Hà Nội: Hệ lụy khi “biến” đất nông nghiệp thành nhà xưởng

Vào những ngày cuối tháng 12/2021, trong vai một người cần mặt bằng sản xuất, phóng viên có mặt ở thôn Minh Nga (xã Văn Tự, Thuờng Tín, Hà Nội). Tại đây, không khó để nhận ra những nhà xưởng được dựng lên ở các địa điểm khác nhau.

Khi phóng viên đang thực hiện ghi hình thì một người dân (sống ở thôn Minh Nga) bước đến dặn dò: “cẩn thận không bị chửi đấy?”. Người này còn chỉ dẫn phóng viên và cho hay: “trên địa bàn xã Văn ­­­­­­­­Tự có khá nhiều nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp. Nhưng không hiểu kiểu gì mà UBND xã xử lý theo kiểu ‘đánh trống bỏ dùi’ để sai phạm vẫn tồn tại”.

Khu đất trống này từng được UBND xã Văn Tự tháo dỡ, cưỡng chế nhưng các điểm liền kề thì không bị xử lý.
Khu đất trống này từng được UBND xã Văn Tự tháo dỡ, cưỡng chế nhưng các điểm liền kề thì không bị xử lý.

Người dân dẫn chứng, vào tháng 4/2021 UBND xã Văn Tự quyết định tháo dỡ công trình vi phạm tại thôn Minh Nga, hiện các công trình khu đất này đã bị phá dỡ hoàn toàn. Tuy nhiên, không hiểu sao, các nhà xưởng nằm ngay cạnh đó lại không bị cưỡng chế, tháo dỡ. Liệu rằng, lãnh đạo UBND xã không cương quyết xử lý vi phạm hay buông lỏng, tiếp tay, bao che cho sai phạm?

Ông Trịnh Hùng Sơn – Chủ tịch UBND xã Văn Tự xác nhận với phóng viên, trên địa bàn xã có tình trạng xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp, nhưng chưa bị cưỡng chế hoặc tháo dỡ chưa dứt điểm. Cụ thể: tại thôn Minh Nga có 5 trường hợp của các ông: Nguyễn Văn Lăng, Trần Văn Khanh, Nguyễn Văn Lực, Đinh Tiết Trụ và Nguyễn Văn Lâm.

Người đứng đầu chính quyền xã Văn Tự cho biết thêm, trên cơ sở đơn thư, đầu 2019 UBND xã đã xử lý các trường hợp này, giữa năm vừa rồi tiếp tục xử lý 1 loạt đất công. Theo kết luận thanh tra, thì có 5 trường hợp nói trên, vi phạm sau thời điểm 01/07/2014 xã đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế ngay đầu 2019. Các trường hợp này không nằm trong quy hoạch thì phải xử lý, cưỡng chế.

Công trình này vừa mới được dựng lên nhưng vẫn chưa bị xử lý.
Công trình này vừa mới được dựng lên nhưng vẫn chưa bị xử lý.
Tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Văn Tự được xem như khá phổ biến.
Tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Văn Tự được xem như khá phổ biến.

“Cưỡng chế xong, đến thời gian chuẩn bị cho đại hội, cán bộ bận công việc thì mấy hộ này lại bắt đầu dựng lại như cũ. Thời điểm lúc đấy cán bộ đang tập trung cho nhiệm vụ chính trị thì họ tranh thủ. Đến lúc phát hiện ra thì xong rồi. Chúng tôi đang cho lập hồ sơ báo cáo lên huyện”, ông Sơn nói.

Cũng theo vị lãnh đạo xã Văn Tự: “những trường hợp này là tái phạm chưa xử lý, mới làm hồ sơ tái phạm. Vì nếu như tổ chức cưỡng chế thì quy trình rất là mệt và phải có sự hỗ trợ của các nghành chức năng của huyện. Đặc biệt là lực lượng công an”.

Chủ tịch UBND xã Văn Tự nói thêm: “có những trường hợp sản xuất, thì UBND xã đã báo cáo với Công an huyện Thường Tín về phối hợp làm, đến nay vẫn chưa có thông báo nào cho xã. Nhưng giờ có công an chính quy về xã thì giao cho Công an xã, kể cả phòng cháy chữa cháy (PCCC), môi trường…

Hôm nọ tôi đã gắt tại hội nghị, nếu như các ông (trường hợp có công trình xây dựng trên đất nông nghiệp – phóng viên) không có chống lưng liệu có làm được như thế không? Tôi không bao che, nhưng vì đợt này anh em báo cáo không kịp thời và vào cuộc cũng không gay gắt. Nói về cán bộ để sai phạm thì chỉ kiểm điểm cuối năm thôi”.

Khi được hỏi về các văn bản liên quan đến Công tác PCCC, môi trường… thì lãnh đạo UBND xã nói rằng, các nhà xưởng xây dựng sai phép nên không có PCCC, không có biện pháp bảo vệ môi trường và điện cũng không được cấp.

Người dân mong muốn chính quyền địa phương xử lý dứt điểm tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, nhằm tránh tạo tiền lệ về sai phạm.
Người dân mong muốn chính quyền địa phương xử lý dứt điểm tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, nhằm tránh tạo tiền lệ về sai phạm.

Có thế thấy rằng, việc xây dựng các nhà xưởng trên đất nông nghiệp tại xã Văn Tự là có. Qua đó, công tác an toàn phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và đảm bảo nguồn thu thuế cho Nhà nước sẽ như thế nào? Nếu xảy ra sự việc đáng tiếc nào thì ai sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật?

Với tình trạng sai phạm nói trên, UBND huyện Thường Tín, Sở Tài Nguyên Môi trường Hà Nội, Công an huyện Thường Tín, Công ty điện lực Thường tín… cần vào cuộc kiểm tra, xử lý triệt để sai phạm nhằm tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra. Đồng thời, cần siết chặt việc sử dụng đất sai mục đích tại xã Văn Tự nói riêng và huyện Thường tín nói chung.

Bên cạnh đó, UBND huyện Thường Tín và UBND xã Văn Tự cũng cần xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm, làm rõ lộ trình và thời gian thực hiện, nhằm tạo đồng thuận trong Nhân dân.

Phóng viên sẽ tiếp tục thông tin!

Xem link!

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích