Quy định mới về giấy tờ khi ra đường, đi làm tại Hà Nội: Cần giải thích rõ, tránh nguy cơ đông người tăng nguy cơ dịch bệnh
Quy định mới về giấy tờ khi ra đường, đi làm tại Hà Nội: Cần giải thích rõ, tránh nguy cơ đông người tăng nguy cơ dịch bệnh
Về quy định cần có 5 loại giấy tờ đối với người ra đường, đi làm tại Hà Nội chuyên gia pháp lý cho rằng thành phố cần giải thích rõ và thống nhất việc áp dụng tránh việc tắc đường, đông người làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Người dân Hà Nội ra đường phải có giấy đi đường được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận
Theo quy định mới của UBND TP Hà Nội, từ ngày 7/8, người dân Hà Nội khi đi đường phải xuất trình tại các chốt kiểm tra các giấy tờ gồm: Giấy đi đường (theo mẫu đã được ban hành kèm theo Công văn số 2434/UBND-KT ngày 29/7/2021 của UBND TP Hà Nội) và các giấy tờ: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những người được phép mới đến cơ quan làm việc trực tiếp, trong trường hợp thực sự cần thiết như: trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cấp thiết khác theo yêu cầu nhiệm vụ.
Tình trạng ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh sau khi Hà Nội thêm quy định về giấy đi đường khiến nhiều người lo ngại.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Công an TP phối hợp với UBND các quận, huyện siết chặt công tác kiểm tra, giám sát tại các chốt kiểm soát; lực lượng Tổ tự quản, Tổ COVID cộng đồng tăng cường công tác kiểm tra Giấy đi đường tại các chốt kiểm soát, đảm bảo đúng mục đích , đúng đối tượng.
Đáng chú ý, trong văn bản mới có nêu UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận giấy đi đường trên nguyên tắc chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ nơi đến trên địa bàn.
Với các Khu, Cụm công nghiệp, chính quyền địa phương chủ động phối hợp các chủ doanh nghiệp thống nhất phương án tổ chức thực hiện giám sát nơi đi hoặc nơi đến phù hợp với tình hình thực tế.
Với các chợ thì Ban Quản lý chợ lập danh sách tiểu thương và người liên quan của chợ đảm bảo giãn cách, giảm quầy hàng. Trên cơ sở danh sách này, UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra, xác nhận và gửi lại cho Ban Quản lý chợ để cấp cho tiểu thương và người có liên quan sử dụng.
Riêng các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ tạm dừng hoạt động thì phải phối hợp UBND xã, phường, thị trấn (nơi đơn vị hoạt động) để được kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường (hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo) cho nhân viên trực đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ tại đơn vị.
Tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh?
Đặc biệt công văn của UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh đến việc khi triển khai phải đảm bảo giãn cách, không tập trung đông người và thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu tiên áp dụng quy định mới của UBND TP Hà Nội theo Công văn 2562/UBND-KT ngày 07/8/2021 đã phát sinh một số vấn đề như tình trạng ùn tắc giao thông tại một số chốt kiểm soát dịch bệnh hoặc tập trung đông người tại các UBND phường, xã để thực hiện thủ tục xác nhận.
Nhiều ý kiến cho rằng, một văn bản ban hành có nhiều cách hiểu khác nhau, việc vận dụng không thống nhất có thể dẫn đến tranh cãi, bức xúc, có thể gây ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm tra.
Nhiều ý kiến cho rằng với những quy định cấp xã, phường, thị trấn thêm nhiệm vụ kiểm tra, xác nhận giấy đi đường trên nguyên tắc giám sát chặt chẽ nơi đến trên địa bàn sẽ khiến cấp cơ sở thêm “gánh nặng” và tăng thêm các thủ tục hành chính không cần thiết khác.
Ngoài ra, việc các cơ quan, đơn vị đổ xô lên UBND xã, phường, thị trấn khiến tập trung đông người, sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu có các ca bệnh chưa được phát hiện và làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định mới thì khi có 05 loại giấy tờ người lao động mới được ra đường, đi làm trong đó “lịch trực, lịch làm việc” có thể là một nội dung và thường sẽ ghi trong bảng, sổ của doanh nghiệp. Giờ phải làm cho mỗi người một quyển hoặc thành các tờ riêng… sẽ là bất hợp lý.
“Văn bản phân công nhiệm vụ” thì nội dung cũng giống “Giấy đi đường”… các loại giấy tờ trên vẫn do nội bộ doanh nghiệp phát hành, các nội dung được xé lẻ ra làm nhiều tờ (5 loại) theo nội dung văn bản mới thì sẽ gây ra những tranh cãi trong cách hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau.
“Có thể là lỗi kỹ thuật của văn bản khi không dùng từ “hoặc” trong liệt kê một số giấy tờ có giá trị tương đương (lịch trực = lịch làm việc; giấy đi đường = giấy giới thiệu = văn bản phân công nhiệm vụ)…”, Luật sư Cường nhận định.
Theo quy định mới người dân Hà Nội ra đường, đi làm phải có 05 loại giấy tờ
Chuyên gia pháp lý này cho rằng một văn bản ban hành có nhiều cách hiểu khác nhau, việc vận dụng không thống nhất có thể dẫn đến tranh cãi, bức xúc, có thể gây ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm tra… Có thể sẽ không đạt được hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh như mục đích của văn bản đề ra.
“Giấy đi đường có bắt buộc phải có xác nhận của UBND cấp xã, phường hay không? Việc UBND xã, phường xác nhận với số lượng lớn, tức thời có thể dẫn đến việc tập trung đông người, có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh khi thực hiện thủ tục này. Đây là vấn đề cần tính đến khi tổ chức thực hiện văn bản này”, Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.
Bởi vậy, theo chuyên gia pháp lý này, UBND Thành phố Hà Nội cần giải thích một số nội dung của văn bản này và thống nhất áp dụng trong thực tiễn để tránh ách tắc giao thông, tránh những khu vực tập trung đông người không cần thiết gây nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Đảm bảo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động thiết yếu được phép hoạt động theo quy định của chỉ thị 16 và chỉ thị 17. Giải pháp quan trọng là kiểm soát điều kiện về phòng dịch đối với các cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Đối với các doanh nghiệp, cá nhân không đảm bảo điều kiện an toàn về phòng dịch thì buộc dừng hoạt động chứ không phải đưa ra những giấy tờ chưa rõ ràng, không cần thiết để gia tăng rào cản trong việc đi lại của người dân.
Việc đưa ra các loại giấy tờ có nội dung trùng nhau, gây nhầm lẫn và không cần thiết, yêu cầu xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã phường… sẽ dẫn đến khó hiểu cho đơn vị tổ chức thực hiện văn bản và người dân trong việc thực hiện thủ tục, gây tranh cãi các điểm kiểm tra và có thể gây ra ách tắc giao thông hiện tượng tập trung đông người tại ủy ban nhân dân cấp phường và các khu vực có các chốt kiểm dịch, khu vực kiểm tra.
“Việc quy định không rõ ràng cũng có thể gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong phòng chống dịch bệnh. Bởi vậy UBND Thành phố Hà Nội cần phải có giải thích, hướng dẫn, quán triệt để áp dụng thống nhất văn bản này”, Luật sư Đặng Văn Cường nói.