Bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế

(Xây dựng) – Bảo tồn di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của Quần thể di tích Cố đô Huế; phục hồi các không gian gắn với di sản, tạo cho khu vực Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành hạt nhân, động lực trong thực hiện chiến lược phát triển đô thị di sản Thừa Thiên Huế; phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, gắn kết với cộng đồng và mang lại lợi ích cho cộng đồng.

bao quan tu bo phuc hoi quan the di tich co do hue
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 42/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch gồm: Không gian hình thành và phát triển Cố đô lịch sử, không gian cảnh quan, các địa danh, địa điểm, địa giới tự nhiên có quan hệ mật thiết trong quá trình hình thành Quần thể di tích Cố đô Huế, bao gồm: Khu vực Kinh thành Huế, Kim Long, Bao Vinh, Gia Hội, núi Kim Phụng, núi Ngự Bình, đồi Vọng Cảnh, cồn Hến, cồn Dã Viên, cửa biển Thuận An, đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, lưu vực sông Hương và các chi lưu thuộc địa giới hành chính thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, huyện Quảng Điền và huyện Phú Vang.

Quy mô lập quy hoạch, bao gồm: Khu vực bảo vệ của Di sản văn hóa thế giới Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận vào năm 1993, cập nhật năm 2011, bao gồm các điểm di tích: Kinh thành Huế, chùa Thiên Mụ, Văn Miếu và Võ Miếu, Hổ Quyền và Voi Ré, Đàn Nam Giao, điện Hòn Chén, các lăng: Dục Ðức, Tự Đức, Ðồng Khánh, Thiệu Trị, Khải Định, Minh Mạng, Gia Long và Trấn Hải Thành.

Khu vực bảo tồn cảnh quan sông Hương gắn với di tích; các trục, tuyến không gian cảnh quan văn hóa, các quần cư lâu đời gắn với từng di tích; các khu vực tổ chức hoạt động phát huy giá trị di tích, kết nối hạ tầng kỹ thuật nội bộ và hệ thống giao thông, hạ tầng chung có liên quan.

Một trong những nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch là nghiên cứu bối cảnh vùng, những nội dung có liên quan được nêu trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Thừa Thiên – Huế đã được phê duyệt. Xác định vai trò, vị thế của Quần thể di tích Cố đô Huế trong chiến lược phát triển đô thị di sản Thừa Thiên – Huế nói chung và thành phố Huế nói riêng.

Bên cạnh đó, yêu cầu nghiên cứu khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích; xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích; nghiên cứu, nhận diện, làm rõ giá trị về di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và giá trị khác có liên quan; xác định quan điểm, mục tiêu dài hạn, ngắn hạn của quy hoạch.

Về nội dung và định hướng quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng công trình mới, xác định ranh giới khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, khu vực cảnh quan thiên nhiên, khu vực hạn chế xây dựng, khu vực xây dựng mới; đề xuất việc xếp hạng bổ sung công trình, địa điểm di tích mới phát hiện. Định hướng giải phóng mặt bằng, giải tỏa lấn chiếm và phương án tái định cư.

Quy hoạch phân vùng chức năng theo cụm di tích, từng di tích bao gồm: các khu vực bảo vệ di tích, bảo vệ cảnh quan văn hóa, sinh thái, môi trường; các khu vực phát huy giá trị di tích, hạ tầng kinh tế-xã hội, hạ tầng kỹ thuật và giao thông; thiết lập hoàn chỉnh các không gian chức năng, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, văn hóa, du lịch, hạ tầng kỹ thuật, cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế, du lịch.

Đề xuất phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; danh mục công trình cần bảo quản, tu bổ, phục hồi và mức độ bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với từng công trình; nguyên tắc và giải pháp cơ bản đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; định hướng giải pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích, cảnh quan không gian, di sản văn hoá phi vật thể, di sản tư liệu liên quan đến di tích; đề xuất nghiên cứu khảo cổ học bổ sung trong khu vực di tích; nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, số liệu, hồ sơ khoa học cho toàn bộ quần thể Di tích Cố đô Huế và từng điểm di tích.

Đề xuất giải pháp kết nối, tổ chức không gian và các giải pháp phát huy giá trị di sản thông qua hoạt động du lịch văn hóa; thiết lập khung sáng kiến cộng đồng, đa dạng hóa sản phẩm gắn với chiến lược truyền thông và thương hiệu; hoàn thiện cơ chế, chính sách, đề xuất lộ trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và tự động hóa trong quản trị bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích