Học sinh Kiên Giang biến rác thành phân bón với thiết bị thông minh
Học sinh Kiên Giang biến rác thành phân bón với thiết bị thông minh
“Thiết bị xử lí rác hữu cơ thông minh 3 trong 1” của 2 học sinh cấp 3 không chỉ xử lí triệt để rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ có giá trị cao phục vụ cho việc trồng trọt mà còn hạn chế khí thải gây hại, góp phần bảo vệ môi trường.
Giá thành rẻ, hiệu quả lớn
Bằng các phương pháp nghiên cứu lý thuyết và làm thực hành thực tế trong suốt thời gian 3 tháng, em Lê Ngọc Huy và Nguyễn Văn Huy học sinh Trường THPT Hòn Đất (huyện Hòn Đất, Kiên Giang) đã cho ra đời “thiết bị thông minh 3 trong 1” xử lí rác thải hữu cơ.
2 em cho biết, qua khảo sát ở địa phương mình và những nơi lân cận thì việc xử lí rác thải hữu cơ được thực hiện chủ yếu là đốt hoặc ủ để làm phân hữu cơ. Tuy nhiên khi đốt rác, khí độc được thải trực tiếp ra ngoài bầu trời, gây ô nhiễm môi trường còn việc ủ rác làm phân hữu cơ thì mất rất nhiều thời gian và gây ra mùi hôi khó chịu. Từ thực tế đó, 2 em đã ấp ủ thực hiện dự án này để góp phần xử lí nguồn rác thải quá tải đang là gánh nặng cho môi trường sống.
Theo khảo sát của các em, trung bình 1 hộ gia đình thải ra trong 1 ngày khoảng 500 gram rác hữu cơ (rau, củ, vỏ trứng…), trong 1 tháng, 10 hộ gia đình thải ra môi trường khoảng 150kg rác. Khi dùng thiết bị này có thể xử lí được và cho ra khoảng 100kg phân hữu cơ thành phẩm.
Em Lê Ngọc Huy chia sẻ: “Với mọi người rác là để bỏ đi nhưng với chúng em giờ đây rác lại là nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp cho thiết bị hoạt động và sản xuất ra phân hữu cơ sạch. Quá trình nghiên cứu và thực hiện không dễ dàng nhưng chúng em đã hoàn thành và mong rằng sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho đời sống”.
Huy cho biết thêm, giá thành thiết bị khá thấp vì vật liệu dễ tìm, dễ thi công và cũng dễ vận hành. Chi phí mà nhóm dùng để tạo ra thiết bị khoảng hơn 8 triệu đồng, thời gian xử lí rác thành phân hữu cơ được rút ngắn, chống được sự gây mùi và khí độc ra môi trường.
Thành công sau nhiều lần thất bại
Quá trình thực hiện dự án 2 em được sự hỗ trợ rất nhiều từ nhà trường và thầy Lê Ngọc Nam (giáo viên dạy môn Hóa của trường) hướng dẫn. Tuy nhiên để đạt được kết quả như mong đợi thì 2 em đã phải trải qua những lần thử nghiệm thất bại. Với ý chí, quyết tâm và niềm đam mê khoa học, 2 em đã tìm tòi và khắc phục những khuyết điểm khi vận hành.
Rác hữu cơ được cho vào máy xay và đạt kích thước của lưới chắn sẽ được đẩy sang ngăn ủ vi sinh. Tại ngăn vi sinh rác được bổ sung vi sinh và nấm vi sinh (dung dịch thủy sâm) để ủ thành thức ăn cho giun. Sau khi được ủ men vi sinh và nấm vi sinh rác được đẩy sang ngăn thứ 2 nhờ vào thiết bị đảo trộn ở thùng vi sinh. Tại ngăn sinh vật (giun đất) rác tiếp tục bị phân hủy nhờ vào giun đất và đi ra ngoài thùng chứa từ đáy phễu. Khí thải sinh ra trong quá trình ủ phân được hút và dẫn vào hệ thống bình hấp thụ khí, tại đây các khí được trung hòa bởi các dung dịch axit hoặc bazơ.
Em Lê Văn Huy cho biết: “Bằng các giải pháp hóa học và vi sinh, giải pháp năng lượng thiết bị của chúng em đã cho ra sản phẩm là dịch phân và phân hữu cơ giàu dinh dưỡng rất tốt cho việc trồng trọt. Em mong thiết bị này sẽ phát huy tối đa hiệu quả giúp ích cho vấn đề môi trường”.
Lợi ích lớn khi ứng dụng thực tế
Thầy Lê Ngọc Nam, giáo viên dạy môn Hóa của Trường THPT Hòn Đất chia sẻ: “Hệ thống xử lí rác này được thiết kế theo dạng môđun nên rất linh hoạt cho việc thi công ngoài thực tế. Tùy vào lượng rác mà ta có thể thay đổi cho phù hợp với nhu cầu cũng như giá thành của hệ thống”. Thầy Nam cho biết thêm hiện thiết bị này đang ứng dụng xử lí rác tại trường học và đạt kết quả rất tốt. Không chỉ giải quyết vấn đề mùi hôi của rác, khí thải độc ra ngoài mà phân hữu cơ thu được nhà trường dùng để trồng cây các loại đều phát triển xanh tốt, giảm được chi phí khá nhiều.
Với tính khả thi, hiệu quả tích cực khi ứng dụng cũng như lợi ích thiết thực cho môi trường, dự án xử lí rác thải hữu cơ bằng thiết bị thông minh 3 trong 1 đã đạt giải nhì tại hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Kiên Giang năm 2020-2021. Trong tương lai, thiết bị sẽ tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện hơn nữa để không chỉ dùng cho các hộ gia đình mà còn có thể sản xuất hàng loạt phục vụ cộng đồng.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị