Phát hiện mới: Bụi sa mạc mịn đang góp phần ăn mòn tầng Ozon
Phát hiện mới: Bụi sa mạc mịn đang góp phần ăn mòn tầng Ozon
Bụi sa mạc mịn và có khả năng vươn cao lên bầu trời có khả năng phá hủy nhiều chất gây ô nhiễm, nhưng cũng âm thầm gây những tác động đáng sợ.
Các nhà khoa học đến từ Đại học Colorado ở Boulder (Mỹ) phát hiện ra I-ốt (Iodine), một hóa chất phổ biến trong đất và dễ dàng bay lên khí quyển theo bụi sa mạc, có khả năng tẩy sạch nhiều dạng khí ô nhiễm, trong đó có Ozon, thứ mà nếu ở trên mặt đất thì cực kỳ độc hại với con người. Nhưng ngược lại, I-ốt lại khiến nhiều khí nhà kính khác tồn tại lâu hơn. Như vậy tuy tẩy bớt những thứ có độc khi con người hít vào, nhưng I-ốt lại góp phần làm nóng lên toàn cầu.
Phát hiện này còn đưa đến một lời cảnh báo khác: nếu nó bốc lên đủ cao, khi đã bị biến đổi và ẩn trong các phân tử khí, có thể là thông qua một số hoạt động công nghiệp của con người, nó sẽ ăn mòn tầng Ozon, là lớp bảo vệ quan trọng cho Trái Đất khỏi bức xạ gây hại. “Do vậy, cần tránh bổ sung I-ốt vào tầng bình lưu” – giáo sư Rainer Volkamer, tác giả chính của nghiên cứu, cảnh báo.
Trước đó, qua bộ dữ liệu thu được từ các chuyến bay khảo sát ngoài khơi Chile và Costa Rica, các nhà khoa học nhận thấy bụi thổi ở vùng này giàu I-ốt đến kinh ngạc. Quan sát khác từ nguồn bụi sa mạc từ Atacama và Schura ở Chile và Peru cho thấy I-ốt trong đó bị biến thành dạng khí nhanh chóng. Vì sao chúng biến đổi, đó là một câu hỏi cần phân tích thêm nhưng các nhà khoa học nghi ngờ là do tác động từ một hoạt động nào đó của con người.
Nghiên cứu trên vừa được công bố trên Science Advances giúp các nhà khoa học đánh giá toàn diện hơn về mối liên quan giữa chu trình đất và khí quyển, từ đó có những chiến lược chuẩn xác hơn trong nỗ lực làm sạch không khí địa cầu, chống lại biến đổi khí hậu.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị