Đầu tư bất động sản 2022: Lạc quan một cách thận trọng
Tuy nhiên, sự lạc quan của các nhà đầu tư luôn đi kèm với mức độ thận trọng nhất định do những diễn biến khó lường của đại dịch.
Đầu tư bất động sản 2022: Lạc quan một cách thận trọng
Theo Viện Đất đai Đô thị, một mạng lưới hàng đầu thế giới của các chuyên gia về bất động sản và đất đai, thị trường bất động sản APAC đang chứng kiến một chu kỳ tăng trưởng và đầu tư mới khi bắt đầu thoát khỏi những thách thức của đại dịch. Đồng thời, các xu hướng thế hậu COVID-19 như làm việc từ xa, giảm đi du lịch và tăng cường mua sắm trực tuyến đã mang lại những thay đổi to lớn về cấu trúc của ngành. Những điều này đòi hỏi các chủ đầu tư cần xem xét lại các mô hình bất động sản đã trở nên lỗi thời, cho dù đó là từ góc độ của ngành bất động sản, nhân khẩu học hay môi trường.
Cũng như năm 2021, các thị trường dẫn đầu triển vọng đầu tư tại APAC trong năm nay sẽ là những nơi có nguồn vốn cốt lõi dồi dào và môi trường an toàn. Tokyo, Singapore và Sydney tiếp tục là ba thị trường hàng đầu do có các đặc điểm chung về sự ổn định kinh tế, tính thanh khoản của thị trường, cũng như nguồn vốn đáng tin cậy. Tokyo có triển vọng tươi sáng nhất trong năm nay, chiếm ngôi đầu mà Singapore đạt được trong các khảo sát trước đây, nhờ lãi suất thấp, nhu cầu trong nước mạnh mẽ thúc đẩy sự phục hồi kinh tế khiến nơi đây ít phải chịu cú sốc từ bên ngoài. Trong khi đó, tình hình tại Hồng Kông (Trung Quốc) sẽ được cải thiện sau 2 năm tồi tệ đã qua.
Tuy nhiên, sự lạc quan của nhà đầu tư sẽ được duy trì trong một tâm thế thận trọng. Việc họ ưu tiên sự an toàn cho nguồn vốn sẽ khiến những thị trường hàng đầu như Tokyo và Singapore càng có triển vọng tươi sáng trong năm 2022. Ngược lại, các thị trường đang phát triển và đứng ở vị trí cuối bảng về triển vọng đầu tư sẽ tiếp tục chịu thua thiệt do những cú đánh liên tiếp từ đại dịch.
Về loại hình đầu tư, các lĩnh vực văn phòng và bán lẻ từng được ưa chuộng đã mất đi sức hấp dẫn đáng kể do các chính sách làm việc tại nhà và doanh số thương mại điện tử bùng nổ suốt năm 2021. Tuy nhiên, năm 2022 – 2023 có thể mang lại bức tranh tươi sáng hơn cho hai loại hình này khi các chính phủ nới lỏng các hạn chế do đại dịch.
Bất động sản hậu cần vẫn được săn đón mạnh mẽ do chênh lệch cán cân cung – cầu khi thiếu vắng các tài sản chất lượng cao, sự phát triển của các chuỗi cung ứng phức tạp hơn, và tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của bán lẻ trực tuyến do đại dịch. Trong đó, trung tâm dữ liệu tiếp tục khẳng định vị thế mạnh mẽ do nhu cầu băng thông trong khu vực tăng trưởng rất lớn. Theo báo cáo trước đó, lưu lượng internet ở khu vực APAC tăng 40% chỉ trong ba quý đầu năm 2021.
Trong khi các giao dịch phục hồi và tâm lý được cải thiện so với năm ngoái, các nhà đầu tư vẫn không chắc chắn về thế giới hậu đại dịch sẽ ra sao. Cảm giác không chắc chắn này sẽ càng tăng ở APAC khi trải nghiệm của khu vực này về Covid-19 hoàn toàn khác biệt so với các nơi khác trên toàn cầu, cả về các chính sách ứng phó và hướng phát triển của các hình bất động sản riêng biệt.
Để ứng phó với bối cảnh này, ULI nhấn mạnh một số chiến lược mà các nhà đầu tư nên theo đuổi để tận dụng các động lực đang xuất hiện, bao gồm:
Quản lý tài sản chủ động hơn khi lợi suất tiếp tục bị thắt chặt và cạnh tranh trong ngành bất động sản ngày càng trở nên gay gắt. Để làm được điều đó, các chủ đầu tư cần cung cấp các dịch vụ và tiện nghi để cải thiện trải nghiệm của khách thuê, ví dụ như bàn giao sản phẩm hoàn thiện, các đặc quyền thành viên và quyền truy cập các không gian co-working.
Gia tăng giá trị bất động sản để tối đa hóa không gian sử dụng trong bối cảnh áp dụng các yêu cầu giãn cách. Chủ đầu tư có thể tiến hành nâng cấp bất động sản, tận dụng công nghệ để có thêm dữ liệu về việc sử dụng không gian và năng lượng, hay chuyển đổi mục đích sử dụng đối với các bất động sản hoạt động kém hiệu quả như khách sạn.
Sẵn sàng cho xu hướng phi tập trung nhất là đối với mảng văn phòng khi nhiều công ty cho phép người lao động làm việc tại nhà, hoặc muốn theo đuổi mô hình một trụ sở chính ở trung tâm và nhiều văn phòng vệ tinh tại các vùng lân cận.
Chuyển hướng sang các lĩnh vực ngách tập trung vào nền kinh tế mới như trung tâm dữ liệu, khoa học đời sống và văn phòng hoặc dịch vụ linh hoạt để đáp ứng các nhu cầu mới về kinh tế và nhân khẩu học, đồng thời nắm bắt các cơ hội to lớn trong môi trường đầy biến động và khó lường hiện nay.
Phát triển các công trình xanh và đáp ứng tiêu chuẩn ESG để phục vụ nhu cầu của khách thuê và đội ngũ lao động, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở thành một vấn đề cấp thiết trên toàn cầu và đòi hỏi tất cả các chính phủ và doanh nghiệp phải có hành động và trách nhiệm cụ thể./.