuẩn dị dưỡng ăn khí methane mang tên methanotrophs. Họ nuôi chúng trong một thùng vi sinh (bioreactor) làm lạnh chứa đầy nước, cho ăn phân tử methane, oxy và những dưỡng chất khác như nitơ, phốt-pho, vi lượng kim loại, … sau đó sử dụng sinh khối rất giàu protein của chúng để làm thành bột cá.

tm-img-alt
Cơ chế hoạt động của vi khuẩn dị dưỡng ăn khí methane: methanotrophs

Các nhà khoa học đã xây dựng một mô hình tính toán chi phí sản xuất bột cá với nguồn methane thu giữ từ các nhà máy xử lý nước thải, bãi chôn lấp rác, cơ sở dầu khí, và khí đốt thương mại,… Mô hình cũng đã bao gồm một loạt những biến số khác như giá điện hay tình trạng sẵn có của lao động,…

Kết quả: nguồn methane từ các bãi chôn lấp và cơ sở dầu khí cho giá thành sản xuất bột cá lần lượt là 1.546 USD và 1.531 USD/tấn – thấp hơn một chút so với chi phí [sản xuất bột cá] trung bình 10 năm qua (1.600 USD). Đối với kịch bản sử dụng methane từ những nhà máy xử lý nước thải, con số này tương đối cao – 1.645 USD /tấn; nhưng đắt nhất là nguồn methane mua từ lưới khí đốt thương mại – 1.783 USD/tấn. Trong mọi kịch bản, điện luôn là khoản chi lớn nhất – chiếm hơn 45% tổng chi phí. Tại các bang có giá điện rẻ như Mississippi và Texas, chi phí sản xuất bột cá có thể được cắt giảm thêm 20%, xuống còn 1.214 USD. Chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng cắt giảm chi phí hơn nữa nhờ những thiết kế thùng vi sinh cho khả năng thoát nhiệt tốt (không cần nhiều năng lượng để làm mát); hay đối với chiến lược tận dụng methane từ các nhà máy xử lý nước thải thì bản thân nước thải cũng là một nguồn cung cấp nitơ và phốt pho dồi dào, bên cạnh công dụng làm mát,…

Nghiên cứu nói trên mở ra một hướng đi mới đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp thức ăn thủy sản, đồng thời đáp ứng được mục tiêu khí hậu toàn cầu. 

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích